16/10/2014 14:37 GMT+7

Kỳ cuối: Giao quyền để hiệu trưởng tự chịu trách nhiệm

MỸ DUNG - HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG ghi
MỸ DUNG - HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG ghi

TT - Tuy Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản nhắc nhở các trường nhằm chấn chỉnh tình trạng kinh doanh trong nhà trường, thế nhưng hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt.

Sở đã có nhiều văn bản nhắc nhở về hiện tượng quảng cáo, phối hợp hoặc thông qua các chương trình để mua bán sản phẩm trong nhà trường. Trong các buổi sinh hoạt với hiệu trưởng, sở cũng thường xuyên nhắc nhở các vấn đề liên quan, thậm chí có quy định các bảng biểu trong trường phải treo thế nào, nội dung gì, treo ở đâu.

Tuyệt đối không được để việc quảng cáo làm nhốn nháo, nhếch nhác môi trường sư phạm và sinh hoạt ở trường học

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Làm sao để môi trường giáo dục được lành mạnh, hạn chế những hoạt động mang tính trục lợi trong nhà trường? Đó là câu hỏi mà Tuổi Trẻ đặt ra cho các nhà quản lý, chuyên gia...

* Ông NGUYỄN HỒNG HÀ (phó trưởng Ban văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM):

Không thể để tình trạng “trường thành chợ” tiếp diễn

Đúng là chúng ta đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, người hiệu trưởng bây giờ cần năng động, sáng tạo để phát triển nhà trường. Tuy nhiên, không thể chấp nhận việc biến môi trường sư phạm thành môi trường kinh doanh của một số trường học trên địa bàn TP.

Môi trường sư phạm mà treo banner, băngrôn quảng cáo của các nhãn hàng sẽ làm méo mó hình ảnh người thầy, người cô. Đã vậy, một số trường còn tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về một sản phẩm, cho học sinh sưu tầm những vỏ hộp giấy của sản phẩm...rất khó coi.

Hậu quả của nó không cần nói ra chúng ta đã biết rồi. Tôi nghĩ ngành GD-ĐT TP cần phải có hướng dẫn cụ thể về việc này. Trong những trường hợp như thế nào thì được làm, trường hợp nào phải cấm. Nếu ban giám hiệu các trường vi phạm quy định sẽ bị xử lý đến nơi đến chốn.

Không thể để tình trạng “trường thành chợ” tiếp diễn, làm xấu đi hình ảnh nhà trường, gây mất niềm tin vào giáo dục của xã hội. Ngay cả việc mua sắm học phẩm, học cụ, trang thiết bị hiện đại trong nhà trường cũng cần được cấp quản lý quy định chặt chẽ, không nên để tình trạng chiết khấu (hoa hồng) xảy ra và một số cá nhân thu lợi riêng.

* Ths LÊ NGỌC ĐIỆP (nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM):

Đóng góp cho giáo dục là vì tấm lòng

Khi đi tham quan giáo dục các nước, tôi không thấy nước nào có quảng cáo trong nhà trường cả. Nhà trường chứ không phải thị trường, nếu có tiền bạc xen vào sẽ gây ngộ nhận, hiểu lầm, nghi ngờ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, phụ huynh cũng nghi ngờ nhà trường, dần dần sẽ mất niềm tin vào giáo dục.

Trong khi đó, các công ty ngày càng nghĩ ra nhiều hình thức quảng cáo trong trường học một cách tinh vi thông qua nhiều hoạt động khác nhau.

Rồi việc mua sắm trang thiết bị dạy học, tôi nghĩ các trường cần xác định mục tiêu của môn học, mục tiêu của bài dạy trước, sau đó ban giám hiệu nhà trường sẽ công bố cần phải sắm thiết bị nào, giá tiền bao nhiêu, có bao nhiêu loại, tính năng sử dụng ra sao...

Cuối cùng phải để hội đồng sư phạm của trường chọn lựa và thống nhất chi ra số tiền bao nhiêu để mua sắm thiết bị ấy.

Nhiều người đặt câu hỏi: nếu không nhờ các doanh nghiệp tài trợ thì không thể hoạt động phong trào. Mà đã có tài trợ thì có quảng cáo cho nhà tài trợ với băngrôn, apphich, logo...

Tôi thấy ở các nước tiên tiến họ có quỹ giáo dục phục vụ các hoạt động phong trào. Quỹ này do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp nhưng họ đóng góp là vì sự nghiệp giáo dục chứ không nhằm tiếp thị cho đơn vị mình.

Thời gian đầu thực hiện cách này có thể chúng ta sẽ hụt hẫng, nhưng theo thời gian dần dần chúng ta sẽ tạo nên một thói quen tốt trong xã hội: đóng góp cho giáo dục là vì tấm lòng với giáo dục chứ không phải quảng cáo vì mục đích thương mại.

* Bà CHUNG BÍCH PHƯỢNG (phó Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, phụ trách mầm non):

Phải để thủ trưởng chịu trách nhiệm

Tại Tân Phú, Phòng GD-ĐT quận không giới thiệu bất cứ công ty nào xuống các trường. Đối với những nhu yếu phẩm thiết yếu như thịt, sữa, rau củ quả... trong các trường mầm non thì sẽ lấy từ các công ty đã cung cấp ổn định với trường, có thương hiệu.

Quận Tân Phú không cho phép tự ý tiếp thị lung tung trong trường. Ngay cả những công ty đã cung cấp nhu yếu phẩm quen với các trường, hằng năm trường vẫn phải gửi danh sách về Phòng GD-ĐT (kèm bản sao hợp đồng) để báo cáo.

Nếu trường lấy những đơn vị không uy tín thì Phòng GD-ĐT không đồng ý mặc dù phòng không giới thiệu bất cứ công ty, đơn vị nào về. Tại quận cũng không cho phép treo panô, quảng cáo trong các trường.

Đối với trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi... trong các trường, quận Tân Phú giao toàn quyền cho hiệu trưởng. Quận sẽ cấp kinh phí theo dự toán nhu cầu mà trường đưa lên, còn lại toàn bộ hiệu trưởng tự chủ động và chịu trách nhiệm vì đây là đơn vị thụ hưởng.

Phòng GD-ĐT quận không tổ chức đấu thầu, phân phối... bất cứ hạng mục nào. Đồ chơi ngoài trời, trong nhà, trang thiết bị... toàn bộ kinh phí quận cấp, còn trang bị, chọn công ty nào, hợp đồng ra sao trường chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, duyệt giá do phòng tài chính quận duyệt. Trường phải gửi bảng báo giá, dự toán lên.

Một năm lãnh đạo phòng sẽ đi khảo sát, có những cái trường xin nhưng phòng không duyệt vì thấy lãng phí, không cần thiết. Duyệt dự toán xong thì phòng sẽ đề xuất, phân luôn nguồn nào của ngân sách, nguồn nào của trường, trường sẽ chủ động và chịu trách nhiệm.\

Phòng tài chính sẽ chịu trách nhiệm thẩm định giá hết. Phòng GD-ĐT quận không làm việc đấu thầu rồi gửi xuống trường, như vậy là áp đặt lắm. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm nhưng sẽ không thoải mái khi thực hiện theo cơ chế phân bổ.

Quận Tân Phú tạo cơ chế thoáng như vậy nhưng họ phải tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của trường, trong đó có hoạt động mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất. Nếu cơ sở vật chất, trang thiết bị không đúng chất lượng, thiếu chuẩn, hiệu trưởng cũng phải tự chịu.

Đối với việc các công ty vào trường học để tiếp thị sản phẩm, Phòng GD-ĐT cũng không giới thiệu. Nếu muốn, họ tự liên hệ với trường nhưng cũng như việc mua sắm trang thiết bị, hiệu trưởng phải tự chịu trách nhiệm về những hoạt động diễn ra trong trường.

Hiệu trưởng làm sai, làm không đúng chức năng sẽ phải tự chịu. Họ làm đúng, làm không phản cảm sẽ được khen, được khuyến khích, nhận được sự hưởng ứng của ngành, của đồng nghiệp... Một khi đã có cơ chế thủ trưởng thì phải để thủ trưởng chịu trách nhiệm trong bất cứ vấn đề nào.

 

MỸ DUNG - HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp