Khi trường thành chợ - ​Kỳ 1: Mua bán trên sân trường

LƯU TRANG - MỸ DUNG
LƯU TRANG - MỸ DUNG

TT - Phụ huynh và học sinh là những khách hàng tiềm năng, còn nhà trường thì trở thành miếng bánh béo bở mà các nhà kinh doanh hướng tới.

Có thể dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh quảng cáo như thế này ở nhiều cổng trường của TP.HCM - Ảnh: Như Hùng 

Phụ huynh và học sinh là những khách hàng tiềm năng cho tất cả dịch vụ kinh doanh về học cụ, thực phẩm, thuốc, thiết bị công nghệ... Còn nhà trường thì trở thành miếng bánh béo bở mà các nhà kinh doanh hướng tới.

Không khó để thấy nhãn hiệu của các sản phẩm tiêu dùng đang tràn ngập trường học, từ sữa, thức uống, bánh kẹo đến các sản phẩm chăm sóc cơ thể như sữa rửa mặt, nước rửa tay, xà bông, băng vệ sinh...

Thông qua các apphich, băngrôn quảng cáo hay “núp” bóng các hoạt động ngoại khóa, lễ hội có tính giáo dục, rèn kỹ năng, trường học là nơi các nhà tiếp thị sản phẩm chọn lựa bởi kinh phí thấp nhưng hiệu quả tiếp thị cao.

Những ngày hội “bất ngờ”

Mùa nào thức đó

Một giáo viên mầm non có hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết trường mầm non là nơi “tấn công”, tiếp thị của hàng loạt sản phẩm. Đầu năm học sẽ là “thời gian vàng” của các công ty xây dựng, cung cấp thiết bị trường học, công ty cung cấp hoạt động năng khiếu, cung cấp đồ dùng học tập cho học sinh, đồng phục. Giữa học kỳ là “thời” của thực phẩm bổ sung, thức uống, sản phẩm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường học... Tất cả những sản phẩm này muốn vào trường đều thông qua hiệu trưởng và phải chi chiết khấu, hoa hồng.

Ngay trong lễ khai giảng năm học 2014-2015, ghi nhận ở một vài trường mầm non, tiểu học tại TP.HCM cũng có khá nhiều sản phẩm mang tính quảng bá của các công ty.

Tuy nhiên, việc đó không phổ biến bằng ngày hội “bất đắc dĩ” do các công ty tổ chức ở sân trường mà phụ huynh vô tình phải tham gia.

Chị N.N.T., có con học lớp chồi một trường mầm non tại quận 7, TP.HCM, cho biết đầu năm chưa phải là thời gian các sản phẩm “tập trung” quảng bá nơi sân trường. Thông thường trước, sau tết hoặc những tháng cuối năm học, các công ty “đổ bộ” trường nhiều hơn.

Theo chị, cuối năm học vừa qua có tháng chị và con hai lần bị “tham gia” các hoạt động tiếp thị sản phẩm của công ty. “Có bữa tôi đi đón con, chưa vào sân trường đã thấy bảng hiệu, nhiều nhân viên tiếp thị mặc đồng phục, có cả người mặc thú nhồi bông ngộ nghĩnh, có 4-5 bàn trưng bày sản phẩm để giới thiệu một loại thức uống bổ sung lợi khuẩn cho trẻ.

Sau đó, con tôi và tất cả học sinh của trường đều được phát một quả bóng bay, một số sản phẩm dùng thử sau khi đã để lại tên, tuổi, số điện thoại và loại thức uống hiện đang dùng” - chị Thủy nói.

Tương tự, một phụ huynh ở quận Tân Phú không hiếm lần được dùng thử váng sữa, sữa chua, được nghe giới thiệu về các loại sữa bột ngay khi đón con tại sân trường. “Có hãng còn tổ chức cân nặng, đo chiều cao cho học sinh, phát các biểu đồ chiều cao của bé gái, bé trai theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, tư vấn dinh dưỡng cho từng học sinh” - vị phụ huynh này cho biết.

Tại một số trường mầm non tư thục, việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm của các công ty diễn ra công khai hơn. Thậm chí, một số trường còn đăng thư mời của công ty về những ngày hội quảng bá này.

Tên một hãng sữa quảng cáo trong một trường mầm non ở TP.HCM. Đây là hình thức rất phổ biến - Ảnh: ANH KHÔI

“Buổi giới thiệu này không nằm ngoài mục đích giúp quý phụ huynh và nhà trường tìm hiểu kỹ hơn về thông tin nhãn hàng, nếm thử hương vị khác biệt của hai nhãn hàng. Hơn nữa đây cũng là cơ hội để các bé vui chơi với nhau, tăng cường kỹ năng giao tiếp xã hội...” - trích thư mời uống thử sữa của một công ty được đăng trên website của một trường mầm non.

Học kỹ năng sống kèm dùng sản phẩm

Dịch vụ tổ chức sinh nhật

Nhiều trường mầm non tại Phú Nhuận, Bình Thạnh thông báo đến phụ huynh về dịch vụ tổ chức sinh nhật, cung cấp bánh kem do một đối tác bên ngoài trường thực hiện. Cụ thể, phụ huynh đăng ký tổ chức sinh nhật cho con mình được chọn một chiếc bánh kem (loại rẻ nhất là 250.000 đồng) kèm các loại bánh khác và trái cây để chia cho tất cả học sinh trong lớp. Các dịch vụ như bóng bay, hoa, trang hoàng sân khấu, MC cũng được cung cấp ngay tại trường.

Dịch vụ chụp hình trẻ cũng được khá nhiều trường mầm non quận, huyện tổ chức. Một chủ hiệu chụp hình tại Thủ Đức cho biết để bao trọn gói làm lịch cho một trường học, ngoài mối “thâm tình” lâu năm với ban giám hiệu trường, họ phải chi khoảng 20-40% phí chụp hình cho học sinh với trường.

Một hiệu phó trường tiểu học tại Q.Gò Vấp, TP.HCM hiện đã nghỉ hưu cho biết: “Một năm nhà trường phải tiếp hàng chục đơn vị đến xin giới thiệu sản phẩm tại trường. Thường chúng tôi đồng ý nếu là chương trình mà cấp quản lý đã kiểm định và cho phép triển khai, còn lại thì xem xét quyền lợi mà nhà trường và học sinh được hưởng là những gì rồi mới đồng ý cho tổ chức. Không có “anh” nào vào trường mà không chi hoa hồng, vấn đề là cá nhân nhận hay chuyển vào quỹ đội, quỹ lương. Thường họ thỏa thuận: Cô tạo điều kiện cho em làm chương trình này, em sẽ gửi cô riêng khoản tiền là... và trường là...”.

Vị hiệu phó cũng liệt kê một số “chiêu” tiếp thị sản phẩm trong trường học: một hãng nước rửa tay tổ chức lễ hội với phông màn hoành tráng cùng tiết mục văn nghệ, ảo thuật, cuối giờ tặng giáo viên và học sinh mỗi người một cục xà bông; nhãn hàng xà phòng giặt thì thi trang trí đèn lồng bằng logo của nhãn hàng này; hãng sữa thi ráp mô hình bằng vỏ hộp sữa; hãng bánh thi kịch nói, làm báo tường, phần thưởng là mỗi em một hộp bánh; công ty bút nhờ giáo viên bán bút và chia hoa hồng...

Theo lời một nhân viên y tế trường học tại quận Tân Bình, một số hoạt động kỹ năng sống cho học sinh toàn trường như đánh răng đúng cách, dùng bàn chải nào phù hợp, rửa tay đúng cách, phòng bệnh cảm như thế nào... sẽ có những sản phẩm chuyên biệt cho các bài học này.

Những nhà tài trợ sản phẩm ngoài việc giới thiệu sản phẩm, phát dùng thử sản phẩm, có khi còn “mang theo” cả bác sĩ kiểm tra, tư vấn cho học sinh trong thực hành kỹ năng, dùng sản phẩm.

Nhà trường kiếm lợi bao nhiêu?

Để “biến” sân trường thành nơi tiếp thị sản phẩm, các công ty phải chi cho trường bao nhiêu tiền? Con số này mỗi quận, huyện và từng trường cụ thể là rất khác nhau nhưng với những trường nổi tiếng, trường “giàu”, chi phí cho việc này tăng lên cấp số nhân.

Treo một tấm pano, băngrôn, tờ quảng cáo trong sân trường, nhà trường nhận được từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng, một giáo viên hoạt động phong trào lâu năm tại quận 11 cho biết.

Theo chia sẻ của một giáo viên mầm non có hơn 20 năm kinh nghiệm, tại trường cô đang dạy, trước đây các sản phẩm vệ sinh cá nhân học sinh, vệ sinh trường đều được mua tại siêu thị, nay có một công ty chuyên cung cấp sản phẩm cho trường.

Theo cô biết, để “giành” được hợp đồng này, công ty này ngoài chi tiền cho hiệu trưởng còn phải chiết khấu giá từ 10-15% trên giá thành sản phẩm. Riêng “quyền” để may đồng phục học sinh, công ty cũng phải chi cả tiền “thầu” và chiết khấu có khi đến 40%. Cô không biết cụ thể các công ty phải chi bao nhiêu tiền cho hoạt động tiếp thị tại sân trường, nhưng ước mỗi lần quảng bá như vậy hiệu trưởng cũng được một khoản kha khá. Tương tự, một giáo viên tại Gò Vấp cho biết cô được hưởng 10% trên mỗi phụ huynh đăng ký thực hiện sổ liên lạc điện tử.

Nhân viên tiếp thị một nhãn hàng sữa tiết lộ mức giá tại các trường ở những quận ven được thỏa thuận theo mức thuê mặt bằng quảng cáo ngoài trời, có nơi 5-10 triệu/lần nhưng có nơi lên đến 20-30 triệu đồng/lần. Tuy nhiên, có trường sẽ tính vào chi phí sản phẩm tặng cho học sinh, nhà trường (không kể sản phẩm tiếp thị) và chỉ bồi dưỡng cho ban giám hiệu riêng, có trường phải trả trực tiếp bằng tiền.

 

LƯU TRANG - MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp