22/12/2011 07:30 GMT+7

Khó bắt người bán bồi thường

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Đối mặt với hàng loạt rủi ro như mua phải hàng hóa kém chất lượng, bị cây xăng đong thiếu, bị quảng cáo “lừa”... nhưng người tiêu dùng rất khó khiếu nại đòi bồi thường dù đã có Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

YfsPitZ1.jpgPhóng to

Sau khi nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ người tiêu dùng hiệu lực ngày 15-12, liệu quyền và lợi ích của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn? Trong ảnh: người dân đi mua sắm ở một siêu thị tại Hà Nội -Ảnh: Nguyễn Khánh

lwR5XEBR.jpgPhóng to
Chọn mua hàng tại một siêu thị ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Tại buổi hội thảo triển khai thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nghị định hướng dẫn thi hành luật do Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công thương Lâm Đồng và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng ngày 21-12, nhiều ý kiến cho rằng cần có tổ chức quy mô hơn đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Huề cả làng

Buổi hội thảo nóng lên sau khi ông Đỗ Văn Thiết, phó Phòng kinh tế huyện Lâm Hà, dẫn ra ví dụ cụ thể: người nông dân nghèo ra chợ mua cá khô về ăn, ăn đến ngày thứ ba bị đau bụng phải đi bác sĩ. Người này khiếu nại lên xã, xã chỉ lên huyện. Huyện đổ lỗi cho người tiêu dùng mua hàng hóa không có nhãn mác, trong khi người bán cá từ chối trách nhiệm vì “hàng chục người ăn, chỉ mình ông đau bụng chứng tỏ đau bụng không phải do ăn cá của tôi”.

“Vậy trong chuyện này trách nhiệm thuộc về ai, người tiêu dùng làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?” - ông Thiết đặt câu hỏi.

Dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu

Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành quyết định công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Hiện nay danh mục mới nhất hiện có các mục: hợp đồng mẫu cung cấp điện, nước sạch sinh hoạt, truyền hình, thuê bao điện thoại cố định, Internet, vận chuyển hành khách hàng không, đường sắt, mua bán chung cư.

Quy định này nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu, liên quan đến số đông người tiêu dùng.

Trước đây để thuận tiện, các doanh nghiệp thường đưa ra hợp đồng mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung, người tiêu dùng hầu như không được quyền đàm phán, trao đổi hay thỏa thuận và mặc nhiên phải chấp nhận dù các điều kiện này có thể gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Bà Vũ Thị Bạch Nga, trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh, thừa nhận vấn đề ông Thiết đặt ra sát sườn cuộc sống nhưng lại quá khó với tất cả người soạn thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Bà cũng thừa nhận thực tế người tiêu dùng bị thiệt hại trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nỗi bức xúc của người dân và của các cơ quan quản lý, nhưng để giải quyết câu chuyện này không đơn giản.

Theo ông Thiết, quy định tại Luật bảo vệ người tiêu dùng và nghị định còn quá xa thực tế đời sống. Ra chợ mua con cá, mớ rau làm gì có nhãn mác, hóa đơn. Vì vậy khi xảy ra ngộ độc, người tiêu dùng không có bằng chứng để khiếu nại nơi bán nếu người bán cố tình không thừa nhận. Trong trường hợp bên bán thừa nhận thì người tiêu dùng cũng chưa chắc được bồi thường vì phải chứng minh việc ngộ độc là do đã sử dụng hàng hóa đó. “Như vậy cuối cùng cũng huề cả làng” - ông Thiết nói.

Cơ quan chức năng sẽ viện lý do mua hàng hóa không có nhãn mác để đổ lỗi do người tiêu dùng, trong khi làm sao quy định bắt được tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường phải có nhãn mác để có thể truy cứu trách nhiệm khi xảy ra sự cố? Còn người tiêu dùng mất công khiếu nại chẳng thu được kết quả gì.

Ông kiến nghị cơ quan quản lý xem xét hướng dẫn sao cho cơ quan thừa hành cấp xã, huyện có thể áp dụng trong thực tế. Chứ hiện nay những vấn đề sát sườn cuộc sống lại chẳng được quy định trong luật.

Đánh đố người tiêu dùng

Ông Nguyễn Trung Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, trưởng văn phòng đại diện tại TP.HCM, cho rằng dù được coi là thượng đế nhưng người tiêu dùng luôn ở thế yếu hơn vì không thể hiểu về hàng hóa bằng bên sản xuất. Nhiều tổ chức vì lợi ích kinh tế sẵn sàng xâm hại quyền lợi người tiêu dùng.

Sau khi nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực ngày 15-12, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều phương thức bán hàng mới ra đời như bán hàng qua truyền hình, bán hàng qua mạng...

Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, hiện nay hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng xảy ra liên tục, từ thô sơ đến tinh vi phức tạp. Từ vụ đong thiếu xăng đến quảng cáo sai sự thật, mập mờ, người bán cố tình che giấu các thông tin bất lợi về sản phẩm.

Hiện nay trên thị trường nhan nhản các chiêu khuyến mãi đánh vào quyết định của người tiêu dùng như bán dưới giá vốn, giảm giá đến 49% nhân kỷ niệm 10 năm thành lập... nhưng khi Cục Quản lý cạnh tranh xác minh thì phát hiện công ty tháng nào cũng quảng cáo chứ không phải 10 năm một lần.

Việc bán dưới giá vốn thực chất không phải công ty bán lỗ mà đó chỉ là giá do các tập đoàn tài trợ, tính ra không thấp hơn bao nhiêu so với giá bán trước đó. Trong bối cảnh nhan nhản quảng cáo “lừa” như hiện nay, dù có am hiểu thì người tiêu dùng cũng không thể nào bảo vệ 100% quyền lợi hợp pháp của mình.

Ngoài ra, cũng có thực tế những vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng thường không lớn, trong khi quá trình giải quyết phức tạp, kéo dài, kết quả không đi đến đâu nên tâm lý chung của người tiêu dùng là ngại khiếu kiện. Do vậy vai trò của cơ quan chức năng rất quan trọng. Trước đây ở VN mới dừng lại ở Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng hiện nay phải là tổ chức xã hội có nhiều mô hình khác nhau và có nhiều tổ chức khác nhau cùng tham gia. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần ý thức hơn quyền lợi của mình.

Theo bà Nga, nếu không có thời gian đeo đuổi khiếu nại, người tiêu dùng có thể nhờ đến cơ quan chức năng như ban bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh. Có thể việc khiếu nại này chưa có kết quả ngay nhưng thông qua thông tin từ người tiêu dùng, cơ quan này sẽ ghi nhận lại, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như liên tục xảy ra với một nhãn hàng hoặc một sản phẩm nào đó, cơ quan sẽ vào cuộc ngay.

Cây xăng “móc túi” người tiêu dùng

Tôi thường đổ xăng ở cây xăng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Đà Nẵng. Nhiều lần thấy số lượng xăng có vẻ ít hơn số tiền mình mua nên tôi rất bực mình.

Trưa 14-12, tôi đến đổ xăng như thường lệ, cũng rất vội vàng vì sợ đến trường muộn nhưng tôi quyết tâm để ý xem nguyên nhân vì đâu mà xăng ít hơn số tiền mình bỏ ra mua. Bài toán được giải thật là bất ngờ.

Tôi nhìn lên cột báo giá của chiếc xe đổ xăng trước là 15.000 đồng. Tôi mua 50.000 đồng, anh nhân viên trạm xăng sau khi bơm xăng vào xe tôi và nói rằng: “Xăng đủ rồi, cô cho xin tiền”, tôi hỏi bao nhiêu thì anh ta nói: “Năm chục ngàn” và tôi nhìn lên bảng báo giá thấy đúng là số 50.000 đồng.

Tôi nói: “Tôi thấy trước khi đổ xăng vào xe thì bảng báo giá chỉ 15.000 đồng, bây giờ anh đổ cho tôi tính ra mới 35.000 đồng thôi, sao tính tiền tôi tới 50.000 đồng?”. Anh ta vội vàng: “Xin lỗi cô, tại vội quá nên quên”, rồi đổ thêm xăng vào xe tôi 15.000 đồng nữa.

VVcT9Crs.jpgPhóng to
Từ phản ảnh của bạn đọc, ngày 20-12 chúng tôi đã quan sát thực tế khoảng một giờ tại cây xăng này và nhận thấy trong một lượt bán xăng cho bốn người, nhân viên cửa hàng xăng không trả về số 0 cho mỗi lần bơm mới - Ảnh: Nhân Tâm
ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp