23/11/2011 09:46 GMT+7

Khi tai nạn giao thông được gọi là "quốc nạn"!

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Vậy là sau nhiều năm liên tục với hơn 1 vạn mạng người mất đi mỗi năm, lần đầu tiên tai nạn giao thông đã được gọi đúng tên là “thảm họa”, đặt đúng tầm của nó là “quốc nạn” như trong bản báo cáo của Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội ngày 21-11, hai ngày trước khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đăng đàn trả lời chất vấn hôm nay 23-11.

Cũng chính trong chiều 21-11 đó, trong một ngôi làng nhỏ nghèo khó ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, người viết bài đã dự đám tang của một cô gái vừa bị tai nạn giao thông (TNGT) chết đúng vào sinh nhật tuổi 21 của cô. Cô tên là Lê Thị Ái Kiều, con của một gia đình nông dân nghèo nhất làng. Và dù tận cùng khổ cực nhưng cô bé đã được bố mẹ nuôi ăn học, vừa tốt nghiệp cao đẳng kế toán.

Mới ra trường cô đã may mắn tìm được việc làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Cả gia đình coi cô là niềm hi vọng. Vậy rồi chỉ một tích tắc trong sáng 20-11, một chiếc xe bồn chở bêtông tươi đã tông vào cô. Tuổi thanh xuân của cô bị cướp mất vô cùng oan ức, niềm hi vọng của cả gia đình nông dân khó nghèo ấy bị tước bỏ. Có tận mắt chứng kiến nỗi đau thương tột cùng ấy mới hiểu mỗi mạng người mất đi vì TNGT thật sự là một thảm họa với mỗi gia đình.

Không thể dẫn chứng hết những ví dụ như thế khi mỗi năm có hơn 11.000 thảm họa giáng xuống những gia đình trên đất nước này, chưa kể con số người bị thương và những hệ lụy kéo theo... Chính vì vậy, bản báo cáo của Chính phủ đã so sánh số người chết vì TNGT hằng năm ở VN với động đất, sóng thần tại Nhật Bản vừa qua bằng 75,55% (số người chết do thảm họa sóng thần là 15.790 người), còn số người bị thương vì TNGT bằng 156,58% so với số người bị thương do thảm họa sóng thần (5.933 người) để gọi đúng tên TNGT thật sự là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn.

Và khi đã coi TNGT là “quốc nạn” hẳn nhiên Chính phủ phải có phương án để giải quyết đúng tầm “quốc nạn”, với tâm thế của một cuộc ra trận quyết liệt không nhân nhượng. Cần có những điều tra khoa học để xác định nguyên nhân của tình trạng TNGT khủng khiếp ở nước ta, do hạ tầng đường sá, do phương pháp tổ chức giao thông hay do ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông?

Một hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội tuần trước về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu bia” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu tổ chức đã đưa ra con số 40% các vụ tai nạn giao thông ở VN có liên quan đến rượu bia, trong khi đó sản lượng bia của VN hiện nay là 2,5 tỉ lít và dự kiến lên 4 tỉ lít trong năm 2015!

Tương tự như thế, hình ảnh những con đường từ cao tốc đến cấp phối vừa đưa vào sử dụng một thời gian đã lổn nhổn ổ voi ổ gà, không chỉ nói lên chất lượng thi công yếu kém mà sâu xa hơn là do nguồn kinh phí thi công bị ăn bớt, thất thoát! Và làm sao giảm thiểu được TNGT khi trên những tuyến đường vẫn còn chuyện đưa và nhận tiền mãi lộ, những tài xế đã được chủ xe bao “hai mạng mỗi năm”(!), những người dân vốn không quen chấp hành luật lệ giao thông như một thói quen cố hữu!

So sánh số người thiệt mạng vì TNGT ở VN với số người chết do thảm họa kép sóng thần - động đất ở Nhật để định đúng tầm mức hết sức nghiêm trọng của TNGT ở nước ta: thảm họa. Nhưng chuyện động đất - sóng thần của nước Nhật là chuyện bất khả kháng, còn TNGT là điều hoàn toàn có thể tránh được. Khi đã gọi đúng tên, định đúng mức, mong rằng cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc với quyết tâm cao cùng những quyết sách quyết liệt, khẩn cấp. Và mọi người dân hãy cùng chung tay vào cuộc đấu tranh với quốc nạn - TNGT - để không còn những cái chết oan uổng như cô sinh viên tuổi 21 ở Quảng Trị.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp