Dù sức khỏe kém nhưng NSƯT Thanh Sang vẫn vào vai Cang cùng nghệ sĩ Phượng Liên (vai Hương) trong vở Nửa đời hương phấn. Sau cảnh diễn này, ông đã phải nhập viện để cấp cứu - Ảnh: NGUYỄN LỘC |
1. Bỏ qua những lo ngại, từ “món quà” mà Buffalo nhận được, chợt nhớ soạn giả Đăng Minh có lần tâm sự: “Nghề hát này hay lắm, ngoài tài năng mình phải biết thương nghề, trân quý nghề, xem nghề là đạo thì sẽ có một ngày tổ soi sáng để mình thu hoạch được trái lành.
Từ khi tiếp xúc với nghề hát, sân khấu, tôi đã rất mê và thương nghề lắm. Thương nghề, nghề sẽ không phụ! Nhìn nhận lại cuộc đời của mình, tôi nghiệm rằng mình quá thương nghề nên ít nhiều đều đạt thành công!”.
Lại nhớ đến cố NSƯT Thanh Sang. Năm 2015, nghệ sĩ trẻ Gia Bảo thực hiện vở cải lương Nửa đời hương phấn mời rất nhiều nghệ sĩ tài danh tham gia, trong đó nghệ sĩ Thanh Sang vai Cang.
Dù yếu trong người, NSƯT Thanh Sang vẫn cố gắng tập dượt đầy đủ cùng mọi người. Trước một cảnh cuối của vở diễn, ông bị tụt huyết áp phải trải chiếu nằm dưới sàn cánh gà, đến lúc phải ra diễn, dù vợ can ngăn ông vẫn cương quyết bước ra sân khấu để hoàn thành hết vai diễn.
Ông hát ở ngoài sân khấu mà trong cánh gà tất cả mọi người đều nín thở theo dõi. Cảnh Cang khoác áo vest mà ông lảo đảo mãi không làm được, nghệ sĩ Hà Linh phải từ trong cánh gà bước ra thoại vài câu rồi cùng NSƯT Minh Vương dìu ông vào trong.
Lúc này, người nhà chờ sẵn và bế ông ra xe cấp cứu luôn. Lần đó, ông hôn mê suốt 17, 18 ngày mới tỉnh.
Theo lời kể của vợ ông, sau đó một thời gian, Gia Bảo có mời tiếp một vở diễn khác, ông hỏi ý kiến vợ nhưng bà cương quyết không đồng ý vì quá lo cho sức khỏe của ông.
Thấy ông buồn hiu, bà an ủi: “Sức khỏe anh không đảm bảo, lỡ nhận rồi xảy ra sự cố thì làm hư tuồng của người ta”. Nghe bà nói vậy, ông đành quay mặt đi.
Vậy chớ ở nhà rảnh ông lại bật tivi coi nghệ sĩ trẻ hát rồi tự ngồi nói một mình: Sao cái tay nó giơ lên kỳ vậy? Chỗ này phải bỏ nhỏ vậy mới hay... Ông cứ nói một mình hoài vậy tới chừng nào hết tuồng thì thôi...
2. Một giọng ca “không có tuổi thanh xuân” trong làng cải lương là NSƯT Hữu Quốc. Khi vào lớp đào tạo của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lúc 13 tuổi, giọng Quốc rất khỏe và được giao nhiều vai kép con.
Thế nhưng lúc 14 tuổi, Quốc bị vỡ giọng, từ ồ ồ rồi bất ngờ chuyển sang... già hẳn. Định mệnh đó khiến Quốc gắn bó với vai lão từ khi còn rất trẻ. Anh từng nói: “Coi như tôi không có tuổi thanh xuân, từ những vai con nít tôi đi một lèo qua những vai già!”.
Biết chấp nhận và cũng là biết khai phá sở trường của mình, Quốc đã có những vai lão rất hay và đoạt giải ở nhiều cuộc thi nghề nghiệp.
Thái độ làm nghề nghiêm túc đã khiến Quốc được các nhà sản xuất game show liên quan đến cải lương tín nhiệm và mời anh vào vai trò đạo diễn, gần nhất là chương trình Đường đến danh ca vọng cổ được nhiều khán giả chú ý. Ông Năm trở thành nickname được khán giả hâm mộ trìu mến gọi Quốc.
3. Một vở kịch luôn đốt cháy phòng vé là vở kịch Tấm Cám ở sân khấu Idecaf, từ năm ngoái đến năm nay vẫn chưa hạ nhiệt. Vở nặng tính náo kịch với những màn quăng bắt nhịp nhàng của hai NSƯT Thành Lộc - Hữu Châu (vai Cám và mẹ Cám).
Nghệ sĩ Thành Lộc - Hữu Châu “nhí nhố” trong Tấm Cám ra sao thì trên sàn tập họ khó khăn bấy nhiêu. Khi NSƯT Mỹ Duyên (vai Tấm) rải cơm xuống giếng cho cá bống ăn thì Thành Lộc yêu cầu cô ngừng lại và hướng dẫn:
“Khi em rải là rải cơm chứ không phải rải gạo. Rải gạo thì nó rớt ra liền, còn cơm sẽ có độ dính ở đầu ngón tay. Em phải rải sao để thể hiện được điều đó!”.
Ở cảnh “bà Cám” mê đắm hoàng tử, Thành Lộc, Hữu Châu cũng bắt các diễn viên trẻ phải tập thật kỹ, không được diễn vội, diễn lướt để tạo cho lớp diễn những cao trào, gây “ép phê” khán giả.
Tài năng thôi chưa đủ, lòng thương nghề, quý nghề, có trách nhiệm với nghề nghiệp, với khán giả sẽ giữ cho nghệ sĩ sống lâu trong lòng công chúng.
Điều tưởng đơn giản ấy vậy mà không phải ai cũng nhận ra, nhất là trong guồng quay hối hả hiện nay, khi nhiều giá trị ảo nhấn chìm sự chân thật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận