Phóng to |
Larry King (trái) và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNN - Ảnh: Reuters |
“Tối nay trên chương trình truyền hình trực tiếp của Larry King...”. Từ năm 1985 đến nay, khán giả kênh truyền hình Mỹ CNN đã quá quen thuộc với giọng nói trầm đục và gương mặt đầy nếp nhăn của người đàn ông gầy gò, tóc bạc trắng, đeo cặp kính to đùng mỗi tối. Sau câu nói quen thuộc đó là những cuộc phỏng vấn đầy thú vị với các nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ và thế giới.
Nhưng ở tuổi 77, Larry King nghĩ rằng thế là đủ. Tối 17-12 (giờ Mỹ, sáng 18-12 giờ VN), Larry King thực hiện chương trình Larry King Live (truyền hình trực tiếp của Larry King) cuối cùng trước khi nghỉ hưu. “Trong đời tôi, hiếm có khi nào tôi không biết phải nói gì như lúc này - Larry King nghẹn ngào trong giây phút giã biệt - Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chương trình của mình kéo dài đến thế, nhưng cũng không hề nghĩ rằng có lúc nó dừng lại. Thật đáng buồn, nhưng đã đến lúc nói lời từ biệt”.
Người khổng lồ của truyền hình
“Larry King là một nhân vật độc nhất vô nhị” - tỉ phú Mỹ Henry Ross Perot từng mô tả người dẫn chương trình của kênh CNN như vậy. Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá ông là “một trong những người khổng lồ của ngành truyền hình”.
Larry King tên thật là Lawrence Harvey Zeiger, sinh năm 1933 ở New York trong một gia đình Do Thái trung lưu. Khi cha ông mất ở tuổi 44 và sau khi tốt nghiệp trung học, ông bắt đầu kiếm việc làm để đỡ đần người mẹ gốc Belarus. Ở tuổi ngoài 20, ông khăn gói đến Miami để thực hiện giấc mơ trở thành người dẫn chương trình. Một đài phát thanh nhỏ tên WAHR ở Miami đã tuyển ông vào làm lao công và các loại việc vặt khác.
Khi một người dẫn chương trình của đài nghỉ việc, Larry King được chọn thay và chương trình phát thanh đầu tiên của ông được thực hiện vào ngày 1-5-1957. Đó là thời điểm ông lựa chọn cái tên Larry King, bởi người quản lý WAHR cho rằng họ Zeiger rất khó nhớ.
Ông chọn cái tên này từ mẫu quảng cáo “Đại lý bán buôn rượu của King” trên báo Miami Herald chỉ vài phút trước khi lên sóng. Nổi danh ở Miami, Larry King có cơ hội được phỏng vấn nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có cả cố danh ca Frank Sinatra.
Năm 1978, ông chuyển sang dẫn chương trình phát thanh tầm quốc gia cho Hãng Mutual Broadcasting System và đến tháng 6-1985 thì bắt đầu dẫn chương trình Larry King Live trên kênh CNN vào 21g mỗi ngày. Ông phỏng vấn rất nhiều nhân vật, từ những nhà nghiên cứu vật thể bay không xác định, người tự nhận là ông đồng bà cốt, cho đến các chính trị gia nổi tiếng và các nhân vật hàng đầu trong ngành giải trí Mỹ.
Ông đã phỏng vấn tất cả các tổng thống Mỹ kể từ thời Richard M. Nixon. CNN ước tính trong sự nghiệp của mình, Larry King đã thực hiện gần 50.000 cuộc phỏng vấn và hơn 6.000 chương trình cho CNN. Ngoài ra, ông còn thường xuyên viết bài cho báo USA Today từ năm 1982-2001.
Ông đã giành được rất nhiều giải thưởng phát thanh và truyền hình, trong đó có một giải Emmy, một giải George Foster Peabody, mười giải CableACE. Năm 1989, Larry King được vinh danh trong Nhà lưu danh phát thanh Mỹ và đến năm 1996 được đưa vào Nhà lưu danh truyền hình Mỹ. Năm 2002, tạp chí truyền thanh Talkers bình chọn ông là người dẫn chương trình truyền thanh vĩ đại thứ tư trong lịch sử truyền thanh Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá Larry King có phong cách phỏng vấn trực tiếp, thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng, không mang tính đối đầu. Do đó, chương trình của ông thu hút rất nhiều nhân vật nổi tiếng, tạo nên danh tiếng cho kênh CNN trong những năm đầu mới thành lập. Cuộc trao đổi trên truyền hình giữa phó tổng thống Mỹ Al Gore và doanh nhân Ross Perot do Larry King chủ trì năm 1993 đã thu hút 20 triệu khán giả, một kỷ lục của CNN.
Chỉ có một “vua”
Doanh nhân Perot nói rằng trong khi những người dẫn chương trình khác thường ngắt lời người trả lời phỏng vấn nếu họ không nói những gì đài truyền hình muốn thì Larry King để mọi người nói hết những gì họ muốn. Bản thân Larry King cũng cho rằng hiện nay, cái tôi của những người dẫn chương trình quá lớn. “Tất cả họ đều đang tự phỏng vấn và tự trả lời phỏng vấn của chính mình - ông mô tả - Các vị khách mời chỉ còn đóng vai trò phụ. Ngược lại, đối với tôi, khách mời là quan trọng nhất”.
Tỉ phú truyền thông Donald Trump nhận xét: “Larry luôn có khả năng moi thông tin từ bạn giỏi hơn tất cả những người khác. Và bạn không hề nhận ra rằng bạn đang cung cấp thông tin cho ông ấy”.
Nhiều người dẫn chương trình nổi tiếng ở Mỹ như Barbara Walters, Diane Sawyer hay Katie Couric đều tự nhận họ học hỏi rất nhiều từ Larry King. Nhưng có lẽ không ai nói về Larry King một cách chính xác hơn Thủ tướng Nga Vladimir Putin: “Có rất nhiều người tài năng và thú vị, nhưng vua thì chỉ có một” (trong tiếng Anh, từ king nghĩa là vua).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận