22/04/2019 06:19 GMT+7

Khó buông người yếu sao có người giỏi!

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Đơn vị nào cũng muốn có nhiều người giỏi, người mẫn cán cho công việc. Nhưng bộ máy nhà nước có phần ì ạch, chưa phục vụ tốt nhất người dân có phần do chưa thể buông người yếu kém để dành chỗ cho người làm được việc.

Khó buông người yếu sao có người giỏi! - Ảnh 1.

Cần tạo môi trường cho những giáo viên cần mẫn có “đất” sáng tạo vì sự nghiệp giáo dục - Ảnh: TỰ TRUNG

Muốn có người giỏi nhưng khó buông người yếu. Đó là một thực tế mà trở ngại có phần vướng do quy định bởi luật!

Cách đây 5 năm, hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM đã bị một giáo viên kiện vì điều chuyển cô này sang làm công tác văn phòng. 

Lý do điều chuyển là do kỹ năng đứng lớp giảng dạy cùng với việc xử lý tình huống sư phạm của cô giáo có nhiều hạn chế. Cô mắc nhiều sai phạm, bị phụ huynh tố cáo, không tín nhiệm... 

Tuy nhiên, sau nhiều tháng đi hầu kiện, cuối cùng ông hiệu trưởng phải phục hồi vị trí cho giáo viên trên vì... làm sai Luật viên chức.

Sai luật thế nào? Hợp đồng làm việc của giáo viên là hợp đồng không thời hạn, mà theo Luật viên chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ mới được chấm dứt hợp đồng làm việc. 

Ông hiệu trưởng cho rằng luật quy định không hợp lý, cô giáo không hoàn thành nhiệm vụ trong 1 năm là có thể điều chuyển sang bộ phận văn phòng. 

"Trong 1 năm, cô ấy đã mắc sai phạm và bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm nhiều lần, rồi phụ huynh liên tiếp xin chuyển sang lớp khác. Nếu năm sau vẫn cho cô đứng lớp, phải chịu đựng cô giáo chính là các em học sinh. Nhưng luật vẫn là luật, vẫn phải tuân theo luật", vị hiệu trưởng này cho biết.

Thực tế, ở nhiều trường phổ thông đang tồn tại tình trạng bên cạnh những giáo viên hăng hái đổi mới, vẫn còn một số giáo viên bảo thủ, chưa chịu học hỏi, không đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới... Nhưng vì họ không có sai phạm lớn nên không thể cho nghỉ việc hay điều chuyển công tác khác. 

Một hiệu trưởng trường THCS ở quận 1, TP.HCM cho biết khi ban giám hiệu yêu cầu phải đổi mới, giáo viên đâm ra ghét hiệu trưởng. 

"Thay vì học hỏi, sáng tạo để tiết dạy hấp dẫn hơn, họ dành thời gian để "canh" hiệu trưởng có gì sơ suất, sai phạm là đi thưa kiện. Nhưng hiệu trưởng không làm gì được họ vì vướng luật", vị này nói. Thực trạng này cũng diễn ra ở nhiều cơ quan nhà nước.

Trong thực tế, nhiều người đã vin vào Luật viên chức hiện hành với cơ chế "có vào nhưng không có ra", từ đó ỷ vào quy luật "viên chức suốt đời" là điều dễ hiểu. Điều này như một sợi dây xích trói chân trói tay hiệu trưởng trong quá trình đổi mới giáo dục. Nhất là những năm gần đây, các trường được giao quyền tự chủ tài chính, việc dùng người không giỏi là một lãng phí lớn. 

Thử tính toán, với số tiền được giao nhất định, nếu có đội ngũ giáo viên và nhân viên giỏi, hiệu trưởng chỉ cần 50 người nhưng nếu có những người làm việc không hiệu quả, trường đó phải cần 60 người.

Việc sửa Luật viên chức để tạo cơ chế cạnh tranh trong việc sử dụng người lao động đang là nhu cầu bức thiết không chỉ trong ngành GD-ĐT mà các ngành nghề khác. 

Sửa luật để người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có quyền chủ động trong vấn đề sắp xếp nhân sự và sử dụng người lao động. Trong đó, phải chấp nhận quy luật "có vào thì phải có ra": người không giỏi, làm việc không đạt yêu cầu sẽ phải ra đi và nhà quản lý sẽ được tuyển dụng người giỏi vào để thay thế. 

Điều này cũng sẽ thúc đẩy viên chức phải không ngừng học hỏi, không ngừng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Sẽ chấm dứt "viên chức suốt đời"?

TTO - Chính phủ vừa trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, trong đó điểm mới hướng đến là sẽ khắc phục tình trạng "viên chức suốt đời".

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp