12/09/2022 09:32 GMT+7

Khi thầy cô... đi xin

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đó là những thầy cô làm trong các phòng quan hệ đối ngoại hay quan hệ doanh nghiệp của các trường đại học. Họ phải lân la các doanh nghiệp, cá nhân để xin học bổng cho sinh viên.

Khi thầy cô... đi xin - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh (giữa) cùng các thầy cô trong khoa thường “săn” học bổng cho sinh viên - Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Có thầy cô mang về hàng chục, trăm triệu đồng từ doanh nghiệp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Những bước chân âm thầm

Khi mùa đóng học phí đầu năm chuẩn bị đến, ThS Nguyễn Thị Hoàng Oanh - trưởng phòng quan hệ quốc tế, kiêm phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) - cùng các cộng sự cũng bước vào chặng nước rút trong "cuộc đua" tìm nguồn học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Với thế mạnh là chuyên môn tiếng Hoa, cô Oanh thường đưa thông tin về các sinh viên cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc trên địa bàn. 

Một số doanh nghiệp sẽ đưa thẳng tiền vào quỹ học bổng của trường. Số khác lại đề nghị trực tiếp sẽ giúp đỡ những em cụ thể sau khi đã xét kỹ danh sách. Cô cho biết hiện khoa đã vận động được trên 500 triệu đồng cho sinh viên trong năm nay.

Hơn một thập niên dấn thân vào "nghiệp" xin học bổng, cô Oanh nhớ lại những ngày đầu mình sợ và ngại vô cùng khi tiếp cận các doanh nghiệp để hỏi chuyện tiền bạc. Một vài công ty ban đầu nghe cô "thuyết giảng" cũng không khỏi băn khoăn. Chưa kể một số người nói ra nói vào, người thì hô rảnh đi làm việc "thiên hạ", người lại bĩu môi: "Giảng viên mà đi gặp người ta hỏi tiền bạc hổng thấy kỳ sao?".

"Nhưng rồi có cảm giác những khi muốn chùng xuống bởi những nỗi sợ, nỗi ngại trên là tôi lại gặp những sinh viên rất cần được giúp. Lần đó, một người cho tôi biết trường hợp của hai tân sinh viên sinh đôi sắp phải bỏ học vì ba mẹ làm mướn không đủ tiền. Người giới thiệu nhắn nhủ nếu không được hỗ trợ, hai em sẽ lại trở thành những nông dân không thoát ra được cuộc đời làm mướn. Nghe vậy thì không thể không ráng giúp, chẳng còn sợ gì nữa. Rất vui là năm nay theo kế hoạch hai chàng trai này sẽ tốt nghiệp đại học - cô Oanh nói.

Trong khi đó, niềm vui của ThS Lê Đình Trung - phó trưởng bộ môn nhiệt lạnh, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - sau nhiều năm "săn" học bổng cho sinh viên là những email cảm ơn chân thành của những cô cậu học trò gửi đến. Trung bình mỗi năm, thầy Trung "xin" được khoảng 60-80 triệu đồng từ các doanh nghiệp quen biết cho sinh viên nghèo khó trong khoa.

"Nếu chỉ có một nguồn học bổng từ trường sẽ không đủ cho nhu cầu của sinh viên trong khoa. Thấy có nhiều bạn thiếu thốn, tôi nghĩ cách xin thêm chút đỉnh. Lúc đầu, tôi kêu gọi trên Facebook và mấy chỗ quen biết. Từ từ họ cũng tin tưởng và đóng góp nhiều hơn vào các chương trình học bổng chúng tôi phát động" - thầy Trung chia sẻ.

"Cẩm nang" xin học bổng

ThS Lê Văn Hinh - trưởng phòng hợp tác phát triển Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết thường thì sẽ có một số trường hợp các doanh nghiệp tự tìm đến trường để cấp học bổng, còn lại đều phải chủ động đi "cầu người". Không phải ai cũng làm được việc "mời" các công ty hay tổ chức tham gia tài trợ học bổng, bởi một "thợ săn" học bổng cho sinh viên đòi hỏi nhiều yếu tố trong đó có khả năng tạo thiện cảm, khả năng thuyết phục và nhất là tâm lương thiện.

Theo thầy Hinh, họ cũng nên có cái duyên trong giao tiếp, có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa. Mới đây, một tổ chức của Đức có đến gặp các thầy để bàn chuyện hợp tác. Biết người Đức chuộng uống bia, cuối ngày, thầy Hinh và đối tác vào quán rồi "chốt" luôn chuyện sẽ cấp học bổng cho sinh viên. 

"Nhưng để duy trì lâu dài, cần có mối quan hệ "win-win", tức cả hai đều có lợi. Không thể ngồi không tới lúc mình cần học bổng thì mới réo họ. Xin như thế không ai cho" - thầy Hinh nói.

Tương tự, cô Oanh thường xuyên chat với các doanh nghiệp, liên tục cập nhật tình hình xem họ có cần giúp đỡ gì từ phía nhà trường hay không. Có khi họ cần những sinh viên tình nguyện sang hỗ trợ dịch thuật cho sự kiện đột xuất. Khi thì cần tăng thêm các bạn thực tập, lúc thì nhờ hỗ trợ đăng tin tuyển dụng. "Khi đã thân thiết, họ có thể nhờ với tư cách cá nhân. Có hôm tôi hỗ trợ một bên đối tác đi phòng mổ hay hỏi thăm thủ tục tại Bệnh viện Từ Dũ" - cô kể.

Theo cô Oanh, một trong những mấu chốt để "giữ mối" trao học bổng là phải cho doanh nghiệp thấy được "người thật, việc thật" đã được giúp đỡ bằng tiền của họ. Cô tạo hẳn một nhóm Zalo riêng cho đại diện các doanh nghiệp và nhà trường. Khi bất kỳ khoản tiền nào của họ được chi hỗ trợ, trường sẽ gửi thông báo tên tuổi từng sinh viên cụ thể đã được thụ hưởng.

Nhịp cầu

TS Hồ Khánh Vân - phó trưởng khoa văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết những năm về trước, cố GS Hoàng Như Mai đã sáng lập nên quỹ học bổng cho các sinh viên của khoa, nay có tên gọi "Quỹ hỗ trợ sinh viên ngữ văn của Khoa Văn học".

Tự nhận không rành về chuyện lên kế hoạch tài chính hay vận động quyên góp, cô Vân cùng nhiều đồng nghiệp chọn cách tiếp cận "trái tim đến trái tim". "Chúng tôi cảm thấy vai trò của mình đúng là một nhịp cầu. Không chỉ đơn giản nối những người cần giúp đỡ vật chất với những người có điều kiện, mà còn nối cả tình cảm chân thật giữa người với nhau" - cô Vân chia sẻ.

Cần đồng đội tâm huyết

Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, chuyện xin tài trợ cho sinh viên muốn đi đường dài thì không thể làm độc lập mà phải có đồng đội. Các giảng viên trong khoa Đông phương học của cô Oanh đã đi cùng nhau gần 10 năm qua. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm một việc. Thầy cô chủ nhiệm thường nắm thật sát tình hình của từng em và sớm có những chia sẻ kịp thời. Có những thầy cô bỏ công góp ý cho từng bộ hồ sơ của các em.

"Chúng tôi kề vai sát cánh cùng nhau, cuối cùng cũng chỉ vì điều tốt nhất cho sinh viên của mình" - cô Oanh nói.

Xin học bổng để sẻ chia cho người khác Xin học bổng để sẻ chia cho người khác

TTO - Nữ sinh 'khó khăn toàn diện' là lời của cô Cao Thị Bích Ngọc, giáo viên dạy văn Trường THPT Phạm Văn Đồng (P.Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nói về hoàn cảnh của Nguyễn Thị Ngọc Liên, tân sinh viên Trường đại học Nha Trang.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp