Các bệnh nhi xúng xính quần áo mới ca hát ngày khai trường - Ảnh: NGỌC HIỂN
Vào trường mới, lớp mới, hàng triệu học sinh mang theo cặp xách, ba lô mới, sách tập bút thước mới, đồng phục giày dép mới, nhưng lại có cả những em học sinh đến trường với chiếc chân mới.
Ấy là những học sinh có tên trong chương trình Ước mơ của Thúy…
Lễ khai giảng muộn
Đã sang tuần thứ hai của tháng 9, lại là ngày nghỉ thứ bảy, nhưng cô giáo Đinh Thị Kim Phấn vẫn lượt là áo dài, chộn rộn chuẩn bị nào hoa, nào quà, nào giấy khen.
Sáng sớm, bong bóng được giăng khắp căn phòng nhỏ xíu nằm trong khoa Nội 3 bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Ở các phòng bệnh kề bên, lần lượt Nhi, Chi, Thảo, Khang… trở dậy thật sớm, xúng xính khoác vào bộ đồng phục đã cất giữ từ lâu.
Sáng nay, 9-9, lớp học đặc biệt mà chương trình Ước mơ của Thúy dành riêng cho các bệnh nhi bệnh viện Ung bướu khai giảng.
Bé Đinh Bảo Thuận đau chân, được mẹ bồng vào, và từ đó em ngồi trên chiếc ghế nhựa, lết quanh trò chuyện với các bạn, các anh chị tình nguyện viên, lết lên tham gia văn nghệ, lết lên nhận bằng khen, phần thưởng.
Hiền phải ngồi trên xe lăn vì khối u trên đầu gối. Hương, Tuyền vào lớp mang theo cây truyền dịch. Hàng chục em khác, mái đầu trọc hằn dài vết mổ ngang dọc…
Nhưng không sao, tất cả cùng vỗ tay, hát "Lớp chúng mình, rất rất vui, anh em ta chan hòa tình thân/ Lớp chúng mình, rất rất vui, như keo sơn anh em một nhà...".
Các giáo viên và tình nguyện viên hướng dẫn các bệnh nhi học bài ngay sau buổi khai giảng năm học mới - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chương trình văn nghệ miên man không dứt. Các "ca sĩ nhí" Anh Thư, Ngọc Chi thay nhau say sưa hát, múa. Những bài hát, điệu múa các em đã tập dượt sau giờ truyền hóa chất.
Rồi cũng phải nhường lại micro và không gian cho cô giáo. Cô Kim Phấn đếm: Năm qua, hơn 200 em đã đến lớp học, dù mỗi buổi lớp chỉ có chỗ cho 10-15 em.
Cô cười tươi: "Hơn một nửa trong số này đã được điều trị ổn định, và khi về nhà, đi học trở lại, các em vẫn theo kịp các bạn trong lớp". Con số thật đáng mừng và kết quả thật đáng khích lệ, những phụ huynh đang đứng chen chân ngoài hành lang, nghiêng tai nghe mà mắt long lanh nước.
Con của họ đa số nằm trong một nửa còn lại: vẫn đang tiếp tục phác đồ điều trị ung thư gay go, khốc liệt mà những giờ học nắn nót một bài chính tả, loay hoay một bài toán chínhh là niềm vui lớn nhất.
Hôm nay, 15 em học sinh tiêu biểu được mời lên khoác vào vai bộ đồ dành cho lễ tốt nghiệp, được phát giấy khen, quà thưởng. Vui lắm, vinh dự lắm, hồi hộp lắm, các em đã chờ đợi cả tuần qua.
Nhưng lại chỉ có 10 em hiện diện. Bốn em đang phải nằm trên giường bệnh, và một thì đã mất, đã trở về yên nghỉ tại quê nhà.
Sau buổi khai giảng, cô Kim Phấn lặng lẽ xếp giấy khen, phần thưởng của Lê Văn Bình vào túi, tìm thêm hai cuốn vở Toán, Tiếng Việt của em trên kệ rồi lên xe đi Đà Lạt. Phần thưởng này của Bình đành đặt lên chiếc bàn thờ mới lập.
Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn cầm những cuốn tập và bằng khen của học trò Lê Văn Bình đã qua đời, không thể dự buổi khai giảng như những bạn bè của mình - Ảnh: NGỌC HIỂN
Lặng lẽ ở một góc phòng, Huy Khang mỉm cười, thì thầm nói chuyện với các em nhỏ.
Khang 15 tuổi và mới đến với lớp học 3 tháng, là học sinh lớn nhất và mới nhất của lớp. Được cô Phấn, cô Xoàn gọi là "nhà văn", Khang mỉm cười lật giở trang vở của em:
"2016, em bị bệnh u phổi ác tính. Vào điều trị, em rất sợ hãi và đau đớn tột cùng, buồn và nhớ nhà, nhớ gia đình. Nhưng thời gian trôi qua nhanh. Hôm nay, tâm trạng cũng như sức khỏe của em đã ổn định, em chờ ngày khỏe lại và trở về đi học.
"Sau buổi học đầu tiên ở lớp học này, em cứ nao nức chờ đến buổi học tiếp theo, thật vui và phấn khích khi được vào lớp, được cô dạy, được làm quen bạn bè mới. Tình yêu thương của các cô giáo và anh chị tình nguyện viên dành cho các bạn bệnh nhi, dành cho em thật là dễ cảm nhận"…
Em sắp được vào thuốc đợt cuối, hi vọng sẽ được trở về miệt thứ quê em (huyện An Biên, Kiên Giang) để học trong học kỳ 2. Mấy người bạn đồng tuổi với em ở phòng bệnh này đều đã "đi" hết rồi, nhưng em vẫn hi vọng.
HUY KHANG
Buổi học đầu tiên bắt đầu. Những buổi học, những buổi diễn văn nghệ, những tập vở bút sách ở lớp học này đâu có ý nghĩa nào khác ngoài hy vọng.
Chân mới đến trường
Cụ thể hơn một hi vọng, những ngày này, Đỗ Anh Tú (lớp 7 Trường THCS Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) rất vui và tự tin mỗi khi bước đến trường cùng món quà từ chương trình Ước mơ của Thúy: chiếc chân giả thay thế cho chân thật của em đã phải đoạn chi năm 2014 vì bệnh ung thư xương.
"Em bỏ nạng, đi bộ hơn 700m đến trường. Em đi mất hơn 30 phút, hơi chậm nhưng kịp giờ học. Các bạn ngạc nhiên lắm. Sắp tới, em sẽ còn ra sân chơi vào giờ ra chơi cho mà xem…" - Tú hào hứng kể.
Những ngày chuẩn bị đo để làm chân, lắp chân, tập chân với Tú thật là những ngày rộn ràng.
Đêm trước ngày đi đo chân, em viết: "Nghe tin được làm chân giả chỉ biết lặng đi vì xúc động. Hai đêm nay cả mình và mẹ đều không ngủ được, thấp thỏm mong đêm rồi mong ngày. Đêm nay hãy trôi qua thật nhanh để mai mình lên đường tìm lại những bước đi. Đã ba năm rồi mình phải dựa vào bố mẹ…".
Quyết tâm đã cho Tú sức mạnh, cuốn theo cả các bác sĩ, kỹ thuật viên. Chỉ hai ngày, chân giả của em đã làm xong. Chỉ một tuần tập luyện, Tú đã buông được thanh xà và bước đi. "Còn đau nhưng em sẽ cố gắng".
Em bỏ nạng, đi bộ hơn 700m đến trường. Em đi mất hơn 30 phút, hơi chậm nhưng kịp giờ học. Các bạn ngạc nhiên lắm. Sắp tới, em sẽ còn ra sân chơi vào giờ ra chơi cho mà xem.
ĐỖ ANH TÚ
Em Đỗ Anh Tú bước trên chân giả là quà tặng từ chương trình "Ước mở của Thúy" đến trường chào năm học mới - Ảnh: KHÁNH LỘC
"Em đã đi được rồi, gần hết đau rồi". "Đi chậm chút thôi, sắp đi nhanh hơn được rồi ạ"… Những tin nhắn của Tú đến chương trình Ước mơ của Thúy mang niềm vui thật lớn lao. Không phải áo mới, cặp mới, năm học này, Tú có hẳn chiếc chân mới đến trường. Còn niềm vui nào vui hơn…
Cùng với Tú, năm nay Phạm Quang Trung (Điện Biên), Trần Kiên Cường (Sơn La), Trần Hải Đăng (Hà Nam ), Bùi Nguyên Hưng (Hà Nội), Neáng Pin (An Giang) cũng có chân mới từ chương trình hỗ trợ chân giả của Ước mơ của Thúy.
Ngày đo chân, Neáng Pin khóc mướt nước mắt vì sợ, nhưng tuần sau đến, thấy chiếc chân mới, cô bé đã cười toe. Buổi đầu tiên lắp chân vào tập đứng cũng là lần đầu Pin được thay đôi dép xẹp xỏ ngón bằng một đôi giày.
Đút bàn chân vào một chiếc giày, chiếc giày kia cho chân giả, đôi giày đầu tiên lại chỉ được đi một chiếc, nhưng nhìn thấy đôi giày đẹp nghiêm ngắn dưới chân, Pin vẫn cười sung sướng, e thẹn.
Tập hai tuần, Pin đã đi được. Theo cha lên xe về tận Tri Tôn, An Giang, Pin thầm thì với chị tình nguyện viên: "Về nhà em sẽ cố tập thêm để đi xe đạp".
Chúng tôi thật sự không biết rằng chiếc chân giả có cùng Pin leo được lên xe đạp hay không, nhưng chỉ cần nhìn nụ cười của em lấp lánh trên khuôn mặt, khác hẳn vẻ ủ dột khép kín hai tuần trước thì đã thấy tác dụng rất lớn của chiếc chân giả rồi.
Phút đầu tiên làm quen với chiếc chân giả mà Ước mơ của Thúy hỗ trợ - Ảnh: TỰ TRUNG
Lê Ngọc Tường Vy (Củ Chi, TP.HCM), cô bé được Ước mơ của Thúy tặng chân giả từ năm ngoái với một lý do rất teen: "Chống nạng cũng đi học được nhưng mặc đầm khó coi, chụp hình không đẹp được", năm nay lại "bật mí’ thêm một bí mật: "Chân vẫn tốt, em đi học vẫn bình thường nhưng phải độn thêm đế cho chiếc giày bên chân giả. Từ năm ngoái tới nay em đã cao thêm khoảng 3-4cm rồi".
Vậy là ban tổ chức UMCT lại tiếp tục ghi chú vào lịch làm việc: "ngoài hỗ trợ chân giả cho các trường hợp mới còn phải theo dõi để thay chân cho các trường hợp cũ".
Công việc cứ thế sinh ra không bao giờ ngừng, khi nào cũng vất vả nhưng khi nào cũng rất vui. Những chiếc chân mới dường như đã xóa đi được một đoạn đời các em buộc phải tập làm người khuyết tật.
Thêm 10 chân giả được ủng hộ
Nhãn hàng Jex - Công ty CP dược phẩm ECO vừa thông báo ủng hộ kinh phí lắp thêm 10 chân giả cho nhóm bệnh nhi ung thư xương trị giá 150 triệu đồng qua chương trình Ước mơ của Thúy.
Từ 2015 đến nay, chương trình đã hỗ trợ 22 bệnh nhi điều trị tại TP.HCM và Hà Nội với mức hỗ trợ 10-15 triệu đồng một bệnh nhi, tổng kinh phí 320 triệu, từ nguồn ủng hộ của công ty CP dược phẩm ECO và bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Thân nhân bệnh nhi nhóm ung thư xương có hoàn cảnh khó khăn, đã qua giai đoạn điều trị duy trì hoặc khỏi bệnh, có mong muốn được hỗ trợ lắp chân giả, hãy viết thư bày tỏ hoàn cảnh và nguyện vọng (có xác nhận của bệnh viện điều trị) và gửi về chương trình Ước mơ của Thúy:
Ban Công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận