05/12/2009 05:34 GMT+7

Khô hạn nghiêm trọng ở miền Bắc: Chuyển trồng lúa sang hoa màu

Đ.BÌNH - T.PHÙNG
Đ.BÌNH - T.PHÙNG

TT - Sẽ có khoảng 30.000ha lúa ở miền Bắc phải chuyển đổi sang trồng cây hoa màu trong vụ đông xuân 2009-2010. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa cảnh báo như vậy do ảnh hưởng của tình hình khô hạn.

X2lMr5Yb.jpgPhóng to
Nhiều thuyền chở đồ gốm sứ bị “quây” trong một vũng nước nhỏ khi một nhánh phải sông Hồng ở Tứ Liên (Hà Nội) bị cạn hoàn toàn - Ảnh: Tuấn Phùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho biết trước nguy cơ khô hạn nghiêm trọng có thể xảy ra trên diện rộng toàn miền Bắc, mới đây Bộ NN&PTNT đã có công điện gửi các địa phương phía Bắc chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp để ứng phó với nguy cơ đại hạn.

Giảm thiểu tối đa thiệt hại

Theo ông Học, do ảnh hưởng của El Nino, không chỉ miền Bắc, vụ đông xuân năm nay có thể xảy ra khô hạn lan sâu vào cả khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ. Vì thế, để chủ động trong gieo cấy vụ đông xuân, bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra đánh giá trữ lượng nước trên hệ thống các hồ chứa, sông ngòi để từ đó tính toán khả năng đáp ứng nước tưới và có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, giảm thiểu tối đa thiệt hại do khô hạn gây ra.

Đồng thời Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các công ty khai thác công trình thủy lợi, ban quản lý các hồ chứa khẩn trương tìm mọi phương án tích nước, tổ chức nạo vét kênh mương, tu sửa hệ thống thủy nông...

Để chủ động đối phó với khô hạn, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng lập các đoàn công tác đi các địa phương để kiểm tra, chủ động lên phương án đối phó với khô hạn.

Theo nhận định của ông Nguyễn Trí Ngọc - cục trưởng Cục Trồng trọt, với tình hình tích trữ nước như hiện nay và khả năng thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng nên vụ đông xuân 2009-2010 sẽ có khoảng 30.000ha lúa ở miền Bắc phải chuyển đổi sang trồng cây hoa màu. Cùng với giải pháp chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Ngọc cho biết Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các địa phương cần phải có phương án gieo cấy tập trung để tận dụng triệt để nguồn nước mà các hồ chứa thủy lợi sẽ xả theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.

Thứ trưởng Đào Xuân Học cho biết ngay trong tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực VN để bàn và xây dựng phương án, thời điểm, lưu lượng nước xả hợp lý từ ba nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang nhằm bảo đảm đủ lượng nước cho sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu.

Xin nạo vét sông

Mặc dù đang là “mùa làm ăn” nhưng không khí của bến đồ gốm ở khúc sông Hồng phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn trầm lắng. Những năm trước vào dịp này, cả khúc sông luôn nhộn nhịp tàu thuyền tập kết các chủng loại đồ gốm từ các tỉnh miền Bắc về đây để phân phối cho những chuyến xe đạp thồ chở hàng vào phố. Hàng trăm con thuyền chở đồ gốm sứ như nằm trong ao khi hai đầu của một nhánh sông qua khu vực phường Tứ Liên đã trở thành hai bãi cát trắng xóa.

Chị Đào Thị Hà (quê Vĩnh Phúc) đã có bảy năm bám trụ đoạn sông này để buôn bán đồ gốm sứ, ngán ngẩm: “Từ năm 2008 đến nay, đến thời điểm tháng 11 là nước sông đoạn này cạn khô. Thuyền không đi được nên chúng tôi phải thuê ôtô chở hàng từ Bát Tràng sang đây rồi đưa vào phố bán. Đồ gốm mà vận chuyển bằng đường bộ thì vất vả hơn, chi phí tăng nhiều lần so với đường sông”. Chị Hà cho biết thêm gần 100 con thuyền vừa là phương tiện vừa là nơi sinh hoạt của các gia đình vẫn còn nổi ở vũng nước như cái ao nhỏ là nhờ nước thải từ thành phố chảy ra không thoát đi được.

Những người dân làm nghề chài lưới ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn theo cách mà họ nói “đến hẹn lại lên”. Ông Hùng (một người làm nghề chài lưới ở bãi Phúc Tân) cho biết mấy năm gần đây cứ đến mùa cạn là nước xuống thấp, việc đánh bắt khó khăn hơn. Nước ở thượng nguồn không đổ về nên tôm cá cũng hiếm đi. Những gia đình canh tác trên bãi giữa sông Hồng cũng không khỏi lo lắng khi nước sông ngày càng xa.

Ông Nguyễn Văn Xuân - một người dân Hưng Yên lên thuê đất canh tác ở bãi giữa sông Hồng - cho biết: “Cứ năm nào đến mùa cạn chúng tôi cũng phải mua thêm đường ống nhựa, tốn thêm xăng dầu để chạy máy bơm tưới cho hoa màu”. Các giếng khoan trên bãi giữa hầu như đã cạn nước nên mọi người phải bơm nước từ sông để tưới rau.

Ông Lê Văn Lương - giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 - cho biết: những ngày vừa qua khi nước sông Hồng xuống mức 1m đã có nhiều tàu thuyền không thể qua lại đoạn sông chảy qua Hà Nội. Sáng 4-12, mực nước tại Bắc Biên (thượng lưu cầu Long Biên) là 1,4m, do thủy triều lên đến buổi trưa nhích lên 1,8m nên tàu thuyền có mớn nước đến 2,2m (khoảng 500 tấn) có thể đi được.

“Theo dự báo nước sông có thể xuống thấp nữa nên chúng tôi đang xin phép Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho phép nạo vét khoảng 25.000m3 ở khu vực Bắc Biên để giao thông không lâm vào tình trạng tê liệt” - ông Lương cho biết.

Đ.BÌNH - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp