10/03/2013 08:06 GMT+7

Khi tiếng súng lặng im

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Thuyền phó Doan bị bỏng nặng vì pháo, cả người cháy đen, tóc sém hết, bốc mùi khét lẹt. Mặt anh cũng thủng lỗ chỗ, đầm đìa máu bởi mảnh đạn. Vậy mà anh vẫn tỉnh, tỉnh đến kỳ lạ. Được đồng đội dìu dưới biển, anh vẫn thoi thóp nhìn mãi về phía ngọn cờ Tổ quốc, mấp máy môi như nhắn nhủ anh em phải giữ vững bằng mọi giá...

TT - Thuyền phó Doan bị bỏng nặng vì pháo, cả người cháy đen, tóc sém hết, bốc mùi khét lẹt. Mặt anh cũng thủng lỗ chỗ, đầm đìa máu bởi mảnh đạn. Vậy mà anh vẫn tỉnh, tỉnh đến kỳ lạ. Được đồng đội dìu dưới biển, anh vẫn thoi thóp nhìn mãi về phía ngọn cờ Tổ quốc, mấp máy môi như nhắn nhủ anh em phải giữ vững bằng mọi giá...

Kỳ 1: Kỳ 2:

25 năm đã trôi qua, người lính hải quân Trường Sa Hoàng Văn Nam thuở ấy vẫn ứa nước mắt nhớ mãi hình ảnh kiên cường của đồng đội. Tàu hải vận HQ-605 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo chìm Len Đao bị bắn cháy sau 8g sáng 14-3-1988. Mọi người phải rời tàu, nhảy xuống biển, nhưng vẫn dìu nhau trụ lại vùng biển Len Đao dưới làn mưa đạn pháo cho đến lúc chiến hạm Trung Quốc rời trận địa quay sang bãi Gạc Ma.

w6qB767P.jpgPhóng to
Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng HQ-505, người đã ra lệnh cho tàu lao lên ủi bãi Cô Lin - Ảnh: QUỐC VIỆT

Mỗi người lính là ngọn cờ

Chiến sĩ Lê Viết Thảo, lữ đoàn 146, có mặt tại bãi Gạc Ma sáng 14-3, xúc động nhớ: Sau khi tàu Trung Quốc nổ súng, nhiều chiến sĩ hi sinh và thương vong. Trong đó có Hoàng Hải và Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng. Anh Thảo cùng anh em cởi áo nhét vết thủng trên xuồng công binh, đặt người bị thương cùng thi thể anh Trần Văn Phương lên và bơi về đảo Cô Lin, nơi còn tàu HQ-505. Đêm đó, Thảo cùng một chiến sĩ tên Chúc được giao nhiệm vụ canh giữ thi thể anh hùng Trần Văn Phương trên đảo Sinh Tồn. Thấy tay anh Phương đeo nhẫn cưới, Thảo bàn với đồng đội tháo chiếc nhẫn mang về đất liền. “Chiếc nhẫn này sau đó được chúng tôi giao cho anh Trường lính hải đồ, nhờ đưa về trao lại cho vợ đồng chí Phương tại Quảng Bình”.

(QUỐC NAM)

Nhớ lại quyết định rời tàu, thuyền trưởng HQ-605 Lê Lệnh Sơn kể: “Nếu ở lại tàu thì tất cả sẽ hi sinh hết. Chủ quyền cũng chưa chắc giữ được. Tôi cho anh em nhảy xuống biển, vì tin rằng mỗi người lính lúc ấy sẽ trở thành nhân chứng, thành ngọn cờ bằng xương máu giữ chủ quyền Tổ quốc!”.

Kiên cường trụ lại Len Đao cho đến khi tàu chiến Trung Quốc rời đi, các chiến sĩ tàu HQ-605 mới bơi tập trung lại với nhau, hướng về đảo Sinh Tồn. Anh Nam tìm thấy thuyền phó Doan bị thương rất nặng, mọi người phải kẹp phao cho đầu anh nổi khỏi mặt nước biển.

Gần trưa, chiếc thuyền nhỏ của tổ chiến sĩ lên bảo vệ cờ tìm vớt đồng đội lên. 17 người, kể cả số bị thương. Anh Nam xúc động nhớ họ phát hiện thiếu một đồng đội nhưng không thể tìm thấy dưới biển. Có lẽ anh đã hi sinh và nằm lại trên con tàu đang bốc cháy rừng rực. Đại úy Sơn ra lệnh chiến sĩ chèo tay, hướng mũi xuồng về đảo Sinh Tồn. Trên xuồng có nhiều thương binh bị bỏng, bị mảnh đạn găm vào mình, gãy chân... Nam phải kìm nước mắt, ngồi đỡ thuyền phó Doan để anh dễ thở. 15g, về gần đến Sinh Tồn thì thuyền phó Doan trút hơi thở cuối cùng.

Trong lúc đó tình hình bãi Gạc Ma cũng rất căng thẳng. Mặc dù tàu chiến Trung Quốc ngừng nổ súng nhưng vẫn trơ lì ở lại vùng biển chủ quyền Việt Nam. Còn các chiến sĩ hải quân Việt Nam, người sống, người bị thương, người hi sinh đang nổi chìm dưới vùng nước loang máu.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ tàu HQ-505 rưng rưng kể: “Sau khi tàu lên được bãi Cô Lin, tôi lệnh cho nhóm chiến sĩ ở lại tàu sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, còn một nhóm tìm cách cứu hộ đồng đội ở Gạc Ma sau khi tàu HQ-604 đã chìm. Công việc nhân đạo nhưng rất căng thẳng dưới họng súng đối phương”. Thuyền trưởng Lễ nhớ chi tiết khi thuyền cứu hộ nhỏ của tàu HQ-505 vào vùng biển Gạc Ma, tàu chiến Trung Quốc dọa bắn cả những người tay không đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu thương. Nhưng họ vẫn quyết tâm tiến vào vì ở đó còn đồng đội mình.

Trung tá Phạm Văn Hưng, tàu HQ-505, có mặt trên xuồng cứu hộ, ngậm ngùi nhớ họ phải nén khóc khi chứng kiến vùng biển Gạc Ma sau vụ thảm sát tàn bạo. Chỉ trong một buổi ngày 14-3, trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao này, 64 chiến sĩ, công binh hải quân VN đã dũng cảm hi sinh vì Tổ quốc.

vfc6jznZ.jpgPhóng to
Không ảnh chụp tàu HQ-505 sau khi lao lên ủi bãi san hô Cô Lin. Tàu bị cháy phía sau và cột khói cao vẫn bốc lên. Nhưng HQ-505 anh hùng đã biến thành công sự không chìm, với lá cờ Việt Nam tung bay trên bãi san hô Cô Lin Ảnh: My Lăng chụp từ Bảo tàng Hải quân Việt Nam

Giữ vững chủ quyền

Sau khi chuyển các liệt sĩ và thương binh lên đảo Sinh Tồn, thuyền trưởng Lễ liên lạc về sở chỉ huy trong đất liền. Ông báo rõ tình hình Cô Lin rằng: “Cờ Tổ quốc vẫn còn, tàu vẫn còn và người vẫn còn, quyết tâm xin được ở lại để bảo vệ tàu và bảo vệ chủ quyền đảo của đất nước. Nếu cần phải hi sinh vì Tổ quốc sẽ sẵn sàng hi sinh đến người cuối cùng”. Đề nghị này được cấp trên chấp thuận. Chiều tối 14, thuyền trưởng Lễ và một số cán bộ, chiến sĩ đi thuyền máy qua đảo Sinh Tồn, viếng các liệt sĩ và thăm hỏi thương binh, rồi quay trở lại ngay tàu 505 vẫn đang nằm cùng ngọn cờ trên đảo Cô Lin.

Một cuộc họp được khiển khai gấp rút ngay trong đêm. Thuyền trưởng Lễ xúc động nói với đồng đội rằng ông sẽ ở lại bảo vệ con tàu này và ngọn cờ chủ quyền trên đảo Cô Lin. Ông đề nghị chín người tình nguyện xung phong ở lại cùng với ông để lập thành tiểu đội chiến đấu bảo vệ tàu. Rất nhiều cánh tay giơ cao trong cuộc họp. Thuyền trưởng Lễ trân trọng tinh thần quyết tử cho Tổ quốc của đồng đội và chọn chín người ở lại tàu cùng mình. Trong đó có thuyền phó Nguyễn Huy Cường, Thạc, Biên, Thanh, Xuyên... đến từ các miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng.

“Nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ khoảnh khắc chia tay đầy xúc động này. Người về, người ở lại đều nghẹn ngào. Chiến sĩ trẻ khóc thành tiếng. Đại úy, chính trị viên Võ Tá Du gạt nước mắt dẫn nhóm anh em về và nhắn nhủ với những người ở lại: “Anh em ở lại quyết tâm bảo vệ tàu, bảo vệ đảo Tổ quốc. Chúng tôi hứa về đất liền sẽ kể lại toàn bộ cuộc hải chiến này và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc của anh em...”.

Đến lúc xuồng máy đã hạ xuống để chuyển người lên tàu khác về đất liền, nhiều chiến sĩ vẫn xúc động không nỡ chia tay, cứ xin được ở lại cùng con tàu. Thuyền trưởng Lễ phải nén cảm xúc, kiên quyết tiễn anh em. Ông hiểu rất rõ điều gì đang chờ đợi đội mười người ở lại với tàu ở đảo Cô Lin trong thời điểm nóng bỏng trên vùng biển này. Cả con tàu lúc ấy chỉ còn là một lô cốt sắt nằm bất động trên bãi san hô. Mười người ở lại đều sôi sục tinh thần yêu nước và sẵn sàng quyết tử chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đội bảo vệ đảo Cô Lin do thuyền trưởng Lễ chỉ huy đã phân thành năm tổ sẵn sàng chiến đấu chống trả lại đối phương xâm lược đảo. Thuyền trưởng Lễ nhớ những đêm anh em không ngủ được, nằm bên nhau trên boong tàu. Ông tâm sự với chiến sĩ: “Mười anh em sống chết có nhau, phải giữ bằng được tàu, bằng được cờ và chủ quyền Tổ quốc”. Họ rưng rưng trả lời: “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ tàu, bảo vệ đảo đến người cuối cùng. Có phải hi sinh thì sẽ cùng hi sinh với nhau!”.

QUỐC VIỆT

-----------------------------------------------------

Kỳ tới: Lá thư không người nhận

Ngày 20-3-1988, một cô gái ở quê nhớ cha - người đang thực hiện nhiệm vụ CQ-88. Lá thư đến căn cứ hải quân Cam Ranh và mãi mãi không có người nhận. Cha cô đã anh dũng hi sinh cùng tàu HQ-604

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp