16/08/2011 06:04 GMT+7

Khi nông dân nắm rõ thị trường

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Được mùa mất giá - đó là thực trạng mà hầu hết nông dân đều phải chịu đựng khi vào vụ thu hoạch nông sản. Thế nhưng gần đây nhiều nông dân ở Bến Tre đã thoát khỏi tình trạng này, chủ động làm chủ giá cả nông sản.

jX8Di5BD.jpgPhóng to

Tổ liên kết trồng dừa ở xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) phát triển việc bán cây giống - Ảnh: NGỌC HẬU

Đây là kết quả bước đầu của dự án “Phát triển kinh doanh với người nghèo (DBRP)” ở Bến Tre được triển khai từ năm 2008.

Đọc báo, nghe đài tìm hiểu thị trường

"Trước đây nông dân nghèo ít quan tâm tới tin tức thời sự, tin thị trường trên báo chí, radio, tivi, nhưng bây giờ họ rất quan tâm nghiên cứu và chia sẻ thông tin với nhau để bàn luận, dự báo xem thời gian tới trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai..."

Ông Nguyễn Trung Chương (quyền giám đốc dự án DBRP Bến Tre)

Ông Nguyễn Văn Sốt ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc là một nông dân trồng cây có múi rất giỏi, đặc biệt là trồng bưởi hương hồng có trái nặng tới 7,2kg. Ngày ngày nghe đài, xem tivi thấy đưa tin nhiều về bưởi da xanh được nhiều nước châu Âu ưa chuộng và đoạt giải lớn ở các cuộc thi trái ngon nên ông bỏ công đi tìm hiểu.

Ông Sốt ra chợ TP Bến Tre hỏi giá bưởi da xanh thấy cao hơn bưởi thường gấp 2-3 lần. Ông mua về ăn thử thì thấy chất lượng không chê vào đâu được nên quyết định bỏ ra 800.000 đồng mua cây giống bưởi da xanh về trồng. Vài năm sau vườn bưởi da xanh của ông cho trái. Trái to hơn bưởi năm roi, đem bán giá cao gấp mấy lần, thu nhập của gia đình ông Sốt tăng vùn vụt. Nhiều nông dân trong xã học tập ông đốn bỏ cam, quýt, bưởi năm roi chuyển sang trồng bưởi da xanh.

Tham gia dự án DBRP, ông Sốt cùng nhiều nông dân trong xã liên kết thành lập tổ sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP (tiêu chuẩn VN về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) và Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Ông Sốt nói về dự án của mình: “Tụi tui đều đọc báo, nghe đài mỗi ngày và biết chắc bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn Global GAP sẽ xuất khẩu được giá cao hơn bán trong nước. Giá hiện nay không dưới 40.000 đồng/kg. Liên kết lại trồng theo tiêu chuẩn này sẽ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Khi đó không còn ai ép giá, không còn chuyện thu hoạch phải bán đổ bán tháo nữa”.

Mới đây, ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại có mười hộ nông dân liên kết thành lập tổ sản xuất với 2ha trồng rau màu an toàn. Ông Lư Hồng Phương - tổ trưởng - nói nông dân trồng rau màu thường xuyên bị thương lái ép giá nên mọi người phải liên kết lại theo hướng dẫn của dự án DBRP để không còn bị thua lỗ khi tới vụ thu hoạch. “Hiện nay bà con nông dân chúng tôi đều phải nghe đài, đọc báo nghiên cứu tình hình thị trường rau an toàn. Sáng gặp nhau ngoài đồng chúng tôi thường thông báo cho nhau nghe tin tức gì vừa nắm được có liên quan đến rau màu” - ông Phương nói.

Tự đi tiếp thị sản phẩm

Dừa là cây đặc trưng của tỉnh Bến Tre, nhưng cách làm của tổ liên kết trồng dừa ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc đã đưa giá trị trái dừa Bến Tre cao thêm một bậc.

Nông dân tăng lợi nhuận thêm 30%

Theo ông Nguyễn Trung Chương, quyền giám đốc dự án DBRP Bến Tre, dự án này được triển khai tại 50 xã nghèo của tám huyện trong tỉnh. Kết quả ghi nhận sau hai năm rất khả quan: góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 10,15% trong năm 2009 xuống còn 4,15% năm 2010. Cũng theo ông Chương, khi nông dân tiếp cận được thị trường, tự quyết định giá trị nông sản của mình thì không còn bị ép giá, thua lỗ nữa. Bình quân nông dân tăng lợi nhuận thêm 30% so với trước đây. Cá biệt có những hộ kinh doanh hoa kiểng thu lợi nhuận tăng 100%.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, tổ phó tổ liên kết dừa uống nước, cho biết tổ của ông hiện có 25 hộ tham gia với diện tích trồng dừa khoảng 5ha. Đầu tiên tổ học cách chăm sóc để dừa ra quả, cho nước ngọt hơn bình thường đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng (bón thêm 1-1,5kg phân kali/cây/năm). Bước tiếp theo là cử năm người đến các vựa mua dừa, các điểm kinh doanh dừa uống nước để khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của vựa.

Kết quả là số diện tích dừa trồng theo cách này cho nước ngọt hơn, năng suất cũng cao hơn. Các vựa mua dừa Hoa Mỹ, Lê An ở TP Bến Tre đã đến kiểm chứng và quyết định mua dừa của tổ với giá cao hơn dừa bình thường. “Thu nhập của các tổ viên tăng thêm 30% so với lúc chưa liên kết vào tổ, chủ yếu do giá dừa cao hơn thị trường gấp rưỡi”- ông Khiết nói.

Cũng với cách làm như vậy, tổ liên kết trồng rau an toàn xã Châu Hưng, huyện Bình Đại đi tiếp thị sản phẩm ở các bếp ăn tập thể, quán ăn, nhà hàng, siêu thị ở tỉnh Bến Tre. Ông Phương cho biết đã có nhiều đơn vị cam kết sẽ mua. Hợp đồng sẽ được ký trong vài ngày tới. “Chúng tôi sẽ cung cấp rau an toàn cho các địa chỉ cụ thể, có hợp đồng hẳn hoi chứ không bán cho thương lái nên không lo bị ép giá nữa” - ông Phương nói.

Để “đầu ra” của vùng rau an toàn được ổn định lâu dài, tổ đã cử một tổ phó chuyên trách mảng thị trường tiêu thụ. Người này sẽ nắm giá cả hằng ngày, nghiên cứu nhu cầu của thị trường rồi thông tin lại cho mọi người biết để từ đó bàn bạc chọn loại rau màu trồng cho phù hợp. Và tổ phó thị trường còn có nhiệm vụ tìm đối tác để ký hợp đồng bán sản phẩm với giá đảm bảo cho người trồng rau có lãi.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp