26/06/2017 08:52 GMT+7

Khó chấp nhận bản khai 'sinh đôi' vụ hoa hậu Phương Nga

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Hai bản khai của Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ đều là bản đánh máy nên khả năng bị "copy" từ bản này sang bản kia. Lời khai của Nga có bị áp đặt, làm giả hay không cần phải được làm rõ.

Ông Cao Toàn Mỹ trả lời thẩm vấn tại phiên tòa - Ảnh: Nam Trần
Ông Cao Toàn Mỹ trả lời thẩm vấn tại phiên tòa - Ảnh: Nam Trần

“Thực tế chúng ta có thể đặt vấn đề nghi ngờ về tính xác thực của các bản khai trên, nhưng nếu soi chiếu vào các điều luật cụ thể thì không vi phạm tố tụng

Một kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM

Tình tiết hai bản khai "sinh đôi" trong vụ án (từng đạt giải người đẹp Việt Nam tại Nga) bị cáo buộc lừa ông Cao Toàn Mỹ 16,5 tỷ đồng khiến dư luận dấy lên hoài nghi phải chăng điều tra viên đã “copy” lời khai của bị cáo và bị hại, nhằm hợp thức hóa hành vi phạm tội của bị cáo.

Tuổi Trẻ tiếp tục trao đổi với các luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên nhiều kinh nghiệm trong truy tố, xét xử về tình tiết bất thường này.

Có thể giống nhau nếu là sự thật

Như đã thông tin, theo hồ sơ vụ án, Phương Nga bị cáo buộc đã lừa đảo ông Mỹ 16,5 tỷ đồng qua việc nhận mua nhà dùm.

Trong hồ sơ, có một bản khai Nga thừa nhận hành vi lừa ông Mỹ nhưng nội dung và hình thức bản khai này của Nga (khai ngày 29-9-2014) giống hệt từ hình thức đến nội dung bản khai của ông Cao Toàn Mỹ (người tố cáo, khai ngày 9-9-2014) trước đó.

Về sự giống nhau này, một kiểm sát viên của Viện KSND TP.HCM nói rằng nếu chỉ có sự thật duy nhất xảy ra tại thời điểm duy nhất mà hai người cùng có lời khai trung thực thì lời khai hoàn toàn có thể giống nhau.

Việc ĐTV ghi lời khai giống hệt nhau cũng có thể giải thích rằng đó là sự thật duy nhất.

“Tuy nhiên theo suy luận của cá nhân tôi, do lời khai có thể quá khớp nhau nên ĐTV đã “copy” lời khai của ông Mỹ được đánh máy trước đó rồi dán vào bản lời khai của Phương Nga. Pháp luật tố tụng không cấm điều này” - vị này nói.

Nên trả hồ sơ để xem xét lại điểm bất thường

Còn tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy (khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng việc dư luận dấy lên nghi ngờ về việc dụ cung đối với bị cáo (có thể tạm gọi như vậy) căn cứ vào sự đối chiếu nội dung giữa hai biên bản ghi lời khai của bà Nga và ông Mỹ.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải đối chiếu lời khai với các nguồn chứng cứ khác để xác định sự thật vụ án.

Theo tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy, không thể dựa vào lời nhận tội của người bị buộc tội làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Nếu chỉ có nguồn chứng cứ là lời khai để buộc tội, mà lại có sự nghi ngờ về tính tin cậy của nó thì tòa nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Còn thẩm phán Thân Quốc Hùng (phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang) nhận định nếu có hai bản khai giống nhau như vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi nghi ngờ về tính xác thực của bản khai.

Ông Hùng cho rằng HĐXX phải đánh giá lại toàn bộ chứng cứ. Ngoài bản khai này thì có bản khai khác không, các chứng cứ khác chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo là gì.

Nếu đó là căn cứ duy nhất để truy tố bị cáo thì rất cần phải xem xét lại. Đồng thời, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa trước và phiên tòa này đều cho rằng có việc dụ cung, vậy nên cũng phải làm rõ xem có việc dụ cung, ép cung hay không.

“Thậm chí sau khi xem xét có thể loại bản khai đó ra khỏi hồ sơ vụ án nếu có nhiều căn cứ khác vững chắc cho thấy rằng bị cáo đã thực hiện hành vi tội phạm. Ngoài ra, cũng có thể đặt ngược lại vấn đề rằng nếu có việc sắp xếp cho lời khai thì những người tham gia tố tụng phải tiếp cận ở hướng khác...” - ông Hùng nói.

Khó chấp nhận bản khai “sinh đôi”

Về lý thuyết, việc bản khai giống nhau có thể xảy ra và có thể vẫn được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét. Bởi vì pháp luật hiện hành chưa quy định bản khai giống nhau thì không được coi là chứng cứ. Tuy nhiên trong trường hợp này, các bản khai này rất khó được chấp nhận.

Bản khai của bị cáo Phương Nga và bị hại Cao Toàn Mỹ là bản đánh máy, vì vậy rất có nhiều khả năng ĐTV đã “copy” toàn bộ lời khai của ông Mỹ làm lời khai của bà Phương Nga. Như vậy khả năng sai sót là rất lớn, thậm chí “áp đặt” ý chí của ĐTV khá cao.

Do đó theo chúng tôi, việc hai bản khai giống nhau “như đúc” thì có thể coi là không có giá trị pháp lý và cần phải bị hủy.

Vì vậy, đề nghị HĐXX trong vụ án này cần trả hồ sơ, điều tra lại một cách thận trọng, chặt chẽ theo hướng suy đoán vô tội vì có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Đồng thời điều tra, xác minh ĐTV có tự ý làm giả lời khai hay không, vi phạm tố tụng hay không. Điều này vừa đảm bảo sự thật khách quan của vụ án vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo.

Luật gia Phạm Văn Chung

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp