11/06/2021 10:15 GMT+7

Khó giảm lãi suất cho vay?

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khi dịch COVID-19 tái bùng phát, nhiều doanh nghiệp càng khốn đốn hơn khi trước đó vừa nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay từ ngân hàng sau khi hết thời gian ưu đãi.

Khó giảm lãi suất cho vay? - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Sacombank trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dù nhiều ngân hàng công bố lãi khủng, lên tới 7.000 - 8.000 tỉ đồng trong quý 1-2021, và các chuyên gia khẳng định vẫn còn nhiều dư địa cho việc giảm lãi suất cho vay, nhưng các ngân hàng lại cho rằng chỉ có thể giảm lãi suất cho vay sau khi giảm lãi suất huy động. 

Nhưng với việc lạm phát có xu hướng tăng, ngân hàng không thể giảm lãi suất huy động nên khó giảm lãi suất cho vay!

Lãi suất vừa tăng thì dịch tới

Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, cho biết vừa được ngân hàng thông báo tăng lãi suất cho vay, với lãi suất cho vay ngắn hạn mới ở mức 7,3-7,5%/năm. 

"Trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát, sản xuất bị ảnh hưởng nặng, thậm chí ngưng trệ, công nhân phải nghỉ việc do giãn cách hoặc bị cách ly, việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay là đòn giáng mạnh vào doanh nghiệp. Chúng tôi mong lãi suất giảm xuống để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", ông Linh nói.

Theo ông Đặng Xuân Phi - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hải Hà, doanh nghiệp này đang vay ngân hàng với lãi suất 8%/năm. Điều mong mỏi nhất là được giảm lãi suất, nếu được giảm 1-1,5% sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính, bởi doanh nghiệp đang rất cần được tiếp sức trong bối cảnh hiện nay. 

"Doanh nghiệp cũng chỉ được vay ngắn hạn trong 6 tháng, thay vì 12 tháng như trước. Dòng tiền chưa về là phải xoay nguồn khác để trả ngân hàng mới được vay tiếp. Do đó, ngoài áp lực lo kinh doanh, doanh nghiệp còn phải lo cả đảo nợ nữa" - ông Phi than thở.

Bà Phạm Ngọc Hà, kế toán Công ty xuất nhập khẩu Thiên Hương, cho biết trong khi lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đang ở mức thấp hơn so với năm trước, chẳng hạn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng vào tháng 5-2021 chỉ còn 3,45%/năm so với mức 3,95%/năm cùng kỳ năm trước, nhưng lãi suất cho vay không giảm, thậm chí còn tăng, là điều rất vô lý. 

"Lẽ ra các ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp như yêu cầu mới của Ngân hàng Nhà nước, thay vì tăng lãi suất cho vay", bà Hà nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, chưa kể ngân hàng cũng giảm phí giao dịch để chia sẻ với khách hàng. Với kỳ vọng giảm lãi suất cho vay của các doanh nghiệp, vị này cho rằng ngân hàng sẽ phải cân đối vì lãi suất cho vay có thể hạ khi giảm lãi suất tiền gửi. 

"Tuy nhiên, lạm phát đang có xu hướng tăng nên việc giảm lãi suất huy động thì người gửi tiền sẽ thiệt thòi, dòng tiền chuyển sang kênh đầu tư khác. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay và huy động sẽ phải cân nhắc", vị này nói.

Khó giảm lãi suất cho vay? - Ảnh 2.

Biểu lãi suất tại một ngân hàng trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ khách vay trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Theo đó, căn cứ năng lực và khả năng tài chính, các ngân hàng tính toán việc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngân hàng phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp được biết.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thời gian gần đây một số ngân hàng vừa tăng nhẹ lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1-0,2%/năm, chưa kể lãi suất liên ngân hàng cũng đứng ở mức cao, dẫn đến lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng lên. 

Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty CP chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã giảm khoảng 2-2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm từ 1-1,5%. Do vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia tài chính Đường Trọng Khang cũng cho rằng lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm nữa. 

Theo đó, các ngân hàng cần tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay, miễn phí giao dịch cho doanh nghiệp, nhất là các đơn vị ở vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... 

"Doanh nghiệp kinh doanh có lãi mới trả được lãi vay và nợ gốc, khi đó ngân hàng mới phát triển lành mạnh được. Nếu cứ lấy lý do phải giảm lãi suất tiền gửi mới hạ được lãi vay là không hoàn toàn hợp lý, nhất là khi dịch bệnh mà các ngân hàng vẫn lãi đậm", ông Khang nói.

Cũng theo ông Khang, từ năm 2020 đến nay, cả nước có vài chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19. Trong khi đó, ngành ngân hàng tiếp tục đạt lợi nhuận rất lớn trong quý 1. 

"Theo các thông tin được công bố công khai, các ngân hàng lớn đạt lợi nhuận lên tới 7.000 - 8.000 tỉ đồng, còn ngân hàng nhỏ hơn cũng lãi cả nghìn tỉ đồng, gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy việc hạ lãi suất cho vay không phải là không có nguồn, không nên chỉ trông chờ vào giảm lãi suất huy động", ông Khang nhấn mạnh.

Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chỉ một số ít ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn, Vietcombank công bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh từ ngày 1-6 đến 31-8.

BIDV công bố giảm 1%/năm so với cùng kỳ năm 2020 đối với lãi suất cho vay của gói vay vốn trung dài hạn mới 2021 với quy mô 50.000 tỉ đồng.

HDBank cũng giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp nhất chỉ có 3%/năm dành cho các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, hạn mức lên đến 3 tỉ đồng và ân hạn vốn gốc 6 tháng…

Miễn, giảm 3 tháng lãi suất và phí cho khách vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 Miễn, giảm 3 tháng lãi suất và phí cho khách vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 gây thiệt hại cho khách hàng tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định giảm đồng loạt lãi suất cho vay và phí trong 3 tháng cho khách hàng ở 2 tỉnh này.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: lãi suất ngân hàng
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp