1.000 lần là cách nói quá của đám trẻ dễ thương. Đối với đám con nít "sương sương" ấy, con số cụ thể không mang ý nghĩa chính xác mà chỉ hàm ý nhiều, nhiều, nhiều trong khoảng trời còn be bé của các em.
Chắc chắn rằng Bảo Minh không xem tới con số 1.000 lần những buổi diễn tuồng cổ của các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Việt Nam ở ngã tư Mã Mây - Lương Ngọc Quyến, trước đền Hương Tượng (khu phố cổ Hà Nội). Nhưng con số cũng không hề nhỏ.
Tây - ta ngồi "bệt" xem tuồng cổ trên phố
Ngồi xem tuồng vào tối 30-4 trước đền Hương Tượng, chú bé lém lỉnh, hồn nhiên kể bé đã ngồi xem tuồng ngoài đường thế này từ lúc mới 5 tuổi. Nhà bé ở phố Lê Phụng Hiểu, cách "chiếu tuồng" một quãng đường hơi xa với bước chân con trẻ, nhưng cuối tuần nào mẹ cũng cho bé về bà ngoại trên phố Mã Mây ngủ.
Vậy là tối thứ sáu và chủ nhật nào Bảo Minh cũng háo hức chạy ra xem tuồng, khi một mình, khi cùng em trai Bảo Khánh.
Tối chủ nhật 30-4, Bảo Minh xem cùng em trai. Được một lúc thì em trai theo mẹ về trước, còn Bảo Minh vẫn ngồi xem chăm chú tới cuối buổi, mắt long lanh, háo hức, thỉnh thoảng lại quay sang người bên cạnh chuyện trò. Bảo Minh luôn chọn "hàng ghế" đầu, gần diễn viên nhất.
Bé xem chăm chú tất cả trích đoạn, hết cuối tuần này tới cuối tuần khác, từ trích đoạn tuồng cổ Bách đao Diệm Thiên, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Châu Sáng qua sông, Trịnh Ân ra pháp trường…
"Con cũng thích xem tivi, nhưng con thích ra đây xem hơn", Bảo Minh nhanh nhảu nói khi được hỏi "Ở nhà xem hoạt hình trên tivi thích hơn chứ?".
Ngồi cạnh Bảo Minh là nhiều em bé khác đến rồi đi, trong đó có những em bé từ phương xa là khách du lịch đi cùng bố mẹ, có cả những em bé nước ngoài, những em bé từ quê ra thăm người thân ở phố dịp nghỉ lễ.
Trong số khán giả còn có Hải Anh, 11 tuổi - một em bé bán nước giải khát rong trên phố, sống ở "bãi" Phúc Tân bên ngoài đê sông Hồng cùng với mẹ.
Hải Anh cũng là "khách quen" của sân khấu tuồng ngoài phố này, giống như bà Linh cùng ở Phúc Tân. Mấy năm qua, tuần nào bà Linh cũng xem đủ hai buổi diễn tuồng ở đây vào tối thứ sáu và chủ nhật.
Sân khấu tuồng này là một trong nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật từ truyền thống đến đương đại ở khu vực Hồ Gươm và khu phố cổ do Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức vào các buổi tối cuối tuần.
Nhiều khách quen, nhưng chiếm phần đông hơn trong các buổi diễn tuồng này là những khách du lịch.
Người ta được thấy những hình ảnh xúc động như những em bé ngồi lòng mẹ hay trên vai cha chăm chú xem diễn tuồng, những "ông tây" vừa cầm chai bia uống vừa đứng xem ở vòng ngoài, những "bà tây" cũng "nhập gia tùy tục" ngồi bệt xuống đường xem tuồng như những người bản xứ.
Rõ ràng sự hấp dẫn của các buổi diễn tuồng ngoài phố như thế này không phải chỉ ở việc miễn phí mà còn bởi cái không khí thưởng thức nghệ thuật đặc biệt, thú vị mà nó tạo ra, so với việc ngồi xem trong nhà hát.
Tính cộng đồng, sự gần gũi và thoải mái giữa khán giả với nhau và giữa khán giả với nghệ sĩ đã hút những đứa trẻ thời công nghệ, những ông tây bà đầm cũng thích xem tuồng.
Chạy xe ôm, làm DJ để bám sân khấu tuồng
Ở đây, khán giả không chỉ được xem diễn viên lộng lẫy trên sân khấu mà còn được nhìn những nghệ sĩ ngồi trang điểm, khoác xiêm y giữa đường.
Và nếu tạo đủ sự thân tình, tin cậy, khán giả còn có thể được nghe những tâm sự cảm động về tình yêu nghề, những vất vả, hy sinh đến khó tin của những nghệ sĩ đang nỗ lực thật nhiều để gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Khán giả sẽ cảm động hơn nhiều với những cảnh rút ruột nhả tơ của nữ nghệ sĩ Thanh Phương khi hóa thân vào Hồ Nguyệt Cô khi biết rằng để có những cảnh diễn xuất thần ấy, không chỉ là những khổ luyện trên sân khấu bao năm, mà còn là những đêm cô đi làm DJ (mix nhạc) ở bar để nuôi nghề. Trước đó, cô "làm bất cứ gì có thể để nuôi sống mình".
Đồng nghiệp của cô có người đã bỏ, nhưng cũng nhiều người vẫn chạy xe ôm, bán hàng online, bán thức ăn cho mèo… để đi cùng nghề cho tới khi nào còn có thể.
May thay, những sân khấu tuồng giữa đời được khán giả yêu thích này cho người yêu văn hóa, những nghệ sĩ thầm lặng gìn giữ vốn liếng cha ông trong đơn độc và đôi khi tuyệt vọng được chút an ủi.
Đến lượt mình, chính những diễn viên kịch hát dân tộc chịu bao vất vả giữ nghề này cũng trở thành một sự an ủi rất lớn cho xã hội, giữa bao nhiêu ồn ào của thế giới giải trí hào nhoáng nhiều phù phiếm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận