12/11/2024 11:26 GMT+7

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 4: Sống tối giản nhưng không bủn xỉn với bản thân

"Đừng hiểu lầm lối sống tối giản là keo kiệt chi tiêu để mất động lực làm việc và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xã hội".

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 4: Sống tối giản nhưng không bủn xỉn với bản thân - Ảnh 1.

Hoàng Phát giờ chỉ lên mạng xem chuyên môn ẩm thực, tránh vào các trang mua sắm - Ảnh: THÙY CHI

"Qua một thời gian, tôi nghiệm ra sống tối giản với mình là xài tiền đúng việc cần thiết, cái gì không đúng thì không xài, nhưng cũng không ngại xài nhiều nếu thật sự đúng", anh Nguyễn Hoàng Phát chia sẻ.

35 tuổi, là dân ở tỉnh lên TP.HCM học và ở lại làm việc, Hoàng Phát kể anh có một thời gian dài như nghiện mua sắm khi công việc đã ổn định.

"Tôi sống ở tỉnh lẻ nên lúc nào cũng thèm thuồng thiết bị công nghệ điện tử. Hết mơ có điện thoại tốt lại thèm iPhone đời mới, máy tính Macbook cũng phải đổi vài lần", Hoàng Phát chia sẻ từ thời sinh viên anh đã dành dụm tiền cha mẹ cho để mua sắm được những thứ mình yêu thích.

Tới khi đi làm, rồi công việc ổn định, anh lại càng thích mua sắm nhưng lúc này đã vung tay mua được những thứ đắt tiền hơn.

Một số người nghĩ tối giản là giảm bớt tối đa chi tiêu, để có thể giảm bớt gánh nặng làm việc tìm kiếm thu nhập, hưởng sự an nhàn cho bản thân. Nhưng tôi thì nghĩ tối giản là biết chi tiêu đúng, chi tiêu cho thứ mình cần, bởi xã hội vẫn cần phát triển.

NGUYỄN HOÀNG PHÁT

"Nhiều lúc tôi cứ thấy mình như con nghiện công nghệ, bận làm việc thì thôi, cứ rảnh là hết mở trang thương mại này đến sàn điện tử kia để xem điện thoại ra mẫu gì mới, máy tính Macbook sẽ có gì hay, rồi săn giảm giá, khuyến mãi này nọ.

Nhiều đêm tôi thức tới 1h - 2h sáng chỉ để lang thang trên các trang này và thèm thuồng tính toán ngày nào mình sẽ mua được", Hoàng Phát kể làm được bao nhiêu tiền anh đổ hết vào mua sắm, thậm chí phải xin thêm cha mẹ và nếu vẫn không đủ thì sẵn sàng vay mượn.

Làm việc đầu bếp rồi lên bậc bếp phó, bếp trưởng ở các nhà hàng lớn tại trung tâm TP.HCM, thu nhập của Hoàng Phát thuộc loại khá nhưng anh lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, thu không đủ chi, không thỏa mãn được bệnh nghiện mua sắm của mình...

Anh kể chính vì lối sống "nghiện công nghệ" như thế nên dần tự thấy mệt mỏi, kiệt sức. "Làm đồng nào xào ngay đồng đó, thậm chí còn xào trước" khiến anh bế tắc vì làm mãi mà cứ thấy thiếu hụt, đầu óc phải phân tâm, lo lắng thường xuyên.

Trong khi đó, anh nhìn ra xã hội thấy nhiều người còn làm việc có thu nhập thấp hơn mình mà sao có cuộc sống vui vẻ, thoải mái, ít phải lo toan.

Thế rồi, đến một ngày anh "lang thang" trên mạng và tình cờ đọc được những bài viết về lối sống tối giản, đặc biệt là lối sống của người Nhật. Anh chậm rãi đọc nhiều bài và tự dưng thấy "sao đúng y bản thân mình".

Tuy nhiên, đây lại là đúng theo ý ngược lại - tức những người nghiện mua sắm và chi tiêu mất kiểm soát để làm khổ chính bản thân mình. Còn phía ngược lại là lối sống giản đơn, biết đủ, biết cái gì thật sự mình cần, không "ôm"thừa mứa vô người để tự làm khổ mình...

Hoàng Phát suy nghĩ nhiều và bắt đầu tập thực hành theo. Ban đầu anh tự ra định mức những thứ đắt tiền cho mình như điện thoại phải xài ít nhất ba năm mới thay, máy tính phải sáu năm và xe máy phải trên 10 năm.

"Thật sự thì vậy chứ lúc đầu cũng không dễ đâu. Ngay cả chuyện dừng thói quen đêm đêm lướt tìm sản phẩm ưng ý trên các sàn thương mại cũng là khó, rồi còn sở thích cứ cuối tuần là phi vào shop này, trung tâm điện máy nọ để ngắm nghía đồ công nghệ, trò chuyện với các nhân viên tư vấn ngọt như mía đường.

Mình còn độc thân, thời gian rảnh rỗi nhiều, lại chưa bị áp lực chi tiêu chặt chẽ như người có gia đình", Hoàng Phát kể.

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 4: Sống tối giản nhưng không bủn xỉn với bản thân - Ảnh 2.

Phòng của Hoàng Phát giờ rất đơn giản, điểm nhấn là kệ sách - Ảnh: THÙY CHI

Tuy nhiên, sau một thời gian cố gắng tự định mức chi tiêu cho mình, Hoàng Phát lại tiến đến "thái cực khác" như chính anh thừa nhận.

"Tôi tự dưng như người keo kiệt, mỗi lần có việc gì tiêu tiền là tôi lại sợ, lại đắn đo, không muốn bỏ ra đồng nào. Căn hộ chung cư ở Bình Chánh đã dọn dẹp gần hết đồ rồi, nhưng cái nệm mỏng trải ngủ trên sàn bị rách mà tôi cũng không muốn thay vì tiếc tiền.

Bạn ghé chơi, thấy phòng tắm của tôi chỉ có một cục xà bông 20.000 đồng đã mòn gần hết để dùng chung cho tắm rửa và tay sau khi đi vệ sinh mà tụi nó cứ cười như muốn nói tôi là thằng ky bo", Hoàng Phát cười kể mình có thời gian dài tiêu xài vô tội vạ, đến khi sống tối giản anh lại trở nên quá hà tiện.

Thậm chí, anh còn "tối giản" đến mức đặt mua cái nồi điện 3 trong 1 vừa nấu cơm, vừa nấu canh vừa kho chung để tiết kiệm điện và đỡ mất thời gian… chuẩn bị, rửa ráy nếu dùng ba cái nồi khác nhau.

Tới lúc ăn cơm, anh chỉ múc ra tô rồi dồn hết đồ ăn vào để khỏi bày mâm chén này đĩa kia cho đỡ phải rửa. Những cái áo sơ mi anh cho gần hết, chỉ giữ lại đúng một cái áo trắng để đi tiệc. Anh chuyển qua dùng áo thun, quần jeans để khỏi phải ủi nhưng cũng chỉ có đúng hai cái quần, ba cái áo để thay nhau mặc suốt năm…

"Mọi thứ tôi đều tối giản theo cách mình hiểu, nhất là tiền tôi hạn chế chi tiêu đến mức tối thiểu", Hoàng Phát kể rồi lại đến giai đoạn anh tự nghiệm ra mình hình như không phải đang sống tối giản mà trở nên keo kiệt, khắc khổ với mình.

Anh kể suy nghĩ này bừng lên khi anh nghe một đồng nghiệp kể câu chuyện tỉ phú Bill Gates nhất quyết không vào bãi gửi xe VIP để tốn vài chục đô la, mà lùi vào chỗ đậu bình thường chỉ có vài đô la. Tỉ phú Mỹ nói rằng việc tiêu vài chục đô la đó là lãng phí, tuy nhiên sau đó ông đã đi vào hội nghị để tặng hàng tỉ đô vào quỹ chống bệnh tật.

Chuyện kể này làm Hoàng Phát suy nghĩ nhiều và anh lại quyết định thay đổi chính mình: "Tối giản không có nghĩa là từ bỏ hết, là bủn xỉn từng đồng, là không dám tiêu xài, ăn mặc gì cả.

Tôi nghĩ tối giản là mình phải thật sự hiểu ra thứ gì, việc gì không cần thiết thì mình không chi, không xài. Nhưng cái gì thật sự cần thiết thì mình vẫn phải chi, phải xài cho đúng", anh kể từ suy nghĩ này căn hộ chung cư của anh vẫn chỉ có một cái nệm trải sàn, một cái bàn ăn kiêm bàn làm việc.

Tuy nhiên, anh đã quyết thay chiếc xe máy bằng chiếc ô tô gần 600 triệu đồng với suy nghĩ "thứ này thì không nên chối bỏ vì mình hay về quê thăm cha mẹ, chiếc ô tô sẽ an toàn cho mình hơn đi xe máy".

Là đầu bếp rất hiểu việc ẩm thực, Hoàng Phát cũng thay tủ lạnh sản xuất tại Nhật khá đắt tiền để bảo quản đồ tươi sống tốt hơn. Tuy nhiên, anh dừng lại việc mua sắm thiết bị công nghệ - những thứ tiêu tốn nhiều tiền nhất trước đây.

Anh đến giờ vẫn xài một màn hình máy tính cũ khi làm việc tại nhà, một máy tính xách tay đã sử dụng sang năm thứ sáu, còn điện thoại thì anh xài cẩn thận đến khi nào hư mới thay chứ không đổi vì "thích lên đời" nữa...

Đến giờ tâm sự về việc chọn lối sống cho mình, Hoàng Phát nói theo anh nghiệm ra thì tối giản không thể là một công thức chuẩn cho tất cả mọi người.

Tùy hoàn cảnh gia đình, tùy tính chất công việc và sở thích, đam mê cá nhân mà mỗi người có một lối sống tối giản phù hợp cho riêng mình. Như Hoàng Phát thích học ngoại ngữ và du lịch, anh không hề tiếc tiền chi tiêu cho việc này.

Vấn đề như chính anh tâm sự là những thứ này đã làm cho cuộc sống của anh thấy vui hơn, thoải mái hơn…

**************

Không dễ dàng để theo đuổi lối sống tối giản trong bối cảnh thị trường kích thích tiêu dùng, mua sắm ngày càng tiện lợi như hiện nay.

Kỳ cuối: Có dễ sống tối giản khi xu hướng tiêu dùng đang được kích thích?

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 4: Sống tối giản nhưng không bủn xỉn với bản thân - Ảnh 3.Khi người trẻ sống tối giản - Kỳ 3: Tập tối giản, người thành công, kẻ... nửa mùa

Không hẳn cứ vứt đồ là hạnh phúc, người chọn đơn giản hóa cuộc sống chỉ nhận ra niềm vui khi chi tiêu hợp lý, biết đủ, hiểu những gì là cần thiết với mình. Và quan trọng là thoải mái chứ không phải gượng ép, bó buộc bản thân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp