02/09/2021 10:51 GMT+7

Khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên

THIÊN ĐIỂU thực hiện
THIÊN ĐIỂU thực hiện

TTO - Ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 9 giữa lúc nhiều thành phố trong cả nước phải giãn cách, Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương - người được đánh giá là một trong vài cây bút văn xuôi xuất sắc nhất hiện nay - được nhiều bạn đọc ngóng đợi.

Khi nhà văn nằm xuống,  đồi núi của anh ta mới trồi lên - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Ảnh: PHẠM QUANG VINH

Đối thoại cởi mở với Tuổi Trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương - tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thường tránh nói về mình bởi "chẳng có gì chán bằng nhà văn tự nói về mình", mà thay vào đó là chia sẻ nhiều về chuyện văn chương, chuyện đời.

Ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 9 (cuốn sách thứ 14) giữa lúc nhiều thành phố trong cả nước phải giãn cách, Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương - người được đánh giá là một trong vài cây bút văn xuôi xuất sắc nhất hiện nay - được nhiều bạn đọc ngóng đợi.

"Tài năng thật sự lớn thì không một quyền lực nào có thể che khuất được họ. Là tôi nói những người tài thực sự. Nguyễn Huy Thiệp cuối cùng vẫn ra với công chúng. Trần Dần, Văn Cao... vẫn viết và tác phẩm của họ vẫn sống dài lâu dù từng bị cấm đoán.

Viết về bế tắc nhưng không tuyệt vọng

* Đọc các cuốn tiểu thuyết của anh thấy cái ác, cái vô đạo đức ngập tràn khiến người đọc phải run rẩy. Trong cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt của anh - Một ví dụ xoàng, chỉ vì buôn lậu... 4 cân chè mà chết 2 mạng người, đồng nghiệp kiểm lâm giết nhau vì vàng, chồng giết vợ, phân thây bình thản như không...

- Đó là một thực tế đây đó. Khi viết xong cuốn này, đọc lại tôi cũng thấy buồn, thấy nản cho sự mong manh của thân phận con người. Cả một dây chuyền, từ những người xem đến người bắn, người chôn... mặc dù họ có thương cảm cho tử tù đấy, nhưng tất cả đều vừa vô tình, vừa chủ ý chuẩn bị rất chi tiết, kỹ lưỡng để xóa sổ một đồng loại khỏi thế giới.

Nhưng cuối truyện có một đôi vợ chồng nghệ sĩ không biết từ đâu đến sống ở vùng Linh Sơn ấy. Họ sống đạm bạc, nhưng nhẹ nhàng, thanh thản, biết yêu thương nhau, quan trọng là họ biết nhân ái và tha thứ qua chi tiết anh chồng bỏ qua cho người đàn ông say rượu định hãm hiếp vợ mình.

Xã hội mình đã từng đi qua những giai đoạn khốn đốn vì miếng cơm manh áo, vì thế mà lem nhem về đạo đức, bây giờ đang thiết lập lại, nhân ái, ứng xử văn minh.

* Anh có vẻ lạc quan?

- Nếu đứng lẫn vào xã hội bây giờ, nhìn những thực tế tiêu cực thì chỉ thấy cướp, giết, hiếp, lừa đảo, trăm tỉ ngàn tỉ ra tòa... Nhưng lùi lại một chút thì thấy mọi thứ vẫn đang đi lên. Có tiền để mà tham nhũng cũng là một ví dụ của phát triển.

Trong Một ví dụ xoàng cũng có một giai đoạn nó như thế, cái ác bủa vây. Nhưng không phải như thế mà tôi cho là đất nước này đã hỏng. Nó phải trải qua những giai đoạn cam go, lầm lỗi như thế, nhưng vẫn phải nhìn thấy nó đang đi lên.

Nhà văn viết về cái ác nhưng không có nghĩa là cổ vũ cho cái thối nát mà là để cảnh tỉnh; viết về cái bế tắc, cùng quẫn nhưng không được tuyệt vọng.

Tài năng khó lắm, như trời xui

* Anh từng chia sẻ hiện nay việc kiểm duyệt trong lĩnh vực xuất bản hầu như đã được cởi bỏ, cuộc sống thì ngồn ngộn chất liệu cho sáng tác, vậy tại sao lại không thấy tác phẩm lớn, tác giả lớn kể từ sau những cái tên như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh?

- Trong xuất bản hiện nay đã đạt được độ tự do rất lớn. Không có nhà văn nào gai góc bằng Nguyễn Huy Thiệp, không có cuốn tiểu thuyết nào viết về nỗi buồn chiến tranh ghê gớm như Bảo Ninh từng viết nhưng rồi đều xuất bản được.

Trước đó cũng có khối ví dụ như vậy. Nên gần đây ta không có tác phẩm lớn theo tôi là do thiếu người tài thôi. Tài năng không xuất hiện thì chịu. Tài năng khó lắm, như trời xui, phải gặp thời gặp thế nữa.

* Vậy còn vai trò của Hội Nhà văn thì sao?

- Vai trò của Hội Nhà văn rất khiêm tốn trong việc kích thích văn học phát triển, mặc dù hội cũng cố gắng hết sức trong khả năng và phạm vi của mình.

Tài năng nằm ngoài cơ chế xã hội, các cơ chế, hội đoàn cùng lắm chỉ vun vén, thúc đẩy được một chút cho tài năng thôi. Hội làm sao quyết định được sự ra đời của các tác giả lớn.

* Giống như anh từng nói người tài thì tự quyết định được tự do của mình?

- Tài năng thật sự lớn thì không một quyền lực nào có thể che khuất được họ. Là tôi nói những người tài thực sự. Nguyễn Huy Thiệp cuối cùng vẫn ra với công chúng. Trần Dần, Văn Cao... vẫn viết và tác phẩm của họ vẫn sống dài lâu dù từng bị cấm đoán.

Mặc cho bị tù đày, bị trục xuất khỏi đất nước, Alekxandr Solzhenitsyn vẫn viết Một ngày trong cuộc đời Ivan Denisovich và giành giải Nobel năm 1970... Người tài thì ngay cả trong lao tù họ vẫn có tự do.

Bất hạnh là phẩm chất sống

* Có nghệ sĩ nói rằng thức ăn của nghệ thuật là nỗi bất hạnh, có bất hạnh mới sáng tác được, điều này xem ra không đúng với anh?

- Thế nào là bất hạnh? Sống nghèo khổ mới là bất hạnh hay không thỏa chí là bất hạnh. Nếu theo nghĩa thứ hai thì nghệ sĩ nào cũng bất hạnh. Vì họ luôn mơ đến thế giới đại đồng, người sống nhân ái, yêu thương nhau nhưng thực tế thì người lại cứ giết nhau. Nhà văn nào chẳng có bất hạnh, ai cũng có nỗi niềm mới viết ra.

Xét rộng ra thì có thể nói bất hạnh là cơm bữa. Phải bất hạnh mới là con người. Vì con người sinh ra có suy nghĩ, có khát vọng nhưng con người lại không phải thần thánh, đầy những lỗi lầm. Đến thần thánh còn có bất hạnh là cô độc, đầy quyền lực nhưng cô độc. Ai cũng có bất hạnh, bất hạnh là phẩm chất sống rồi. Nghệ sĩ mơ mộng nên càng thấy bất hạnh hơn.

* Anh có định viết về thời kỳ COVID đặc biệt này không?

- Nếu có câu chuyện hợp với tạng thì tôi viết, có thể là 5 năm, 10 năm nữa, cũng có thể là năm sau tôi sẽ viết nhưng chưa phải bây giờ. Tôi nghĩ bao giờ các nhà văn cũng sống thấp hơn thân nhiệt của xã hội một chút, vì thế họ mới đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề. Phải chậm một nhịp hoặc nhanh một nhịp chứ không thể đi cùng một nhịp với đời sống, đó là đặc điểm của nghệ sĩ.

* Anh có giới hạn mình là một nhà văn quân đội viết về bộ đội?

- Tôi là một nhà văn quân đội theo nghĩa đang trong quân đội và viết văn, chứ không phải chỉ viết về bộ đội. Tôi viết về thân phận con người nói chung và ít khi nghĩ đến giới hạn của mình.

Tóm lại là nhà văn thì cứ thế mà viết khi có thể viết, đừng nhìn ngó mình đang ở chỗ nào. Nhà văn Tô Hoài sau cái đỉnh Dế Mèn phiêu lưu ký ông vẫn miệt mài viết suốt cuộc đời. Gabriel Garcia Marquez biết đời mình không thể có cuốn nào vượt được Trăm năm cô đơn, nhưng vẫn viết thêm vài cuốn khác. Lev Tolstoy vẫn viết thêm nhiều tác phẩm sau bộ Chiến tranh và hòa bình...

Điều đó rất đáng trọng. Phải có bản lĩnh lắm mới coi thường thành tựu của mình để tiếp tục viết như các nhà văn đó. Họ không sợ đỉnh cao của chính mình. Họ hiểu rằng thiên chức phải viết, còn việc ghi nhận thế nào là của đời, của lịch sử.

* Còn anh đã cảm nhận mình chạm được cái đỉnh của mình chưa? Tiểu thuyết Mình và họ của anh được bạn đọc yêu thích và giới chuyên môn đánh giá rất cao, anh có nghĩ nó là đỉnh của anh?

- Tôi không nói về tôi. Tôi nói chung về các nhà văn. Chẳng có gì chán bằng nhà văn tự nói về mình. Nhà văn có thiên chức viết thì cứ viết. Tài hay dở tính sau. Biết thế nào là đỉnh. Nay là đỉnh mai là đáy. Giá trị văn học đôi khi nó đảo lộn. Khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên.

motviduxoang (1)

Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Một ví dụ xoàng, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương, được đặt tên theo câu nói của nhân vật chánh án gọi số phận của vị tiến sĩ nhiều năm trước bị ông ta tuyên án tử vì vô ý bắn chết một anh bộ đội trên đường chạy trốn vì buôn lậu 4 cân chè (trà) là "một ví dụ xoàng, hết sức xoàng".

Tác giả chỉ mượn vụ án để phơi bày ra một thời đoạn mà cái nghèo, cái ác bủa vây, thít chặt lấy con người trong một vòng tròn nghiệp oán...

Câu chuyện dù vẫn được kể theo lối đan cài theo dòng ký ức - vốn là đặc trưng của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương - song đã bớt phần "thách đố" bạn đọc hơn nhiều so với những cuốn trước đây của tác giả.

Câu chuyện dù vẫn buồn và bạo liệt kiểu Nguyễn Bình Phương nhưng đã bớt đi nhiều màu âm u. Một bước đi tới khoan hòa hơn của tác giả nhưng vẫn giữ trọn vẹn "chất" của mình.

‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương được trao giải nhất, ông Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng ‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương được trao giải nhất, ông Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng

TTO - Ông Hữu Thỉnh ký quyết định trao giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo từ 1975 đến nay cho 32 tác phẩm, tiểu thuyết từng gây tranh cãi ‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương được trao giải nhất. Ông Hữu Thỉnh cũng từ chối giải thưởng.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp