Trân và Thắng thuyết trình ý tưởng về thiết bị đọc sách thông minh cho người khiếm thị tại cuộc thi Hành trình kiến tạo tương lai 2019 ở TP.HCM - Ảnh: KIM MỸ
Bộ thiết bị hỗ trợ đọc sách thông minh cho người khiếm thị và người mắc chứng khó đọc của hai cậu học trò lớp 7 xứ Quảng vừa được vinh danh tại cuộc thi Hành trình kiến tạo tương lai.
Bộ thiết bị của hai cậu học trò lớp 7 gồm nhiều bộ phận điện tử như loa, bo mạch... hoạt động bằng thuật toán được lập trình sẵn. Hệ thống này quét chữ từ hình ảnh bằng tài liệu (chữ) sau đó phân tích và đọc thành file âm thanh.
Hiện nay hệ thống này chạy cơ bản trên bộ dữ liệu tiếng Anh và đang được phát triển, hoàn thiện dần để đọc được hết các tài liệu bằng tiếng Việt.
Ý tưởng nhân văn
"Khi ý tưởng và bản thuyết trình đề tài được gửi đi, các thành viên của ban tổ chức cuộc thi thậm chí không tin rằng đó là sản phẩm của học trò lớp 7. Các thầy cô phải tìm cách giải thích, rồi qua nhiều vòng phỏng vấn gián tiếp thì mọi thứ mới được chấp thuận" - cô giáo Nguyễn Kim Thu Mỹ, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/9 Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ, Quảng Nam), kể.
Cuộc thi Hành trình kiến tạo tương lai nhiều năm nay là một sân chơi sáng tạo thu hút nhiều học sinh, sinh viên trên cả nước. Thầy Nguyễn Tự Lực - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) - cho biết ngay khi thông tin cuộc thi năm 2019 được đưa về trường, hai học sinh lớp 7/9 do cô Nguyễn Kim Thu Mỹ chủ nhiệm đã trình bày ý tưởng, đề xuất nguyện vọng được tham gia.
Cô Nguyễn Kim Thu Mỹ cho biết em Nguyễn Lê Trân và Hoàng Việt Thắng sớm được bố mẹ cho tiếp xúc, hướng dẫn với máy tính. Cả Trân và Thắng đã bàn nhau lên mạng tìm tòi, lùng sục thông tin để khoanh vùng ý tưởng, hạ quyết tâm viết phần mềm gửi dự cuộc thi.
Tình cờ khi xem một clip về người khuyết tật thị giác, người mắc chứng khó đọc, hai cậu học trò lớp 7 này đã đặt vấn đề sẽ tự sáng chế ra một bộ thiết bị hỗ trợ việc đọc tài liệu cho những người kém may mắn này.
"Em và Thắng lúc bàn với nhau về ý tưởng cũng đã tìm hiểu trên mạng và biết rằng hiện nay đã có những thiết bị hỗ trợ đọc tài liệu tương tự. Nhưng hạn chế của đa số các thiết bị có bán trên thị trường là không hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt. Trong khi đó xung quanh chúng em ở hằng ngày có rất nhiều người khiếm thị cần loại máy này" - Nguyễn Lê Trân (12 tuổi) nói.
Khuyến khích lòng đam mê, tìm tòi
Khi Trân và Thắng trình bày ý tưởng của mình cho cô giáo, cô Mỹ kể rằng vì đã dạy các em hằng ngày, lại biết rõ về gia đình của hai học sinh có tố chất này nên cô tin tưởng và ủng hộ ngay. Ba cô trò lên mạng tìm tài liệu, gửi hồ sơ đăng ký tham dự cuộc thi.
Ý tưởng đến tay ban tổ chức, mấy ngày sau người của ban tổ chức gọi điện ra xác minh. Cả cô lẫn trò ngồi giải đáp các câu hỏi nhưng thậm chí lúc đầu người của đơn vị tổ chức chưa mấy tin vào khả năng của hai học sinh lớp 7.
"Chúng tôi kết nối, rồi cung cấp thông tin để ban tổ chức nắm. Qua nhiều cuộc phỏng vấn bằng điện thoại, họ đồng ý đưa hồ sơ ý tưởng vào vòng trong" - cô Mỹ kể.
Sau nhiều tháng hì hục, mày mò để ra sản phẩm hoàn thiện mang tên "Thiết bị đọc sách thông minh dành cho người mắc hội chứng khó đọc", cuối tháng 9-2019 Trân và Thắng được thầy cô và bố mẹ dẫn vào TP.HCM tham dự chung khảo cuộc thi Hành trình kiến tạo tương lai.
Cuộc thi năm 2019 tổ chức tại TP.HCM này có tổng cộng 114 đội đến từ 56 trường ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Khi được yêu cầu thuyết trình sản phẩm của mình, cả Trân lẫn Thắng đứng lên sân khấu mở phần mềm đứng trình bày rõ ràng, mạch lạc và tự tin khiến nhiều người bất ngờ.
Sản phẩm của hai học sinh này được chấm giải nhì trong niềm hạnh phúc của gia đình, thầy cô giáo.
"Chúng tôi không nghĩ sẽ được giải cao như vậy vì dù sao trường mình vẫn nằm ở tỉnh nghèo. Nhưng việc được ghi nhận thế này là động lực rất lớn, truyền thêm lòng say mê học hỏi, tìm tòi sáng tạo cho các học sinh" - cô Mỹ nói.
Hành trình kiến tạo tương lai là cuộc thi được khởi xướng từ năm 2009 nhằm tạo ra sân chơi sáng tạo giúp học sinh chủ động tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề liên quan đến địa phương của mình. Cuộc thi tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, môi trường, y tế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận