29/12/2024 06:53 GMT+7

Khi y đức được tính bằng 'hoa hồng': đứng trước tòa vẫn ngụy biện

Bị cáo Phương và Thùy luôn bao biện cho hành vi sai trái của mình rằng muốn tiết kiệm chi phí cho bệnh viện và đỡ mất công xét nghiệm nhiều mẫu bệnh phẩm.

Khi y đức được tính bằng 'hoa hồng' - Ảnh 1.

Bị cáo Thùy và Phương (ngồi sau) tại phiên tòa - Ảnh: LAN NGỌC

Nhưng khi khai khống số lượng kit và hóa chất xét nghiệm nhập vào Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cả hai bị cáo được chia 400 triệu đồng/người và các bị cáo nói đây là tiền "hoa hồng".

Gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm

Mới đây, TAND TP Cần Thơ xét xử và tuyên phạt Phạm Ngọc Thùy (37 tuổi, ngụ Cần Thơ) và Đỗ Thị Yến Phương (34 tuổi, ngụ Cần Thơ) cùng mức án 8 năm tù, Trần Tiến Lực (37 tuổi, ngụ Sóc Trăng) mức án 5 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.

Theo cáo trạng, năm 2013 Thùy được tuyển dụng chính thức vào Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, sau đó Phương cũng được tuyển dụng vào bệnh viện.

Cả hai giữ chức tổ phó được phân công làm việc tại khoa xét nghiệm, có nhiệm vụ xét nghiệm hóa sinh, vi sinh, miễn dịch, PCR, lưu kết quả xét nghiệm, dự trù, báo cáo hóa chất PCR hằng tháng để bệnh viện mua sắm, giao, nhận, bảo quản kit và hóa chất liên quan đến việc xét nghiệm.

Từ năm 2017 đến 2021, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ là đơn vị sử dụng kit và hóa chất xét nghiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) theo các gói thầu mua sắm tập trung do Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức đấu thầu rộng rãi mà Công ty Việt Á trúng thầu, bao gồm các loại kit viêm gan B, C, lao và Genotype C.

Lực là nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á phụ trách Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Trong thời gian phối hợp thực hiện hợp đồng mua bán kit và hóa chất, vào cuối năm 2017 Lực thông tin với Phương và Thùy nếu khi xét nghiệm có tiết kiệm được kit và hóa chất thì báo công ty sẽ hỗ trợ mua lại.

Từ gợi ý của Lực, Phương và Thùy bàn bạc cùng nhau sẽ gom lô xét nghiệm lại để lấy kit và hóa chất sử dụng làm chứng âm, chứng dương trong các lần xét nghiệm.

Từ đó các bị cáo đã gom bệnh phẩm xét nghiệm chung một lần nhưng báo cáo xét nghiệm nhiều lần, khi đó kit và hóa chất sử dụng sẽ dư ra, Phương và Thùy lấy để riêng vào một tủ lạnh khác nhằm tránh bị phát hiện.

Sau đó cả ba bàn bạc thống nhất cách thực hiện, khi kiểm tra kho và dự trù mua sắm theo yêu cầu của khoa dược, Phương và Thùy kiểm tra lại số kit và hóa chất đã cất giấu cộng thêm vào báo cáo dự trù cùng với số kit và hóa chất thực mua rồi đưa vào đơn hàng mua sắm, đồng thời báo cho Lực số lượng khống để Lực ghi chú lại số hàng khống không cần giao hàng thật.

Từ tháng 1-2018 đến tháng 7-2021, Thùy và Phương dùng thủ đoạn tinh vi đó để bệnh viện lên đơn hàng và thực hiện thanh toán đầy đủ các đơn hàng mua với số tiền hơn 1,9 tỉ đồng. Phương và Thùy mỗi người hưởng 400 triệu đồng.

Lời ngụy biện đánh mất y đức

Bị cáo Phương đứng trước bục khai báo với vẻ mặt bình tĩnh và luôn miệng cho rằng việc "cất riêng" kit và hóa chất chỉ muốn tiết kiệm cho bệnh viện và đỡ mất công sức cho nhân viên xét nghiệm.

"Một lần xét nghiệm như vậy rất mất công, nhân viên phải xét nghiệm nhiều chỉ số cho mẫu bệnh phẩm. Hơn nữa một lần xét nghiệm nếu chỉ từ 10-20 mẫu thì vận hành quy trình xét nghiệm có ưu điểm là tiết kiệm được hóa chất, mẫu ít sẽ chạy kết quả nhanh, tiết kiệm công sức", bị cáo Phương trả lời hội đồng xét xử trong phần xét hỏi.

Nghe vậy, vị chủ tọa hỏi gắt: "Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có chính sách nào cho việc tiết kiệm trang thiết bị y tế như lời bị cáo khai không? Nếu bị cáo có sáng kiến hay thì bệnh viện sẽ có chế độ khen thưởng, còn đằng này bệnh viện không hề giao khoán mà hóa chất nhập vào trong đó có hàng giả bên trong chứa nước lọc không sử dụng được nhằm qua mặt khâu nhập hàng".

Bị cáo và bị cáo Thùy còn thống nhất lập báo cáo khống số lượng kit và hóa chất.

Vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa phân tích rạch ròi hành vi bị cáo, Phương và Thùy khăng khăng vì bệnh viện, vậy số kit và hóa chất dư tại sao không công khai, số dư đó các bị cáo có báo cáo cho Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nắm không rồi còn nhận 800 triệu đồng từ bị cáo Lực?

Đến đây, hai bị cáo còn cho rằng đó là tiền "hoa hồng" trong mua bán.

Hội đồng xét xử nhận định các bị cáo vì lợi ích cá nhân mà bất chấp hậu quả thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trong thời gian dài, cả ba có bàn bạc thống nhất cách thức thực hiện hành vi nhằm đối phó với việc kiểm tra.

Riêng Phương và Thùy chỉ thừa nhận nhận 800 triệu đồng từ Lực. Với số tiền này, cả hai bị cáo chiếm hữu và sử dụng hưởng lợi như nhau là căn cứ để xem xét tội danh, còn Lực với vai trò giúp sức không hưởng lợi từ số tiền trên.

Trong vụ án này, Viện KSND TP Cần Thơ truy tố các bị cáo theo điểm a, khoản 4, điều 353 Bộ luật Hình sự với số tiền bị quy kết hơn 1,9 tỉ đồng.

Tuy nhiên quá trình điều tra và xét xử, hai bị cáo Phương, Thùy chỉ thừa nhận đã chiếm đoạt 800 triệu đồng khi lượng hình đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên tòa đã áp dụng điểm a, khoản 3, điều 353 Bộ luật Hình sự để xét xử các bị cáo và đã tuyên mức án trên.

Khi y đức được tính bằng 'hoa hồng' - Ảnh 2.Bộ Y tế đề nghị chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế

Ngày 29-8, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi các cơ sở y tế trên toàn quốc đề nghị rà soát, chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế, sau khi truyền thông phản ánh vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện K,...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp