21/01/2013 09:30 GMT+7

Khi ông chủ tịch tỉnh sửa sai

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Hành trình 14 năm khiếu kiện của Phan Thị Kim Phụng (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) hi vọng sẽ khép lại bằng một cái kết có hậu khi đích thân ông chủ tịch UBND tỉnh vào cuộc với quyết tâm sửa sai.

oP9VDamE.jpgPhóng to
Sáng chủ nhật, ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (người cầm thước đo trên bản đồ), tiếp Phan Thị Kim Phụng - Ảnh: P.Vũ

14 năm “vùi tuổi xuân trong chồng đơn khiếu nại”, gõ cửa tất cả các cơ quan chức năng, ăn ngủ ở các phòng tiếp dân, trình bày không biết mệt bất cứ khi nào được hỏi, Phan Thị Kim Phụng cứ lặp đi lặp lại mỗi khi gặp tôi: “Em muốn được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh để phân rõ trắng đen, sai đúng. Sau đó các anh, các chú phân định sao, dù có thiệt thòi gia đình em cũng chịu”.

Chủ tịch tỉnh chờ dân 1 giờ

"Đất của gia đình Phụng như vậy là nằm ngoài quy hoạch. Sai ngay từ đầu nên những cái sai cứ kéo theo, chồng lên nhau..."

Ông Lê Minh Hoan

Rồi chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đồng ý tiếp, buổi hẹn được xếp vào sáng chủ nhật 6-1-2013. Đi chiếc xe xuyên đêm từ TP.HCM, Phụng tới Cao Lãnh muộn hơn giờ hẹn một giờ. Vừa cất lời xin lỗi, ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã lắc đầu: “Không sao! Dân chờ 14 năm rồi, không lẽ chủ tịch chờ một tiếng không được sao”. Ông đã chuẩn bị để đối diện với một vụ việc khó khăn.

“Cả tuần nay tôi đã đọc lại hết hồ sơ, xem lại các bản vẽ quy hoạch để hiểu những bức xúc mà gia đình Phụng phải chịu đựng và để tìm ra điểm sai trong quá trình giải quyết. Tôi rất trăn trở và day dứt” - ông Hoan nói.

Được lời như cởi tấm lòng, những dồn nén từ 14 năm của Phụng tuôn ra bằng lời và bằng cả nước mắt. Mấy anh cán bộ tỉnh nhắc: “Bình tĩnh mà trình bày, đừng khóc, đừng bức xúc”, còn ông Hoan chia sẻ: “Bức xúc quá thì phải khóc, thôi, khóc đi rồi nói tiếp”.

Câu chuyện của Phụng vẫn là những câu chuyện cũ: thửa ruộng bị thông báo thu hồi nằm ngoài quy hoạch, bị khép tội “chống người thi hành công vụ”, Phụng và chị gái bị ra tòa và phải thụ án tù ở tuổi 19, ba căn nhà bị cưỡng chế giữa mùa nước nổi, những căn lều chông chênh xiêu vẹo dựng vội vàng bên sông khi nước ngập trắng đồng mà cả gia đình cô phải tá túc tạm bợ đến bây giờ, những chuyến đi như con thoi giữa Tháp Mười - Cao Lãnh - TP.HCM - Hà Nội với những chồng đơn khiếu nại, những ngày tháng lênh đênh phòng trọ...

Phụng khóc: “14 năm, cha tôi đã không chờ được đến ngày được chủ tịch tỉnh tiếp và lắng nghe mình trình bày như tôi ngày hôm nay, ông đã phát bệnh rồi mất. Giờ chỉ còn mẹ tôi. Mỗi lần cưỡng chế huyện đều cho xe cấp cứu đến chuẩn bị chở mẹ đi bệnh viện. Tôi mong mẹ tôi được thấy ngày đất nhà được trả lại, danh dự của chị em tôi được phục hồi”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan trải rộng trên bàn hai tấm bản đồ quy hoạch khu thương mại thị xã Trường Xuân: một là bản đồ 1/1.000 được trình Thủ tướng Chính phủ để duyệt quy hoạch, một là bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 được áp dụng thực tế và đang treo tại UBND xã Trường Xuân. Cây thước trong tay ông chỉ ngay vào thửa đất chạy dài của ông Bảy Bình (ba của Phụng): “Thửa đất này ở bản đồ 1/1.000 thì nằm trong quy hoạch, nhưng trên bản đồ 1/500 đã điều chỉnh và áp dụng thực tế thì nằm ngoài. Gia đình cô Phụng khiếu nại dựa trên bản đồ 1/500 này, các cơ quan chức năng giải quyết thì lại dựa trên bản đồ 1/1.000 này. Đất của gia đình Phụng như vậy là nằm ngoài quy hoạch. Sai ngay từ đầu nên những cái sai cứ kéo theo, chồng lên nhau...”.

Lời khẳng định của ông Lê Minh Hoan được chứng minh khi chỉ hai ngày sau, Phụng được lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp và chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp hẹn gặp.

Ông Lê Trung Hải - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp - đã có lời chính thức xin lỗi Phụng và Loan (chị gái Phụng) về những oan khuất mà hai chị em phải chịu đựng từ mười mấy năm về trước, khi họ còn rất trẻ. “Tôi xin lỗi và hết sức chia sẻ về những thiệt thòi của gia đình. Nay có lời với Phụng trước, xong xuôi mọi thủ tục, Công an tỉnh sẽ tổ chức cùng huyện, xã đến nhà xin lỗi công khai”.

Ông Nguyễn Thành Thơ - chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp - thì ngắn gọn: “Bên công an đưa công văn qua thừa nhận bắt oan sai thì tới lượt tòa án sẽ xin lỗi và bồi thường theo pháp luật”.

AQ4ee6qQ.jpgPhóng to
Bài báo về câu chuyện của Phan Thị Kim Phụng trên Tuổi Trẻ ngày 3-3-2006

“Xuống coi nhà con Phụng được trả đất”

“Bài học của chính tôi”

Chính ông Lê Minh Hoan khi còn là phó chủ tịch UBND tỉnh (năm 2006) đã ký một công văn trả lời khiếu nại của gia đình Phụng, khẳng định việc thu hồi đất của huyện Tháp Mười là đúng và yêu cầu gia đình “nghiêm chỉnh chấp hành”. Nhắc đến việc này, ông Hoan nói: “Tôi khi đó cũng chỉ coi qua báo cáo ở dưới đưa lên. Việc này khiến tôi rất day dứt và quyết tâm sửa sai. Câu chuyện của Phụng nhất định sẽ được chúng tôi đưa ra để làm một bài học, trước hết là bài học cho chính tôi”.

Chưa có khi nào đến nhà Phụng mà thấy cả nhà vui đến thế. Đường từ trụ sở UBND tỉnh về đến xã Trường Xuân hơn 40km, Phụng vừa tới nhà, giữa cái sàn ván bắc trên ao rau muống đã có một con vịt luộc vừa vớt ra khỏi nồi, khói bốc nghi ngút để bên bát nhang, lọ hoa cúc.

Bà Bảy lom khom bước ra, lau mắt: “Ông chủ tịch hứa giải quyết rồi hả, xong xuôi hết chưa? Trời ơi, mừng quá con ơi. Phải cúng trời Phật, thổ thần thổ địa, rồi ba mày nữa phù hộ cho mọi chuyện tốt đẹp”.

Chốc lát, những người hàng xóm đã mòn mỏi buông tay từ lâu trong việc khiếu nại, những người được huyện cắt đất bán nền trên thửa đất nhà ông Bảy Bình đã kéo đến chật gian nhà. Ai cũng háo hức muốn nghe Phụng kể về đoạn cuối của hành trình khiếu nại, nhiều người cứ hỏi đi hỏi lại: “Có thiệt không? Chừng nào trả đất, chừng nào xin lỗi? Nghe hứa nhiều lần rồi mà...”.

Cả Phụng cũng chưa dám tin rằng việc khiếu kiện của mình đã đến hồi kết. 14 năm, chừng như cô đã quen với việc đi lại giữa các văn phòng, gõ cửa và chờ đợi, giờ đã có thể cười vô tư để kể một niềm lạc quan đang đến: “Mấy anh ở văn phòng tiếp dân hỏi: Phụng hồi này làm gì, khá không? Em trả lời: Nghề chính của em mười mấy năm nay là đi kiện, khá không nổi”. Rành mạch lặp lại từng lời của ông chủ tịch tỉnh, Phụng không quên nói thêm: “Là mới nghe vậy thôi chứ chưa có gì cụ thể. Phải chờ thêm vài ngày nữa”.

14 năm, mỗi lần được một cơ quan tiếp nhận hồ sơ, chuyển giúp đơn thư, một cán bộ hỏi thăm là mỗi lần Phụng hi vọng. Và thời gian qua, bao nhiêu lần hi vọng là bấy nhiêu lần thất vọng, nhưng vẫn cứ phải tiếp tục hi vọng. Như hôm nay Phụng nói: “Mệt mỏi lắm rồi, đến ngày hôm nay đi khiếu nại không phải vì đất, vì tiền bồi thường nữa mà là vì công bằng, vì danh dự. Mình được nghe đích thân các lãnh đạo tỉnh thừa nhận mình đúng, hứa hẹn sửa sai rồi, nếu lần này còn thất vọng nữa thì không biết sẽ phải tiếp tục thế nào”.

Ngày 8-1-2013, có lệnh của chủ tịch tỉnh, lập tức đoàn cán bộ liên ngành, liên cấp xã - huyện - tỉnh mang thước dây, máy phóng cùng rất nhiều giấy tờ đến xã Trường Xuân tiến hành xác định lại những cột mốc, đo đạc lại diện tích thửa đất của ông Bảy Bình. Thật là một sự kiện xôn xao cả xã. Chiều mưa bất chợt nhưng vẫn có rất nhiều người đi bộ theo đoàn đo đạc, nhiều người chạy xe máy từ chợ Trường Xuân “xuống coi nhà con Phụng được trả đất”.

Bài báo đầu tiên về câu chuyện khiếu nại của Phụng xuất hiện cách nay tám năm (“Bồi thường oan sai: Con đường nhọc nhằn”, Tuổi Trẻ 9-1-2005), trở lại một lần nữa cách nay bảy năm (“Vùi tuổi xuân trong chồng đơn khiếu nại”, Tuổi Trẻ 3-3-2006) và lần này nữa. Hi vọng lần tiếp theo lên báo, với Phụng và bạn đọc, sẽ là những tin vui.

aMIs1iTq.jpgPhóng to
Nụ cười của Phụng đã trở lại - Ảnh: Tự Trung

Đường dài

- 31-8-1998: UBND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thông báo thu hồi 5.000m² đất của ông Phan Văn Bình (ba của Phụng) cho dự án khu dân cư Chợ Mới thị tứ Trường Xuân. Ông Bình khiếu nại cho rằng phần đất của mình nằm ngoài quy hoạch.

- 14-6-2000: UBND huyện Tháp Mười tiến hành cắm cọc, giăng dây, hai chị em Loan và Phụng bị bắt vì tội “chống người thi hành công vụ”.

- 21-9-2000: UBND huyện Tháp Mười bác đơn khiếu nại của gia đình ông Phan Văn Bình.

- 30-11-2000, TAND huyện Tháp Mười xét xử lưu động, Phan Thị Tuyết Loan bị tuyên 9 tháng tù treo, Phan Thị Kim Phụng bị tuyên 12 tháng tù giam.

- 28-3-2001: tòa phúc thẩm TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên hủy án sơ thẩm, giao về điều tra, xét xử lại.

- 24-9-2001: UBND tỉnh Đồng Tháp chuẩn y quyết định của UBND huyện Tháp Mười.

- 4-9-2002: UBND huyện Tháp Mười và các ban ngành tiến hành cưỡng chế, ba căn nhà của gia đình bị tháo dỡ.

- 3-3-2003: Công an huyện Tháp Mười ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án “chống người thi hành công vụ” với Loan và Phụng vì “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm với xã hội”.

- 20-12-2006: UBND tỉnh Đồng Tháp gửi công văn khẳng định việc giải quyết khiếu nại là đúng.

- 2009, 2010, 2012: các lực lượng của UBND huyện Tháp Mười liên tục đến cưỡng chế trên phần đất gia đình Phụng đang khiếu nại để xây nhà công vụ và phân nền cho các hộ dân khác.

- 6-1-2013: chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mời Phụng đến trao đổi và thừa nhận đã xử lý sai, sẽ tiến hành giải quyết rốt ráo để giải tỏa bức xúc.

- 8-1-2013: Công an tỉnh Đồng Tháp và TAND Đồng Tháp mời Phụng đến bàn việc tiến hành xin lỗi và bồi thường oan sai. Đồng thời, đoàn công tác liên ngành, liên cấp xuống xác định lại ranh đất.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp