Tượng đài An Dương Vương tại vòng xoay ngã sáu Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) chưa biết dời về đâu khi xây cầu vượt tại đây - Ảnh: Quang Định |
Việc này khiến nhiều người luyến tiếc vì số tượng đài ở trung tâm TP không nhiều, nay phải dời đi mà không biết “có về không”...
Chưa biết “đi đâu”
Hai dự án xây dựng cầu vượt bằng thép nói trên là: dự án tại nút giao thông ngã bảy Điện Biên Phủ (giao lộ Lý Thái Tổ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Q.3 - Q.10, triển khai trong giai đoạn 2018-2020) và dự án tại ngã sáu Nguyễn Tri Phương (giao lộ Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương, Q.10 - Q.5, triển khai trong giai đoạn 2018-2020).
Việc xây dựng cầu vượt tại ngã bảy Điện Biên Phủ sẽ ảnh hưởng đến cụm tượng đài biểu tượng Công nhân. Còn dự án xây dựng cầu vượt ở ngã sáu Nguyễn Tri Phương sẽ ảnh hưởng đến tượng đài An Dương Vương.
Đã có giải pháp nào cho tượng đài ở các công trình xây dựng cầu vượt nói trên? Về câu hỏi này, lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải TP) nói đơn vị tư vấn thiết kế vừa trúng thầu lập dự án xây dựng hai cầu vượt cho biết: chỉ khi cơ quan chức năng xem xét để hoàn chỉnh dự án đầu tư thì lúc đó mới xác định việc di dời các tượng đài ra sao. Và như vậy, khi nào dời, dời đi đâu phải đến tháng 10-2017 mới biết được.
Khi được biết sẽ di dời tượng đài An Dương Vương để xây cầu vượt, nhiều người dân bày tỏ sự tiếc nuối.
Chị Trương Thị Diệu Thu, chủ một quán ăn gần tượng đài này, chia sẻ: “Từ khi tôi còn nhỏ đã thấy tượng đài này sừng sững ngự giữa dòng người. Lên 8 tuổi, tôi đã biết tự hào khoe với bạn bè rằng nhà mình ở ngay sát chân tượng An Dương Vương trong truyện Nỏ thần. Tôi vẫn mong sau khi xây dựng xong cầu vượt, TP có thể dựng lại bức tượng tại chính nơi này”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chín - một người dân sinh sống ở đường Lê Hồng Phong, gần ngã bảy Điện Biên Phủ hơn 50 năm qua - cho biết tượng đài Công nhân là một biểu tượng quen thuộc khi ông nhắc đến nơi mình sống.
“Ngày nào đi ngang qua đây, chúng tôi cũng ngắm nhìn pho tượng thân quen này. Một ngày nào đó, bức tượng bị dời đi, mỗi người dân qua đây chắc sẽ nhớ lắm” - ông nói.
Dân muốn đưa tượng đài về lại nơi cũ
Trước đây vào năm 2013, để thi công cầu vượt tại vòng xoay Cây Gõ (giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Thị Nhỏ, Q.6), UBND TP đã cho dời tượng đài vua Lê Lợi tại vòng xoay Cây Gõ về công viên Phú Lâm (Q.6).
Nơi đặt tượng đài được thiết kế trang trọng, gần hồ nước nhân tạo, xung quanh có biểu tượng cá hóa rồng phun nước và nhiều cây xanh, rộng rãi để thuận tiện cho nhân dân đến viếng và thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ công đức của vua Lê Lợi.
Tương tự, năm 2014, để làm dự án xây dựng nhà ga metro Bến Thành thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), UBND TP chấp thuận cho di dời tạm cụm tượng đài ở quảng trường Quách Thị Trang.
Theo đó, di dời tượng đài liệt sĩ Quách Thị Trang về công viên Bách Tùng Diệp (Q.1) và di dời tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn về công viên Phú Lâm (Q.6).
Liệu có đưa các tượng đài này trở lại nơi cũ sau khi công trình xây dựng xong? Ông Dương Hữu Hòa, giám đốc ban quản lý dự án 1 (thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP, chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1), cho biết đến nay cấp thẩm quyền vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc này.
Trường hợp cấp thẩm quyền có yêu cầu phục hồi theo nguyên trạng thì Ban quản lý đường sắt đô thị TP sẽ phối hợp với UBND Q.1, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 có báo cáo với Sở Giao thông vận tải TP về việc đặt lại tượng đài ở vị trí cũ.
“Nếu thực hiện theo quy hoạch mới khu đất 930ha ở khu vực trung tâm TP thì sẽ không đưa cụm tượng đài ở quảng trường Quách Thị Trang trở lại nơi cũ.
Tuy nhiên, việc có trả lại cụm tượng đài này theo nguyên trạng tại quảng trường Quách Thị Trang hay không thì đến nay chưa có quyết định cuối cùng” - ông Hòa nói thêm.
6 tượng đài tạo cảnh quan đô thị của Sài Gòn xưa Ngoài 2 tượng đài dự kiến di dời để xây cầu vượt nói trên, hiện TP còn 4 tượng đài đặt giữa các giao lộ, gồm: * Tượng đài anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương - Trần Hưng Đạo ở vòng xoay đường Tôn Đức Thắng - Hai Bà Trưng (Q.1), hướng ra sông Sài Gòn. * Tượng đài Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương tại vòng xoay Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Trãi - Lê Thị Riêng - Lý Tự Trọng - Phạm Hồng Thái (Q.1). * Tượng đài anh hùng dân tộc Phan Đình Phùng tại giao lộ Châu Văn Liêm - Hải Thượng Lãn Ông (Q.5). * Tượng đài vua Quang Trung tại vòng xoay phía trước chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận