31/10/2020 09:44 GMT+7

Khi phụ huynh mầm non đứng lớp

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - “Ôi, ba của bạn Thùy Dương, ba bạn ấy là chú công an kìa. Chú công an hôm nay vào lớp mình, mình sẽ được trò chuyện và ngồi gần chú. Thích quá!”.

Khi phụ huynh mầm non đứng lớp - Ảnh 1.

Phụ huynh Miller Nguyen Andrew - có con học lớp lá Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) - đến trường dạy lớp con làm bánh pizza và các từ tiếng Anh đơn giản - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Các em lớp lá Trường mầm non Họa Mi 3 (Q.5, TP.HCM) reo vui khi lớp đón các "thầy cô" mới. Họ chính là phụ huynh của học sinh trong lớp, được nhà trường mời tới đứng lớp một số tiết học đặc biệt.

Được phụ huynh, là ba là mẹ của bạn mình vào lớp dạy học, các con không chỉ thích ngay lúc đó mà còn tiếp nối sự thích thú đến tận chiều, thậm chí sang cả ngày hôm sau. Ba mẹ đến cổng đưa đón thôi, các con đã hò reo lên. Mỗi phụ huynh làm những công việc khác nhau, khi đứng lớp sẽ truyền cảm hứng học tập cũng như nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp cho các con.

Cô NGUYỄN BÍCH THỦY (hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM)

Những tiết học lung linh

Cô Nguyễn Bích Thủy, hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3, cho biết trước khi phụ huynh đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm đã giới thiệu cho các con về "thầy cô giáo" một cách tò mò, bí mật: "Hôm nay, cô sẽ không trực tiếp hướng dẫn các con những động tác thể dục cơ bản để bảo vệ sức khỏe mà là một chú công an, chú có sức khỏe tốt để làm nhiệm vụ, bảo vệ đất nước". Cô giáo chỉ vừa nói đến đó, các con thấy phụ huynh xuất hiện bước vào lớp trong bộ quân phục, thế là các con nắm tay chạy nhảy tưng bừng quanh lớp và nhận ra ngay là ba, mẹ của bạn nào.

Phụ huynh là chú công an sẽ có "tiết dạy" những động tác thể dục, những lời giới thiệu, giải thích, kể cho các con nghe những công việc của công an. "Cuối cùng, phụ huynh cùng giáo viên chốt vấn đề, hoạt động trọng tâm của bài học. Các con vô cùng thích thú, dễ nhớ và nhớ rất lâu" - cô Thủy nói.

Ở lớp lá 1 Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM), để giúp các con biết một số nguyên liệu làm bánh, biết kỹ năng làm việc nhà và lồng ghép một số từ vựng tiếng Anh đơn giản, cô giáo Đỗ Hoàng Phương Thảo mời anh Miller Nguyen Andrew - phụ huynh bé Miller Ma Jonah. "Tôi mời phụ huynh là người nước ngoài hướng dẫn làm bánh pizza bằng tiếng Anh. Trước đó phụ huynh có 2 tuần chuẩn bị, sau đó thống nhất với giáo viên để thể hiện trước lớp cho các con xem. Tôi cũng thông báo cho những phụ huynh khác cùng đến tham dự, học cùng con" - cô Thảo nói.

Phụ huynh Miller Nguyen Andrew đã có 30 phút nhào nặn bột, làm bánh, mỗi động tác, mỗi nguyên liệu đưa ra, phụ huynh giới thiệu các từ vựng, hò reo vừa học vừa chơi nên các con rất hứng thú.

Tương tự, một số trường mầm non ở Q.10 cũng có sáng kiến lên những tiết dạy học để vừa thay đổi không khí vừa thu hút học trò. Cô Thanh Hương, giáo viên một trường mầm non ở Q.10, cho hay: "Khi giới thiệu cho các con về cảnh vật, tôi sẽ mời phụ huynh là kiến trúc sư, chuyên về sân vườn; hay khi học vẽ sẽ có phụ huynh là họa sĩ cùng dạy các con; hoặc là phụ huynh am hiểu âm nhạc, người dạy ở trường nhạc sẽ vui hát, dạy nhạc cho các con. Trước khi phụ huynh dạy, tôi nêu kế hoạch và mục đích cho phụ huynh nắm rõ để đi đúng hướng".

Người thật việc thật

Cô Thủy phân tích: "Ba mẹ các con là người thật việc thật, khi truyền tải sẽ thú vị và dễ đạt được mục tiêu bài học hơn. Giáo viên có khi không đạt được điều này vì không chuyên sâu, không trải nghiệm, không có nhiều thời gian để chuẩn bị chỉn chu".

Câu chuyện học trò khối lớp lá ở trường mầm non Q.10 liên tục hỏi khi nào có ba mẹ con, ba mẹ bạn Dung, bạn Thi vào lớp dạy khiến cho cô Thanh Hương phải tự linh động hoán đổi tiết dạy, đáp ứng sự chờ đợi của các con. "Theo phân phối chương trình là chưa đến tiết, nhưng học được một hôm có ba mẹ dạy tại lớp, các em bắt nhịp và đầy hào hứng nên tôi phải đẩy tiết lên để mời phụ huynh, cứ 3-4 tuần một lần. Tôi cũng vui vì được phụ huynh lấy thế mạnh để hỗ trợ cho mình" - cô Hương nói.

Phụ huynh tham gia đứng lớp, lẫn phụ huynh ngồi dự học cùng con, đều rất hứng khởi. Một phụ huynh từng dạy vẽ ở lớp con cho biết: "Tôi dự lớp con học nhạc, thấy phụ huynh kia làm tốt quá, đóng góp tích cực cho lớp, cho chính con mình nên tôi cũng muốn đứng lớp".

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (phụ huynh bé Ngọc Ánh, lớp lá 4 Trường mầm non Bé Ngoan, Q.1) dù rất bận rộn nhưng luôn sắp xếp thời gian để đến với lớp học. "Giả sử trong 10 tiết mà phụ huynh dạy, tôi cố gắng phải dự được 1 tiết. Được vào trường với con, hiểu được cách sinh hoạt của con ở lớp, tôi rất thích. Tiết học làm bánh, học kỹ năng làm việc nhà, học tiếng Anh, tôi chứng kiến và mong có nhiều tiết hơn như thế, bởi cảm giác học mà như một gia đình" - chị Trang chia sẻ.

Nhà trường không đóng kín

Bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng việc phụ huynh đến trường tham gia dạy học là hoạt động cần thiết, nếu không mọi hoạt động của nhà trường chỉ đóng kín. "Từ đó, phụ huynh sẽ có chia sẻ với trường lớp về khó khăn, về những điều trường lớp cần. Từng lứa tuổi có những mục tiêu phát triển riêng, con lớn lên từng ngày, cha mẹ cần nắm được hoạt động nào là chủ đạo. Vì thế, giáo viên sáng tạo ở tiết dạy, phụ huynh sát với nhà trường để xây dựng những kỹ năng cho con, để trẻ không bị chông chênh, để cuối cấp mầm non có đầy đủ kỹ năng bước vào lớp 1" - bà Điệp nhấn mạnh.

Chỉ 44,4% trẻ mầm non ở nơi có khu công nghiệp được học trường công Chỉ 44,4% trẻ mầm non ở nơi có khu công nghiệp được học trường công

TTO - Vấn đề thiếu trường lớp, thiếu giáo viên rõ rệt ở một số vùng miền, chênh lệch về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non là những vấn đề được thảo luận tại hội nghị triển khai năm học bậc giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29-9.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp