14/09/2024 09:56 GMT+7

Khi VIP bị ám sát - Kỳ 5: Kẻ hoang tưởng nổi hứng bắn tổng thống Pháp

Một buổi tối nọ, gã thanh niên theo xu hướng cực hữu Maxime Brunerie (25 tuổi) nằm trong phòng suy nghĩ vẩn vơ. Hắn muốn chết theo kiểu "phong độ" để thoát ly cuộc sống khốn khổ bằng cách ám sát tổng thống.

Khi VIP bị ám sát - Kỳ 5: Kẻ hoang tưởng nổi hứng bắn tổng thống Pháp - Ảnh 1.

Tổng thống Jacques Chirac trong buổi duyệt binh 14-7-2002. Hai hiến binh GSPR ngồi sau xe - Ảnh: SIPA

Ánh mắt hắn tình cờ nhìn thấy tờ lịch ngày Quốc khánh Pháp 14-7-2002 màu đỏ trên tường nên quyết định sẽ thực hiện cơn điên ám sát vào hôm đó dù chẳng có ác cảm đặc biệt nào với tổng thống.

Điểm độc đáo của GSPR là chúng tôi không muốn nhốt tổng thống vào lồng. Chúng tôi phải thích ứng với các yêu cầu và nhu cầu của tổng thống.
ALAIN LE CARO

Đơn vị GSPR bảo vệ tổng thống

Quá trình chuẩn bị ám sát kéo dài chỉ khoảng một tuần. Brunerie mua một khẩu súng trường 22 LR, vào rừng bắn vài ba phát thử súng rồi tuyên bố vung vít với bạn bè: "Tao sẽ giết tổng thống", "Đừng quên xem truyền hình ngày 14-7 nhé!".

Ai cũng tưởng hắn ba xạo. Hơn 6h sáng 14-7-2002, Brunerie tắm rửa, cạo râu rồi rời khỏi nhà, cầm theo khẩu súng giấu trong hộp đàn guitar của cha. Đến đại lộ Champs-Elysées ở Paris, hắn đứng tại nơi có nhiều người chờ xem diễu hành ngày Quốc khánh.

Trước 10h, khi xe chở Tổng thống Jacques Chirac chuẩn bị chạy qua, hắn lấy súng ra nhắm vào đầu tổng thống rồi bóp cò từ khoảng cách 20m. Một tiếng click nhẹ vang lên. Hắn đã bắn trượt. Tổng thống Chirac vẫn điềm tĩnh chào công chúng.

Ông nghe như có tiếng pháo nổ nên không để ý. Hắn lên đạn và quay súng về phía mình định tự sát nhưng quên rằng ở tư thế đó không thể bóp cò vì cò quá thấp. Ngay lập tức hắn bị người dân và cảnh sát khống chế tại chỗ.

Ngay sau vụ mưu sát, bộ trưởng Bộ Nội vụ đã yêu cầu cảnh sát trưởng Paris và Tổng cục Cảnh sát quốc gia trình báo cáo nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho nhóm An ninh tổng thống nước cộng hòa (GSPR), đơn vị đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho tổng thống.

Trước đây trách nhiệm bảo vệ tổng thống được giao hoàn toàn cho lực lượng cảnh sát. Ngày 5-1-1983, Tổng thống François Mitterrand quyết định thành lập đơn vị GSPR bao gồm cảnh sát lẫn hiến binh. Đại tá Alain Le Caro là chỉ huy đầu tiên của GSPR (năm 1983-1989).

Ban đầu quân số GSPR chủ yếu là hiến binh. Khi nhậm chức tổng thống vào năm 1995, Tổng thống Jacques Chirac đã chỉ định thành phần GSPR gồm 50% hiến binh và 50% cảnh sát. Nhiệm vụ chỉ huy GSPR được thay đổi luân phiên giữa một sĩ quan cảnh sát và một sĩ quan hiến binh.

Hiện nay, GSPR trực thuộc Vụ Bảo vệ (SDLP) của Tổng cục Cảnh sát quốc gia với quân số 78 người. Phần lớn hiến binh xuất thân từ đội đặc nhiệm Đơn vị can thiệp hiến binh quốc gia (GIGN) còn cảnh sát là người của Vụ Bảo vệ.

GSPR bảo vệ an ninh cho tổng thống trong công việc cũng như trong đời sống riêng tư ở Pháp và ở nước ngoài. Thông thường luôn có một tổ ba thành viên GSPR lập hàng rào bảo vệ bên cạnh tổng thống và gần đó có khoảng mười người sẵn sàng can thiệp.

Lúc tổng thống di chuyển, ngoài GSPR còn có lực lượng cảnh sát được triển khai ở phía đám đông. Các tay súng bắn tỉa được bố trí ở các điểm cao lúc cần thiết.

Khi VIP bị ám sát - Kỳ 5: Kẻ hoang tưởng nổi hứng bắn tổng thống Pháp - Ảnh 2.

Maxime Brunerie bị bắt giữa đại lộ Champs-Elysées - Ảnh: francetvinfo.fr

Khi tổng thống tin rằng "trời kêu ai nấy dạ"

Ông Frédéric Auréal - nguyên giám đốc Vụ Bảo vệ từ năm 2012-2020 - nhận xét tại Mỹ, tổng thống không được quyền can thiệp vào công tác bảo vệ an ninh nhưng ở Pháp thì ngược lại. Ông giải thích: "Tổng thống Pháp có thể trao đổi về các yêu cầu an ninh và ý kiến cuối cùng luôn thuộc về tổng thống".

Ông Gilles Furigo - nguyên giám đốc Vụ Bảo vệ yếu nhân (SPHP, tiền thân của Vụ Bảo vệ hiện nay) - đã từng phụ trách công tác bảo vệ ba đời tổng thống gồm François Mitterrand, Nicolas Sarkozy và Jacques Chirac.

Ông nhận xét Chirac là nguyên thủ quốc gia khó bảo vệ nhất. Trong hai nhiệm kỳ từ năm 1995-2007, ông Chirac luôn muốn gần gũi người dân. Ông thích hòa mình vào đám đông và thoải mái tiến tới bắt tay với dân. Lực lượng bảo vệ an ninh phải vò đầu bứt tai với phương án bảo vệ một nguyên thủ quốc gia thích gần dân như ông.

Ông Furigo nhận xét: "Jacques Chirac không thích an ninh, ông ấy là người theo chủ nghĩa định mệnh xuất phát từ nguyên lý nếu phải xảy ra chuyện gì thì chuyện đó đương nhiên sẽ xảy ra. Để công tác bảo vệ đạt hiệu quả, nguyên tắc chính là công tác bảo vệ ấy phải được tổng thống chấp thuận, vì vậy chúng tôi phải thích nghi và trở nên vô hình nhất có thể".

Cách hành xử và quan niệm về số mạng của ông Chirac đã truyền cảm hứng cho Tổng thống François Hollande vài năm sau đó. Ông Hollande thường xuyên phớt lờ các biện pháp an ninh, ví dụ sau vụ tấn công khủng bố tại tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris ngày 7-1- 2015, trong vòng một tiếng sau ông đã đến hiện trường mặc dù các quy tắc an ninh không cho phép.

Đôi khi tổng thống đột xuất nảy ra sáng kiến và đội GSPR phải ứng xử linh hoạt. Vào tháng 6-2011, trong khi Tổng thống Nicolas Sarkozy đang bắt tay người dân trong chuyến đi tới Brax (tỉnh Lot-et-Garonne), ông bị chen lấn giữa đám đông rồi bất ngờ bị một người đàn ông chìa tay ra chộp lấy vai ông làm ông mất thăng bằng.

Ngay lập tức người này đã bị lực lượng an ninh khống chế. Trong chuyến đi Tain-l'Hermitage (tỉnh Drôme) vào tháng 6-2021, Tổng thống Emmanuel Macron bước ra khỏi xe mà không được lực lượng an ninh chấp thuận. Sau đó, ông đã bị một người đàn ông tát trong lúc tiếp xúc với dân.

Nhận xét về công tác bảo vệ yếu nhân hiện nay, cựu đại tá Alain Le Caro giải thích: "Không ai nhìn thấy các cơ chế mà chúng tôi thiết lập. Nhiều người nhìn thấy tổng thống đi lại thoải mái trên đường phố Paris và nghĩ rằng không có an ninh. Đối với chúng tôi, đây là dấu hiệu tốt vì họ không thấy cơ chế bảo vệ an ninh nhưng chúng tôi vẫn có mặt ở đó".

Khi VIP bị ám sát - Kỳ 5: Kẻ hoang tưởng nổi hứng bắn tổng thống Pháp - Ảnh 3.

Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron trong vòng bảo vệ của đội GSPR lần ông đến Bretagne tháng 6-2018 - Ảnh: ouest-france.fr

Sau nhiều lần giám định tâm thần, cuối cùng các chuyên gia giám định tâm thần kết luận hung thủ Maxime Brunerie phải chịu trách nhiệm hình sự. Tháng 12-2004, Brunerie bị kết án 10 năm tù. Tại tòa, bị cáo giải thích: "Tôi muốn làm điều gì đó mang tính lịch sử". Sau bảy năm ngồi tù, Brunerie được trả tự do vào tháng 8-2009.

20 năm sau biến cố mưu sát Tổng thống Jacques Chirac, Brunerie giải thích về động cơ gây án với báo Paris Match: "Nhiều yếu tố hội tụ để tạo nên hỗn hợp bùng nổ như nỗi thất vọng hiện sinh, thái độ từ chối của xã hội biến thành cơn thịnh nộ và hận thù trên thế giới. Và còn có rất nhiều hoang tưởng...".

Trả lời câu hỏi: "Anh đã gặp lại Jacques Chirac chưa?", Brunerie cho biết: "Không. Tôi đã viết thư cho ông ấy vài ngày sau sự việc. Một bức thư rất ngắn kết thúc bằng câu: Tôi hy vọng ngày nào đó ông sẽ tha thứ cho tôi. Tôi biết ông ấy đã đọc thư nhưng tôi chưa bao giờ nhận được phản hồi". Đầu tháng 5-2011, cuốn sách Một cuộc sống bình thường: Tôi muốn giết Jacques Chirac dày 224 trang của Brunerie đã được xuất bản ở Pháp.

----------------------------

15 giây rưỡi sau phát súng đầu tiên của hung thủ ám sát ông Trump, một tay súng đội bắn tỉa phản công Sở Mật vụ đã bắn một phát duy nhất tiêu diệt hung thủ. Mỹ đã ban hành đạo luật riêng trừng phạt người thực hiện các hành vi sát hại, bắt cóc hoặc tấn công tổng thống.

Kỳ tới: Ám sát tổng thống Mỹ bị trừng phạt thế nào?

Khi VIP bị ám sát - Kỳ 5: Kẻ hoang tưởng nổi hứng bắn tổng thống Pháp - Ảnh 4.Khi VIP bị ám sát - Kỳ 4: CIA giải mật vụ ám sát Tổng thống Rafael Trujillo

Khoảng 10h đêm 30-5-1961, xe chở Tổng thống Rafael Leónidas Trujillo bị phục kích. Ông ta bị giết chết, kết thúc 31 năm cầm quyền với bàn tay sắt ở Cộng hòa Dominica.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp