21/10/2015 09:18 GMT+7

Xây hồ chống ngập tại gia: Khó khả thi

D.NGỌC HÀ thực hiện
D.NGỌC HÀ thực hiện

TT - Trước đề án xây hàng loạt hồ điều tiết chống ngập trong nhà mỗi hộ dân, nhiều chuyên gia tỏ ý băn khoăn trước tính khả thi của đề án này.

Tài liệu do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cung cấp

* Kỹ sư Nguyễn Văn Đực (giám đốc Công ty tư vấn thiết kế Tân, TP.HCM):

Rất tốn kém cho dân

Theo tôi, ý tưởng trên khó khả thi vì nhiều lý do. Xây dựng một hệ thống hồ chứa nước, đường ống nước, hệ thống máy bơm nước ra ngoài, chi phí bảo trì... rất tốn kém cho dân. 

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực

Tôi cho rằng thay vì thiết kế hồ chứa nước trên mái bằng của các ngôi nhà thì khuyến khích người dân tạo vườn, trồng cây trên sân thượng.

Cả hai cách đều chịu chi phí chống thấm như nhau nhưng trồng rau thiết thực hơn, người dân vừa có rau ăn, vừa phủ xanh được môi trường và hệ thống rễ cây trong đất cũng giữ được nước tốt.

* TS Lê Huy Bá (nguyên viện trưởng Viện công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM):

Nhà nước cần hỗ trợ

Tiến sĩ Lê Huy Bá

Đây là phương pháp có lâu rồi chứ không mới. Cách đây nhiều năm đã có chuyên gia đưa ra nhưng chưa được áp dụng.

Theo tôi, mỗi hồ điều tiết nhỏ trong nhà dân có thể làm tăng chi phí xây dựng lên từ 20 - 30%. Nhà nước phải hỗ trợ người dân về tài chính, kỹ thuật, thiết kế và cả mỹ quan của công trình.

Nếu làm hồ trên mái thì phải chú ý đến việc chống thấm và độ chịu lực của nền móng vì 1m3 nước tương đương 1 tấn.

* TS Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm quản lý nước và khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Cần cộng đồng chung tay

Tiến sĩ Hồ Long Phi

* Thưa ông, ý tưởng giảm ngập bằng cách làm các hồ điều tiết nhỏ trong nhà dân xuất phát từ đâu?

- Đây là phương pháp không mới, mô hình này thế giới làm rồi. Ở Đức đã thành quy định, xây nhà thì phải có hồ chứa nước, điều này bắt buộc ngay từ khi xin phép xây dựng.

Đừng có nghĩ hồ điều tiết phải rộng như hồ Gươm, hồ Tây hay hệ thống điều tiết nước phải phức tạp, cần nhiều kỹ thuật và tốn kém.

Hồ điều tiết nhỏ trong các gia đình cũng đơn giản như hệ thống cấp nước vậy. Nhà ai cũng có hệ thống cấp nước, nên làm hồ điều tiết cho mỗi nhà là hoàn toàn khả thi.

* Có ý kiến cho rằng việc chống ngập là của Nhà nước. Bây giờ đưa ra cách làm này là Nhà nước đẩy trách nhiệm về phía dân?

- Không phải chỉ có đơn vị chống ngập mới có trách nhiệm chống ngập và người dân có quyền đứng ra phê phán đơn vị chống ngập.

Thật ra đơn vị chống ngập chỉ có mấy trăm con người, nhưng cả TP này gần chục triệu người. Nếu mỗi người dân không ý thức giữ gìn thì làm sao cái trung tâm này chống cho lại? Mỗi gia đình, cả xã hội tham gia phòng ngập sẽ hiệu quả hơn chỉ có một cơ quan đi chống ngập.

Hiện nay trung tâm chống ngập thì cứ chống, dự án cứ mọc lên không có hồ chứa bù lại, nhà dân cứ xây dựng, bêtông hóa đất đai thì chẳng khác nào một bên cứ chạy, một bên rượt đuổi theo. Vậy đến bao giờ TP.HCM mới hết ngập?

Phải quan niệm nước ngập cũng như rác, cùng làm bẩn môi trường chung. Đẩy nước ra ngoài đường giống như quăng rác ngoài đường vậy, sẽ tạo gánh nặng cho xã hội. Cho nên mỗi gia đình phải có trách nhiệm chung tay xử lý để bảo đảm môi trường sống chung.

* Có ý kiến cho rằng chỉ nên buộc dân làm hồ điều tiết ở những khu vực mà cống thoát nước quá tải hoặc những khu vực bị ngập. Chỗ nào cũng làm hồ điều tiết thì sẽ gây lãng phí không cần thiết?

- Thực tế, nước không ở chỗ này sẽ tràn qua chỗ khác. Nơi nào mới phát triển, nền đất cao thì sẽ không bị ngập, nhưng nước mất sẽ tràn xuống chỗ thấp làm cho chỗ thấp ngập nặng hơn. Nếu làm thí điểm, tôi nghĩ nên thực hiện ở khu công cộng và các dự án trước.

Coi chừng phát sinh muỗi

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mứng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Bình Thạnh (TP.HCM), việc xây dựng các hồ chứa nước mưa trên mái, nóc các nhà trên địa bàn TP phải thực hiện kỹ lưỡng nếu không muốn để phát sinh lăng quăng, muỗi gây bệnh và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. 

Cụ thể, ông khuyến cáo các hồ chứa nước phải được lắp đặt kín, trường hợp nếu hồ chứa nước hở phải tháo nước trong vòng ba ngày, vì theo chu kỳ sau ba ngày muỗi đẻ trứng trong nước sẽ phát triển thành lăng quăng, sau đó thành muỗi. 

Việc tháo nước phải đảm bảo hồ được khô hoàn toàn, không còn đọng nước, không để rong rêu tạo môi trường muỗi phát triển.

Q.KHẢI

D.NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp