Phóng to |
Tranh minh họa (tư liệu TT) |
Đám đông công chúng cần thần tượng và điều ấy đúng ở khắp mọi nơi. Ở Mỹ hay châu Âu, Hàn Quốc hay Việt Nam đều có những đám đông cuồng dại đến mức không thể hình dung nổi vì những hình ảnh huyền thoại nào đó.
Thần tượng hay tưởng tượng?
Theo Gustave Le Bon, sự xuất hiện các huyền thoại dễ lan truyền trong đám đông không chỉ hoàn toàn do sự cả tin mà còn do sự bóp méo khủng khiếp các sự kiện trong trí tưởng tượng của đám người tụ tập lại với nhau.
Một sự kiện đơn giản, nhưng nếu đám đông chợt nhìn thấy lập tức sẽ trở thành một sự kiện bị bóp méo. Đám đông tư duy bằng các hình ảnh và khi một hình ảnh hiện lên sẽ kéo theo một chuỗi hình ảnh khác, không hề có mối liên hệ logic với hình ảnh đầu tiên.
Và cũng do đám đông không có khả năng phân biệt được giữa chủ quan và khách quan nên luôn coi những hình ảnh xuất hiện trong tâm thức của nó, cái thường chẳng giống gì với thực tại quan sát được là sự thật.
Khi người ta đã quen với hình ảnh một ngôi sao sống trong nhung lụa, ở biệt thự, đi xe hơi, mặc đồ hiệu thì họ sẽ không thể chịu đựng được cảm giác phũ phàng khi phát hiện thần tượng của cả một quãng đời thanh xuân của mình lại là một người già nua bệnh tật đang vỡ nợ và cầu xin sự thương hại của tất cả mọi người.
Đó là một sự đổ vỡ từ bên trong, một sự phủ nhận quá khứ của chính người quan sát chứ không còn là một cá nhân nào đó nữa. Bởi nói cho cùng thì cái mà con người khó chấp nhận nhất lại chính là những lầm lạc của chính bản thân mình.
Ngôi sao hiểu cách làm chủ đám đông
Những thần tượng thường sống một cuộc sống khác với tất cả những người khác. Cho nên đám đông khó chấp nhận những chuyện bất thường xảy ra với các thần tượng.
Những chuyện của một số nhân vật của showbiz VN thời gian gần đây, từ chuyện Siu Black trốn nợ số tiền rất lớn của nhiều người, Phước Sang nợ nần không trả được, Đan Trường làm album bằng tiền đóng góp của "fan ruột", cho đến chuyện Chánh Tín lên báo chí xin người hâm mộ đóng góp tiền để ông chuộc lại nhà, tiếp tục kinh doanh… cũng không ngoại lệ.
Người ta đã quen nhìn các ngôi sao của mình dưới ánh đèn sân khấu, trong những lớp phấn son dày cộp, mặc những bộ đồ sang trọng dù may bằng chất liệu rẻ tiền.
Và những nhân vật ấy mới đời thường làm sao khi không còn phấn son, khi mặc đồ xoàng xĩnh ở nhà, khi khóc khóc mếu mếu và bị quay bằng các camera rẻ tiền của phóng viên.
Hơn ai hết, những ngôi sao showbiz rất hiểu cách làm chủ đám đông. Dù không được đào tạo nhưng bản năng thiên phú cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề đã giúp họ thành thạo cách tạo nên ấn tượng trong trí tưởng tượng của đám đông.
Đám đông không có khả năng tư duy logic, và sự kiện phải được dồn nén lại thành một hình ảnh cô đọng, một hình ảnh có thể thỏa mãn và chinh phục được tâm trí.
Antonius không cần đến những bài hùng biện trừu tượng để kích động nhân dân chống lại những kẻ đã sát hại Caesar. Ông ta chỉ đọc cho họ nghe di chúc và cho họ xem thi hài của Caesar.
Kỹ năng diễn xuất hoàn hảo cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình của truyền thông đã góp phần đưa một số việc thật ra rất nhỏ trở thành rất quan trọng trong đời sống còn bộn bề khó khăn của cộng đồng.
Tất nhiên sẽ có nhiều người có ý kiến khác nhau về việc này. Ai đó có thể cho rằng các ngôi sao là những người đặc biệt và không thể đối xử với họ như với một chị phụ nữ có chồng chết phải nuôi hai đứa con bệnh tật, hoặc một thằng bé nhà quê phải đi bán vé số nuôi cha mẹ bệnh tật được.
Thế nhưng, nói thế nào chăng nữa thì ở thế kỷ 21 này con người phải bình đẳng trước pháp luật, dù có là ai chăng nữa thì cũng phải tuân thủ các quy tắc mà cộng đồng đã và đang tuân thủ.
Không thể chỉ vì anh kiếm sống bằng những hình ảnh của chính mình mà lại được quyền đứng trên luật pháp và quyền lợi của những tổ chức và cá nhân khác.
Để rồi sau những ầm ĩ, những thần tượng vỡ nợ, trốn nợ, không chấp nhận thi hành án lại lẩn đâu mất trong đám đông ngoài kia.
Họ dường như chẳng chịu một chút trách nhiệm nào với những khổ chủ đã mất đi những số tiền khổng lồ trong khi những khổ chủ đó mới là người chẳng có chút tội lỗi nào ngoài việc đặt lòng tin mù quáng vào những thần tượng của mình.
Tại sao lại như thế? Tại sao tòa án không xét xử, báo chí không xem xét khía cạnh pháp lý của vấn đề? Mọi việc cứ chìm dần chìm dần, người ta chỉ còn nhớ hình ảnh thảm hại về những ngôi sao nhăn nhúm của mình mà quên đi biết bao số phận thảm thương khác bị bẹp dúm dưới những món nợ khổng lồ mà các ngôi sao ấy đã phủi tay giũ bỏ trách nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận