Năm 2023, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thành lập khoa Khoa học liên ngành. Khoa này có nhiệm vụ phối hợp biên soạn chương trình, đào tạo khối kiến thức giáo dục đại cương.
Đưa chuyên ngành vào năm nhất
Phát biểu tại lễ thành lập khoa, bà Ngô Thị Phương Lan - hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết phân tích nội bộ của trường cho thấy chương trình đào tạo đại cương ở năm nhất gây nhàm chán là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên bỏ học.
Cũng theo bà Lan, trường đã điều chỉnh bằng cách đưa các môn chuyên ngành vào chương trình đào tạo năm nhất, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Khối kiến thức đại cương phải là tổng hòa của nhiều kiến thức khác nhau. Trường kỳ vọng khối giáo dục đại cương phải là khoa học về chương trình đào tạo, giảng viên phải là tốt nhất, truyền lửa cho sinh viên để vượt qua định kiến giáo dục đại cương nhàm chán.
Nói thêm về sự thay đổi trong sắp xếp chương trình đào tạo này, ông Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết nếu như trước đây ba học kỳ đầu sinh viên học đại cương, đến học kỳ 4 mới học cơ sở ngành thì hiện nay các môn cơ sở ngành được đưa vào dạy ngay từ năm nhất.
"Sinh viên năm nhất vô học toàn đại cương dễ bị dội, ngán. Việc sắp xếp các môn cơ sở ngành vào năm nhất ngoài việc giúp sinh viên đỡ chán, còn giúp sinh viên hiểu được ngành nghề mình chọn. Sinh viên biết được ngành này yêu cầu những kiến thức, kỹ năng nào, yêu cầu khi làm việc ra sao" - ông Hạ cho nói.
Nhiều trường đại học khác như Công thương TP.HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Tôn Đức Thắng... cũng đã đưa các học phần cơ sở ngành, định hướng nghề nghiệp ngay từ học kỳ đầu tiên, không hoàn toàn đại cương như trước đây.
Ông Thái Doãn Thanh - phó hiệu trưởng Trường đại học Công thương TP.HCM - cho biết nếu như trước đây các học kỳ đầu học đại cương thì nay các môn này được rải đều vào nhiều học kỳ. Những môn cơ sở ngành được đưa vào giúp sinh viên tiếp cận ngành nghề, đỡ nhàm chán.
Chương trình đào tạo cần điều chỉnh
Nhiều năm làm công tác sinh viên, hướng nghiệp tuyển sinh, bà Lê Thị Thanh Mai - nguyên trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM - nhận định không chỉ sắp xếp lại chương trình đào tạo mà bản thân chương trình đào tạo các trường cũng cần điều chỉnh.
Theo bà Mai, có những khối kiến thức không cần thiết, không biết học để làm gì. Chẳng hạn sinh học, marketing cũng học toán cao cấp... Một sinh viên chọn đúng ngành, có đủ đam mê sẽ vượt qua được những môn học khó nhằn giai đoạn đại cương. Nhưng nếu sinh viên chọn sai ngành, chương trình đào tạo nhàm chán, họ khó vượt qua được.
Liên quan đến sắp xếp, thay đổi chương trình đào tạo, ông Huỳnh Thế Nguyễn, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Tài chính - Marketing, cho biết hiện nhiều trường đã đưa các môn cơ sở ngành vào đào tạo. Hiện nay, học kỳ 1 của trường toàn bộ là các môn đại cương, có một số môn kỹ năng, tiếng Anh.
Theo logic và cơ sở khoa học, sinh viên phải học đại cương - cơ sở ngành - chuyên ngành. Trường đang rà soát chương trình đào tạo để sắp xếp lại theo logic khoa học.
Những môn cơ sở ngành không cần điều kiện tiên quyết để tiếp cận (phải nắm kiến thức này mới học được kiến thức kia) sẽ đưa vào dạy ở năm thứ nhất. Theo dự kiến, chương trình đào tạo mới của Trường đại học Tài chính - Marketing có nhiều thay đổi trong tỉ trọng các khối kiến thức. Trong đó, kiến thức đại cương giảm từ 34 xuống còn 26 tín chỉ. Trường bỏ học phần tiếng Anh tổng quát, toán cao cấp và tin học ứng dụng. Khối kiến thức cơ sở ngành dự kiến tăng từ 24 lên 39 tín chỉ. Khối kiến thức chuyên ngành dự kiến giảm từ 24 xuống còn 15 tín chỉ.
Bên cạnh việc thay đổi chương trình đào tạo, định hướng giúp sinh viên hiểu rõ nghề nghiệp ngay từ năm nhất cũng rất quan trọng. L.T.M. vừa hoàn thành năm nhất ngành khoa học máy tính tại Trường đại học Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM). M. cũng vừa nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành quản trị nhân lực Đại học Kinh tế TP.HCM. M. nói sau một năm học thì nhận ra mình không hợp với ngành khoa học máy tính. M. không phải là trường hợp cá biệt khi vào học mới nhận ra không hợp với ngành. Dù mất thời gian, công sức và tiền bạc nhưng M. đã quyết định chọn lại ngành khác.
Ở khía cạnh trường đào tạo, ông Nghiêm Quý Hào - giảng viên, phụ trách hợp tác doanh nghiệp của khoa tài chính ngân hàng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết ngay từ năm thứ nhất, trong sơ đồ đào tạo, khoa đã chủ trương tăng cường các học phần có tính chất hướng nghiệp, chuyên đề hướng nghiệp, mời các chuyên gia, doanh nhân thành đạt, các anh chị cựu sinh viên thành đạt về nói chuyện chuyên đề, định hướng nghề nghiệp. Từ đó giúp sinh viên có cái nhìn tổng thể, nhận biết ưu điểm, thuận lợi, thách thức, gian khó của nghề nghiệp... Sinh viên sẽ nhận ra có hợp với ngành mà mình đã chọn hay không để quyết định tiếp tục học hay thay đổi.
Giảm sinh viên bỏ học sau năm nhất
Ông Quách Thanh Hải - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho biết nhiều năm qua trường đưa môn nhập môn ngành vào học kỳ đầu tiên. Môn này giúp sinh viên hiểu được ngành nghề, tiến độ học tập, kiến thức và kỹ năng cần thiết. Quan trọng là sinh viên được làm thử, tạo ra sản phẩm.
"Sinh viên nói đây là môn học vui nhất, thú vị nhất. Điều này đã giảm hẳn tình trạng sinh viên chuyển ngành sau năm nhất" - ông Hải nói. Dĩ nhiên các môn đại cương vẫn có nhưng trường rải đều các học kỳ, không tập trung vào 1, 2 kỳ. Ngoài ra, môn toán cũng được dạy theo hướng ứng dụng chứ không phải toán cao cấp, giảm căng thẳng cho sinh viên.
Tương tự, ông Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết sắp xếp chương trình đào tạo của trường có nhiều thay đổi. Trong đó học kỳ 1 sinh viên sẽ học nhập môn kỹ thuật, tự làm sản phẩm giúp sinh viên cảm nhận nghề nghiệp xem mình có phù hợp hay không. Các môn cơ sở ngành cũng được xen vào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận