16/07/2017 11:49 GMT+7

Khi Tủ sách Tuổi Hoa trở lại

NGUYỄN THÁI HẢI
NGUYỄN THÁI HẢI

TTO - Vừa qua Nhà văn bản Phương Đông và Phương Nam Book tái bản đợt đầu tám cuốn sách trong Tủ sách Tuổi Hoa trước năm 1975, trong đó có cuốn Chiếc lá thuộc bài của tôi.

Các ấn bản mới của Tủ sách Tuổi Hoa - Ảnh: PNB
Các ấn bản mới của Tủ sách Tuổi Hoa - Ảnh: PNB

Liền đó, dư luận mạng (là chủ yếu) lấy cuốn Chiếc lá thuộc bài ra để chứng minh rằng Phương Nam Books đã không tái bản đúng bản gốc và qua đó “ném đá” cả tác giả với lý lẽ rằng đã tái bản thì không được sửa chữa.

Ở đây, tôi không nhắc đến những khúc mắc của cá nhân mình với nơi xuất bản, mà nhân chuyện này tôi muốn được trao đổi về việc tái bản một tủ sách có nhiều ảnh hưởng một thời - có người gọi là “tủ sách lừng danh” - và bàn thêm về chuyện tác giả viết lại sách của chính mình.

Trước hết, tôi nghĩ rằng tái bản Tủ sách Tuổi Hoa, nếu những người làm sách chỉ nhằm phục vụ số bạn đọc lớn tuổi giúp họ tìm lại kỷ niệm xưa và qua đó tính toán chuyện lời lỗ thì thật kém ý nghĩa.

Không cần chứng minh cũng biết là đến nay còn rất nhiều bạn đọc của Tủ sách Tuổi Hoa lưu giữ trong lòng ấn tượng sâu sắc với những cuốn sách mà từ đó họ đã học được nhiều điều có ích.

Nhưng đối tượng của sách viết cho thiếu nhi trước hết vẫn phải là các em trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, hoặc hơn một chút là tuổi mới lớn.

Các tác giả của Tủ sách Tuổi Hoa ngày trước, khi có sách in thì nhiều người mới ở tuổi đôi mươi, viết với giọng điệu, câu chuyện... phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi ngày ấy.

Vậy những giá trị một thời ấy - qua loạt sách tái bản - sẽ được các bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay đón nhận như thế nào mới là điều cần được ghi nhận.

Mỗi thế hệ có cảm nhận và đòi hỏi riêng, không thể bắt những thế hệ sau nghĩ giống thế hệ cha ông chúng được. Tôi có thời gian viết cho thiếu nhi trước năm 1975 và cả sau 1975 đến nay, nên hiểu được phần nào sự khác biệt trong suy nghĩ thế hệ.

Nên việc tái bản Tủ sách Tuổi Hoa - kể cả tác phẩm của tôi - nên xem như một việc thử nghiệm và cần tìm được đáp số!

* Chuyện thứ nhì nhỏ hơn nhưng có liên quan là việc tác giả viết lại sách của mình. Ồn ào quanh cuốn Chiếc lá thuộc bài của tôi vừa qua có phần liên quan đến việc này.

Cuốn truyện đã được tôi viết lại - đúng hơn chỉ là thay đổi một nhân vật mà vào thời điểm 1993 còn được xem là nhạy cảm - để sách có thể in.

Nhiều bạn đọc thế hệ trước cho rằng đã là tái bản thì Nhà xuất bản phải in đúng y như lần đầu, còn tác giả thì không được/không nên viết lại hay sửa chữa gì. Ý kiến này được tôi ghi nhận nhưng không thể thuyết phục tôi.

Có nhiều nhà thơ có bài thơ khi tái bản đã sửa vài chữ hoặc cả câu đó thôi! Vấn đề là việc sửa chữa này có làm tác phẩm hay hơn, ít ra cũng giữ nguyên giá trị, hoặc khiến nó dở hơn trước?

Người đọc có quyền đòi hỏi “nguyên bản” thì tác giả cũng có quyền “sửa chữa” theo chủ quan của mình chứ. Hai bên nên/cần tôn trọng lẫn nhau.

* Việc tái bản sách, việc sửa chữa nội dung hay không... rốt cuộc lại cũng để nhằm phục vụ đối tượng bạn đọc chính, ở phạm vi bài này là lứa tuổi thiếu nhi.

Tôi luôn mong ước về việc ra đời thêm vài tủ sách thiếu nhi nữa - để cạnh tranh lành mạnh - mà các em là người được hưởng lợi.

Nhưng thú thật, ở tuổi tôi thì lực bất tòng tâm rồi, đành phải trông cậy vào các bạn viết trẻ, những nhà làm sách trẻ, có tầm và có tâm.

NGUYỄN THÁI HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp