Việc không gian sống thỉnh thoảng "có khách" ngắn hạn hay dài hạn là chuyện không hiếm, song có lẽ điều quan trọng là gia chủ cần luôn làm chủ tình hình để những xung đột không "leo thang". Việc chọn giải pháp nào: dĩ hòa vi quý, mềm nắn rắn buông hay quyết liệt hành động, gạt bỏ hết mọi sĩ diện, chấp nhận mất lòng trước được lòng sau, cố gắng chung sống hòa bình... còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.
Tuổi Trẻ Online tạm khép lại diễn đàn này với các ý kiến sau.
Phóng to |
Việc giữ gìn tổ ấm hòa thuận cần lắm sự đồng cảm, đồng lòng của mỗi thành viên - Ảnh minh họa: Internet |
Tôi chưa bao giờ ân hận khi từ chối sống chung với họ hàng
Tôi từng từ chối cho em chồng và cháu gái tới nhà tôi ở, tới bây giờ tôi vẫn nghĩ mình làm đúng.
Đó là thời điểm tôi mới sinh bé thứ 2. Khi đó mẹ chồng tôi đến nhà tôi để giữ em bé phụ tôi và khi tôi đi làm thì bà ở nhà trông cháu. Nhà mẹ chồng tôi gần nhà tôi. Cũng thời điểm đó em chồng tôi có con 1 tuổi. Nhà em chồng cách nhà tôi khoảng 40 cây số và cô ấy ngỏ ý muốn lên nhà tôi ở để khi cô ấy đi làm thì có bà giữ cả hai đứa (con tôi và con cô ấy, nhà tôi có một bà giúp việc). Và sau nhiều ngày suy nghĩ và xem xét vấn đề, tôi từ chối.
Tính tôi và chồng ngăn nắp, sạch sẽ, nhất là có em bé càng phải cẩn thận hơn, còn em chồng tôi bừa bãi, hơi thiếu ý thức. Có những hôm vợ chồng và con cô ấy đến nhà tôi chơi và ngủ lại, thật sự chỉ vài ngày thôi nhưng tôi phải kìm nén lắm mới khỏi nổi nóng.
Chả là nhà có con nhỏ, lúc nào cũng phải trữ nước nóng để pha sữa, tắm rửa... em bé. Nhưng khi cần để pha sữa thì bình thủy không còn chút nước nào. Hóa ra cô ấy lấy hết nước nóng để tắm cho con mà không đun nước khác đổ vào bình. Hay những vật dụng của gia đình, của em bé, cô ấy lôi ra cho con chơi, đem nước vào phòng ngủ để tắm cho con (trong khi phòng tắm nằm ngay gần phòng ngủ và em bé sơ sinh của tôi vẫn tắm trong phòng tắm…). Còn rất nhiều chuyện nhỏ nhặt nữa dù vợ chồng cô ấy chỉ ở chơi vài ngày.
Tính tôi rất thẳng thắn, một vài ngày tôi có thể nhịn được chứ ở lâu dài như vậy tôi nghĩ trước sau gì cũng có chuyện xảy ra giữa chị dâu, em chồng. Mặt khác, tôi thấy cô ấy vẫn có thể sắp xếp được việc trông giữ con cô ấy: gửi nhà trẻ hay thu xếp công việc các thành viên trong gia đình (vì công việc của em chồng tôi rất thoải mái, đa số thời gian giao dịch qua Internet tại nhà, cô ấy lại có hai cô em chồng đang ở cùng, một em là giáo viên mầm non và một em là sinh viên).
Sau khi cân nhắc, tôi nói chuyện với chồng và sau đó hai vợ chồng cùng nói chuyện với mẹ chồng tôi và em chồng. Tôi thẳng thắn nói việc tôi sợ những va chạm khi ở chung làm sứt mẻ tình cảm và rằng cô ấy vẫn có thể sắp xếp chuyện gửi con. Tôi biết có thể mẹ chồng và em chồng phật lòng nhưng thà như vậy còn hơn. Và đến bây giờ mọi quan hệ vẫn ổn. Tôi chưa lúc nào thấy ân hận về quyết định này.
Thà mất lòng trước, được lòng sau
Gửi chị H.T. trong tâm sự ! Nếu ngay lần đầu tiên chị phát hiện cháu chồng gọi điện than phiền với chị chồng về việc ở chung với vợ chồng chị, khi chị chồng nhắc nhở chị chuyện quan tâm chăm sóc cháu... mà chị có những động tác tích cực thì có thể mọi việc không tệ đến thế. Chị cần nói rõ cho chị chồng biết diện tích căn nhà, những sắp xếp của anh chị... để chị chồng hiểu tình hình.
Không lạm dụng lòng tốt Nếu cứ sống kiểu "đèn nhà ai nấy rạng" thì đến khi cơ nhỡ, biết nhờ cậy ai? Ngược lại nếu được giúp đỡ mà lại lạm dụng sự giúp đỡ đó mà không biết rằng "một giọt máu đào, hơn ao nước lã" nhưng vẫn là hai giọt máu khác nhau thì có phải là ta đã thiếu tôn trọng lòng tốt của những người đã giúp mình không? Thế nên, người giúp đỡ cần phải thành tâm, còn người được giúp đỡ thì không được lạm dụng lòng tốt. Vấn đề tuy không lớn nhưng phải có văn hóa ứng xử tốt mới tháo gỡ được. |
Đối với con trai mới lớn, "trách nhiệm" là một từ có sức thuyết phục vô cùng lớn. Nếu để cháu chồng chị thấy được cậu ta đã lớn và phải sống có trách nhiệm, đặc biệt khi đang ở nhờ, thì có lẽ cậu ta sẽ ngoan hơn.
Khi em trai chị lên ở cùng, chị nên họp mặt mọi người để chia sẻ những quy định về tất cả từ những việc nhỏ nhất, ai làm gì, lúc nào, khi ra ngoài phải thông báo cho ai biết, trong nhà mọi việc kể cả đi chợ, nấu ăn, giặt gũi, quét nhà, trông trẻ nhỏ, tất cả phải phân chia. Mọi người đều có trách nhiệm, nghĩa vụ.
Còn chuyện sinh hoạt vợ chồng tế nhị nữa, chị nên nhờ chồng nói với em và cháu về những quy định riêng tư của hai người cũng nhưng riêng tư của hai cậu này. Để hai cậu hiểu và tế nhị dành thời gian cho vợ chồng anh chị. Nó cũng sẽ giúp anh chị giữ được hạnh phúc.
Còn bây giờ, chị nên nói chuyện với em trai và cháu chồng trước; phải rất thẳng thắn, cương quyết nhưng cũng mềm mỏng để hai cậu nhóc hiểu những chuyện gì đã diễn ra. Nếu hai cậu này quá gay gắt với nhau thì hãy tách họ ra. Dĩ nhiên em trai của chị sẽ chịu thiệt thòi một tí nhưng đôi khi người ta không thể có cách nào hoàn hảo được. Nếu không còn cách nào thì phải đưa một hoặc cả hai cậu ra ngoài sống.
Trong trường hợp người thân lên khám bệnh, muốn ở nhờ nhà anh chị thì chị có thể khéo léo tìm chỗ trọ (ví dụ chỗ cho bệnh nhân nghèo) để hạn chế sự có mặt của họ trong căn nhà trọ của anh chị.
Chị cũng nên trình bày cho gia đình chị và gia đình chồng biết khó khăn của cả hai người để hai bên họ hàng hiểu anh chị sống ở thành phố nhưng là thuê nhà, chi phí sinh hoạt cao.
Không dung hòa được thì hãy chấp nhận xa cách
Khi chung sống với họ hàng, hãy thẳng thắn, rạch ròi. Nếu không thể dung hòa được thì hãy chấp nhận xa nhau. Tôi từng ở nhà cậu mợ tại Biên Hòa, cậu mợ đặt ra những quy tắc mà tôi phải tôn trọng ngay từ đầu, nếu không thì hãy ra ngoài ở, dù tôi là cháu ruột của cậu và tôi không có ai thân khác thân thích.
Cậu mợ tôi luôn vậy và đã giúp đỡ rất nhiều người thân, đồng hương khi họ vào trong miền Nam sinh sống. Cũng nhờ vậy mà không ai ai phàn nàn điều gì, ai cũng rất quý trọng và biết ơn cậu mợ tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận