Chuyện này đã gây xôn xao dư luận khiến nhiều người bất ngờ. Bản thân hai thủ khoa cũng cảm thấy ngạc nhiên và "rất buồn cười" khi không đậu nguyện vọng 1 vào ngành yêu thích.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tự chủ đại học, có thể thấy việc thủ khoa toàn quốc một khối thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt nguyện vọng 1 đại học lại là tín hiệu tốt.
Lý giải về sự việc trên, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay khoa học máy tính là ngành "hot" của trường, có chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều.
Năm nay, ngành này tuyển 300 sinh viên, chiếm chưa đến 4% tổng chỉ tiêu toàn trường.
Trong khi đó, nhà trường đã tuyển lượng lớn thí sinh vào ngành này theo các phương thức khác như xét tuyển tài năng hay dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy. Vì thế đẩy điểm chuẩn xét điểm thi THPT ngành này lên 29,42 điểm, mức điểm cao nhất của trường năm nay.
Mặc dù là thủ khoa khối A00 của cả nước, nhưng nếu tính điểm xét tuyển theo công thức của Đại học Bách khoa Hà Nội thì điểm xét tuyển khối A00 của hai thí sinh trên xếp sau rất nhiều thí sinh khác. Do điểm chuẩn của trường được tính theo công thức: điểm xét tuyển = (điểm toán x 2 + môn 2 + môn 3) x 3/4 + điểm ưu tiên). Ngành khoa học máy tính xét tổ hợp A00 (toán - lý - hóa) và A01 (toán - lý - tiếng Anh).
Với cách tính như trên, những thí sinh có điểm môn toán cao sẽ có lợi thế hơn. Trong khi cả hai thủ khoa trên đều đặt nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính, nguyện vọng 2 vào ngành kỹ thuật máy tính.
Vì điểm xét tuyển của hai thí sinh này thấp hơn điểm chuẩn ngành khoa học máy tính nên trượt nguyện vọng 1 nhưng cả hai đã trúng tuyển nguyện vọng 2.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT mặc dù được xác định mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đánh giá chất lượng dạy học phổ thông nhưng hiện vẫn có nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này.
Thực tế những năm qua cũng cho thấy rất nhiều thí sinh điểm khá cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt nguyện vọng 1, thậm chí rớt đại học.
Việc này là do hầu hết trường đại học trên cả nước đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, tự chủ tuyển sinh theo luật. Với các phương thức xét tuyển sớm, nhiều trường đã gọi thí sinh trúng tuyển với lượng khá lớn nên chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều.
Rõ ràng, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn ý nghĩa nhiều. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT có thể tính tới cải tiến, trả lại đúng bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi này hoàn toàn có thể do trường phổ thông hoặc sở GD-ĐT tổ chức. Bộ nên giao cho mỗi địa phương tự ra đề, tự xác định thời gian thi, tự tổ chức thi, tự coi thi, tự chấm thi, tự xét tốt nghiệp THPT.
Khi đó, Bộ GD-ĐT chỉ giữ vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi, hậu kiểm kết quả thi ở các địa phương. Kết quả kỳ thi chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT. Việc tuyển sinh đại học do các trường tự quyết!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận