Khô da không đơn thuần chỉ là biểu hiện sức khỏe của da
Da là một trong những cơ quan lớn nhất của cơ thể, chúng cũng cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi trong tưới máu và chuyển hóa.
Về cơ bản, da không phải là cơ quan được ưu tiên trong các tình huống cấp bách của cơ thể. Ví dụ, một người bị chảy máu hoặc mất dịch do tiêu chảy hay nôn ói, ăn uống kém, uống quá ít nước, cơ thể sẽ ưu tiên tưới máu cho tim, não, gan, thận… Khi đó bạn thường thấy cơ thể của họ khá lạnh, nhất là vùng đầu chi như ngón tay và ngón chân.
Da khô khi sờ vào sẽ thấy thô ráp, bong vảy nhỏ như vảy cá, hay xuất hiện vết nứt da và viêm đỏ. Khi đó, khả năng chống lại các yếu tố bên ngoài như bụi bẩn, vi khuẩn của da rất kém nên rất dễ nhiễm trùng.
Da là hàng rào bảo vệ đầu tiên giúp cơ thể chống lại tác nhân gây hại. Khô da có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như lão hóa, thuốc, rối loạn tâm thần, chế độ ăn uống không đủ nước và acid béo lành mạnh, thay đổi nội tiết tố, nhất là quanh tuổi mãn kinh, bệnh da liễu và cả đái tháo đường.
Khô da là một trong những biểu hiện ở da phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường, đặc biệt nếu có kèm theo béo phì. Vậy làm sao để phân biệt hay nghi ngờ khô da này liên quan đến đái tháo đường?
Khi nào là khô da thông thường và do bệnh lý?
Khô da thông thường thường sẽ khô da toàn thân, khô đều khiến bạn cảm giác như "cơ địa" của bản thân. Khô da trong bệnh đái tháo đường là tình trạng khô da mới xuất hiện dần dần, vùng da khô nhiều nhất là đầu xa của chi như bàn chân và bàn tay.
Nguyên nhân do tình trạng giảm tiết mồ hôi, tổn thương viêm các mạch máu nhỏ khiến da không được cung cấp đủ dinh dưỡng và nước. Với đái tháo đường, khô da là một dấu hiệu cảnh báo bệnh, cũng là dấu hiệu cho thấy rằng đã có biến chứng mạch máu xuất hiện.
Khi da khô trong đái tháo đường, vấn đề cần lưu ý đầu tiên là da khi đó rất dễ nhiễm trùng và rất khó để hồi phục độ ẩm. Chất làm mềm như ammonium lactate có thể hiệu quả để kiểm soát tình trạng này trong một số trường hợp.
Nên làm gì khi da khô để tránh nhiễm trùng?
Nên làm gì khi da khô để tránh nhiễm trùng?
- Mặc quần áo rộng rãi để lưu thông máu tốt, ưu tiên chọn chất liệu cotton.
- Chọn mua giày dép nên đi vào buổi chiều vì khi đó chân có kích thước to nhất tránh bị chật, ưu tiên chọn chất liệu êm, mềm, nhưng phần đế chắc chắn để tránh bị thương.
- Vệ sinh tay sạch sẽ nhưng không cần quá thường xuyên vì sẽ làm da mất nước nặng hơn.
- Dưỡng ẩm sau khi tắm, rửa tay.
- Thường xuyên quan sát xem vùng da khô có vết thương không, nếu có, cần rửa bằng nước muối sinh lý, vì da khô sẽ làm da giảm cảm giác, nhất là khi có bệnh đái tháo đường.
- Khi nấu nướng nên đeo bao tay để sơ chế thực phẩm, vì da khô khả năng miễn dịch rất kém nên dễ lây nhiễm vi trùng từ thực phẩm sống.
- Kiểm soát tốt đường huyết, tập thể dục thường xuyên.
- Uống đủ nước, trung bình khoảng 2-2,5 lít/ngày tùy nhu cầu, nhưng không uống quá 4 lít/ngày.
- Ngủ đủ giấc, có thể bạn nghĩ rằng ngủ đủ giấc liên quan gì đến độ ẩm da, nhưng thực ra giấc ngủ là lúc da được nghỉ ngơi và phục hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận