Phải làm gì với những vị khách không biết ngày nào dời gót, những vị khách "tự nhiên chủ nghĩa" đến mức thái quá? Có cách nào bảo vệ không gian riêng mà không làm mất lòng họ hàng? Vợ chồng cần phối hợp thế nào cho ăn ý để bảo vệ tổ ấm trước cuộc "xâm lăng" của họ hàng?
Mời bạn đọc cùng chia sẻ thêm hai câu chuyện dưới đây.
Phóng to |
Vợ chồng tôi giận nhau gần một tháng vì… chị vợ “tự nhiên chủ nghĩa" - Ảnh minh họa: từ Internet |
Nhà của tôi hay "thiên đường" của chị vợ?
Căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi dần biến thành tổ ấm của… người khác, còn tôi bỗng dưng thấy mình như trở thành khách lạ trong chính căn nhà của mình.
Lúc xin hỏi cưới, gia đình vợ tôi đã đánh tiếng trước là tôi phải có nhà riêng ở Sài Gòn thì mới chịu gả con. Gia đình tôi ở quê có chút điều kiện nên việc này với tôi không quá khó khăn. Nhưng tôi lại không ngờ rằng căn nhà nhỏ mà tôi dốc hết vốn liếng và bỏ công trang trí thật đẹp để làm vui lòng vợ lại dần biến thành thiên đường của… chị vợ.
"Cắn răng" chịu đựng họ hàng cho chồng vui Tôi phải ở chung và nuôi luôn gia đình chị chồng (vợ, chồng và một con), thêm hai cháu chồng đang học đại học. Các anh chị chồng thì thỉnh thoảng xin thứ này thứ kia. Đôi lúc tôi rất mệt mỏi nhưng tôi nghĩ nếu mình luôn căng thẳng thì chồng tôi sẽ không vui và gia đình có thể sẽ đổ vỡ. Do đó tôi luôn nghĩ rằng tôi còn may mắn khi còn khả năng lo cho người khác (chỉ là tự an ủi mình). Tuy rằng rất khó nhưng nếu bạn và chồng bạn cùng bàn bạc và tốt nhất là những ý kiến của bạn phải luôn nghĩ đến tâm trạng của chồng bạn thì mọi việc có lẽ sẽ ổn. |
Từ ngày chị vợ dọn lên ở, vợ chồng tôi hiếm có giây phút riêng tư. Chị vợ tôi không phải người khó khăn mà trái lại là người rất… “tự nhiên chủ nghĩa". Nhà chỉ có một chiếc tivi nhưng lúc nào chị cũng giành xem phim Hàn Quốc. Tôi xin phép mở xem thời sự 15 phút chị cũng gạt đi. Nhiều lúc vợ chồng tôi đang nghỉ ngơi trong phòng, chị vẫn vô tư mở cửa bước vào (không hề gõ cửa) để lấy đồ bỏ quên. Ăn uống xong, chị nạnh vợ tôi rửa chén như kiểu chị cả vẫn sai vặt em út ở nhà.
Nể chị là người lớn hơn nên tôi cũng không dám góp ý mà chỉ bỏ nhỏ với vợ. Ai dè vợ tôi gạt phăng, bảo: “Chị đến tuổi này chưa có chồng nên cô đơn lắm. Anh đừng làm gì cho chị buồn nữa”. Vậy là tôi đành nhắm mắt cho qua để không làm khó vợ. Tôi thương vợ cũng vì cô ấy hiền lành và “có hiếu” với chị của mình.
***
Rồi cũng đến ngày chị báo sắp lấy chồng. Tôi mừng cho chị và cũng mừng cho tôi vì sắp được… tự do. Thế nhưng chị lại nhờ vợ thỏ thẻ với tôi rằng vợ chồng chị chưa đủ tiền ra riêng nên xin ở lại nhà tôi đến khi nào đủ vốn ra riêng sẽ dọn đi. Lần này thì tôi kiên quyết không đồng ý.
Cứ ngỡ thoát được cái gông đeo cổ giờ lại biết mình sắp phải tròng thêm cái gông thứ hai nên tôi quyết định trút ra hết bao nhiêu bức xúc chất chứa trong lòng bấy lâu hết trước mặt vợ và cả chị vợ. Tình hình không những không cải thiện mà vợ chồng tôi còn vì thế giận nhau gần một tháng trời. Trong khi đó, chị vợ tôi vẫn kiên quyết làm theo ý mình, bất chấp sự phản đối của tôi.
Từ khi dọn về ở chung, anh rể lúc nào cũng say xỉn, nhiều lúc về còn mắng chửi vợ chồng tôi rằng ỷ giàu rồi khinh thường vợ chồng anh chị. Mấy lần tôi định giải quyết “mạnh tay” là đuổi cả hai ra khỏi nhà nhưng vợ tôi cứ khóc lóc van xin. Tức mình, tôi dọn đến ở lì trong cơ quan vì không thể chịu nổi những cảnh trái tai gai mắt như vậy. Nhưng rồi vợ tôi gọi đến khóc lóc. Mấy lần về thăm nhà thấy vợ tiều tụy, tôi lại chạnh lòng…
Bạn bè khuyên tôi nên bỏ ra khoảng vài trăm đến 1 triệu đồng mỗi tháng để thuê cho anh chị vợ một căn nhà khác như một cách đổi lấy sự tự do và hạnh phúc gia đình. Nhưng thiết nghĩ, tại sao tôi cứ phải là người trả tiền cho cuộc sống của người khác trong khi lại không làm chủ được cuộc sống của mình?
Tôi từng ở trong cảnh ngộ của chị
Tôi và mẹ tôi quê ở miền Trung, rất nghèo, không có nhà cửa, tài sản gì nên tôi được cơ quan tôi cấp một căn phòng nhỏ 25m2 ở TP.HCM để có chỗ ở và nuôi mẹ già.
Chồng tôi là giáo viên. Anh cũng không có nhà cửa và không có đồng xu dính túi như tôi. Tôi phải lao động cật lực để lo cho cuộc sống của hai vợ chồng và lo cho mẹ già, con nhỏ. Nhưng gia đình lớn của chồng tôi ở ngoài Bắc cứ cho là chúng tôi khá giả hơn họ, vì có nhà ở TP.HCM và đi làm ở TP.HCM, vì thế các em chồng tôi ở ngoài Bắc cứ nườm nượp ra vào nhà tôi với lý do đi buôn, đi chơi, đi thăm viếng...
Ba mẹ chồng tôi cũng vào chơi, và ba chồng tôi muốn ở luôn với vợ chồng tôi với lý do không ở được với các em chồng tôi và mẹ chồng tôi ở ngoài Bắc. Các em chồng tôi còn gửi con ở nhà tôi để đi học nghề.
Chưa nói nhà cửa quá chật chội, khách của gia đình tôi vào ở chơi chỉ mua vé lúc vào, lúc về thì hay hỏi mượn tiền để mua vé ra, mà mượn tiền thì không bao giờ trả, đồ đạc trong nhà thì có gì họ cũng hỏi xin đem về nhà họ. Có ai vào TP.HCM, họ cũng dặn người đó ghé nhà tôi hỏi xem có gửi tiền bạc, đồ đạc gì cho họ không. Cha mẹ chồng cũng bị các em chồng xúi giục vào ở với chúng tôi, để nhà cửa lại cho chúng nó đem bán.
Tới lúc hết chịu đựng nổi tôi đòi ly hôn, tôi sẽ nuôi con. Còn nếu chồng tôi không chịu ly hôn thì không được để người nhà nào vào ở nhà chúng tôi hết, nếu có việc cần vào TP.HCM thì thiếu gì nhà nghỉ, nhà khách... Còn cha mẹ chồng thì hãy ở nhà của cha mẹ chồng, hằng tháng chúng tôi sẽ gửi tiền về góp phần phụng dưỡng các cụ.
Làm dâu, làm vợ - bạn sẽ ứng xử thế nào khi một ngày nọ tổ ấm của bạn xuất hiện thêm những người thân bên phía nhà chồng, nhà vợ và không hẹn ngày "dời gót"? Bạn sẽ cả nể hay quyết liệt "hành động" để ngăn chặn những nguy cơ làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình? Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến về vấn đề này theo công cụ dưới bài hoặc gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận