09/11/2024 09:21 GMT+7

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 1: Dần quen cuộc sống có gì xài nấy

DIỆU QUÍ
và 1 tác giả khác

Họ chỉ giữ lại những thứ thật sự cần thiết phục vụ cuộc sống, có người còn tối giản trong suy nghĩ, trong mối quan hệ xã hội.

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 1: Dần quen cuộc sống có gì xài nấy - Ảnh 1.

Minh Thư trả tủ quần áo cho chủ trọ, chỉ dùng sào treo ít bộ đồ - Ảnh: AN VI

Tặng quần áo, thanh lý giường, chỉ dùng một thỏi son, bỏ hết thứ rườm rà, ưu tiên đồ đạc ít nhưng chất lượng tốt, dành thời gian cho mối quan hệ chất lượng, hạn chế tiếp nhận thông tin vô nghĩa… là cách nhiều người trẻ đang làm khi theo đuổi sống tối giản.

Thực tế không có tiêu chuẩn nào cho lối sống tối giản. Mỗi người có cách phù hợp bản thân mình. Người tối giản vì thích sự giản đơn, gọn gàng. Người bớt mua sắm để tiền tiết kiệm, trải nghiệm hoặc đỡ vứt rác thải ra ngoài.

Chọn trải nghiệm hơn sở hữu nhiều đồ đạc với lối sống tối giản

Không hẳn trở thành phong trào, song sống tối giản đang dần trở thành xu hướng được nhiều người trẻ Việt thực hành. Không khó tìm thấy các hội nhóm dành cho người sống tối giản, tinh gọn đồ đạc trên mạng xã hội, từ vài trăm đến vài chục nghìn thành viên tham gia, chia sẻ.

Chỉ dùng cây son duy nhất, phòng ốc gọn gàng, ít mua sắm quần áo, thích sách nhưng chỉ mượn đọc rồi trả chứ không sở hữu sách… là những gì mà Nguyễn Thị Bích Huệ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thực hiện.

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 1: Dần quen cuộc sống có gì xài nấy - Ảnh 2.

Lối sống tối giản giúp Bích Huệ biết đong đếm từng thứ mình mua, ngoài ra còn mang lại sự tự do, thoải mái cho bản thân - Ảnh: NVCC

Cô gái 26 tuổi, làm việc tại công ty du lịch, cho biết mình vốn sống đơn giản song trước kia không theo đuổi phong cách tối giản, thậm chí từng mua sắm khá nhiều đồ do tính chất công việc.

"Nhưng mình nhận ra đồ đạc không làm tăng sự tự tin bên trong nên hướng tới đơn giản, đồ đạc dùng đủ, đúng và tối ưu hóa giá trị của món đồ", Huệ cho biết mình không quá khắt khe với bản thân về tiêu xài hay mua sắm.

Với cô, tối giản là hiểu rõ giá trị những món đồ mình sở hữu và sử dụng chúng một cách tối đa. "Đôi lúc mình cũng mua sắm váy vóc mới, nhưng một chiếc váy mình có thể mặc đi ăn cưới rất nhiều lần chứ không phải mỗi lần đi tiệc mua một chiếc váy mới vì thấy không cần thiết", cô nói.

Là con gái, song Huệ ít mua sắm quần áo, khi mua cô chỉ chọn đồ chất lượng để dùng nhiều lần, giảm bớt rác thải thời trang.

Tủ đồ cô không nhiều về số lượng nhưng mang tính ứng dụng cao, phối được càng nhiều càng tốt. Đa phần là trắng đen và các màu pastel.

Thích phòng ốc đơn giản, không trang trí để thoáng đãng và nhiều ánh sáng, do đó đồ đạc cô sở hữu cũng gọn nhất có thể.

"Tôi chỉ dùng cây son duy nhất, hết mới mua cây khác. Thích sách nhưng mượn của Thư viện Khoa học tổng hợp về đọc rồi trả. Ăn chay vì cảm thấy nấu chay khá gọn và cũng đủ chất, ra chợ thấy gì mua nấy", cô nói. Bên cạnh đó, Huệ luôn tìm điểm cân bằng giữa sức khỏe, công việc, năng lượng, phát triển bản thân và niềm đam mê riêng.

Với lương ở mức đủ sống, Huệ cân bằng giữa chi tiêu cho đồ đạc và trải nghiệm. "Thay vì mua quần áo đắt tiền, tôi thích đầu tư trải nghiệm, nên dù sở hữu vừa phải nhưng đa dạng trải nghiệm cũng khiến mình trở nên giàu có hơn. Gần đây tôi có dành ra khoản tiền cho sở thích leo núi, nếu mua sắm quá nhiều thì không đủ tài chính cho sở thích này, đó là vấn đề của sự lựa chọn", cô cho hay.

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 1: Dần quen cuộc sống có gì xài nấy - Ảnh 3.

Bàn làm việc cũng là bàn ăn của Thức - Ảnh: AN VI

Từng bị cám dỗ trước món đồ ưa thích

"Tôi đã lược bỏ tủ đồ chật kín của mình, tiễn luôn cái tủ để mua sào quần áo nhỏ treo vỏn vẹn ít bộ. Tôi không dùng bàn học, giường và sắp tới sẽ không dùng nhiều thứ khác nữa", Nguyễn Thị Minh Thư (23 tuổi, quận 10) kể về những gì mình làm được sau một năm tập sống tối giản.

Thư được truyền cảm hứng sống giản đơn sau khi đọc sách, xem YouTube và tham gia hội nhóm trên Facebook. Nhớ lại lúc chuyển ra ở trọ một mình, cô từng sắm đồ đạc khá nhiều, chất đầy tủ mà vẫn không hết.

"Mới ra ở riêng nên tôi cũng háo hức mua giường mới, gương đứng và đủ thứ đồ decor. Tôi lưỡng lự vì lúc đó mới bắt đầu tập tối giản, còn trong lòng thì thôi thúc mua món đồ mình thích, cuối cùng tôi vẫn mua", Thư kể lại khó khăn ban đầu của người trẻ tập tành cách sống không phải ai cũng làm được này.

Trong lúc loay hoay, cô gái trẻ đọc được bài viết kèm hình ảnh trên Facebook của một bạn nữ bằng tuổi đang sống một mình trong phòng 18m2 mà vẫn gọn hơ, có cả không gian đặt vài chậu cây.

Đảo mắt nhìn phòng mình chật chội, Thư nhận ra thứ đầu tiên phải rời khỏi đây chính là tủ quần áo. Cô đã trả tủ lại cho chủ trọ để tiết kiệm không gian rồi mua cái sào nhỏ treo đủ ít bộ đồ. Thanh lý xong giường sắt, Thư cũng đổi sang chiếc bàn xếp dùng để ăn cơm và làm việc, dùng xong gấp lại một góc.

Sách vở được cô bày lên chiếc tủ nhỏ, đó cũng là nơi đặt gương soi mặt hằng ngày."Lúc đầu cũng hơi khó chịu, nhất là việc không nằm giường khiến tôi lo bị côn trùng cắn. Gương tận dụng không soi được toàn bộ người nên hơi bất tiện. Đặc biệt sau khi tinh gọn quần áo, tôi thấy hơi mất tự tin vì có mấy bộ mặc đi làm hoài nhưng rồi cũng quen", Thư cười.

Khác với Minh Thư, anh Lê Văn Thức (quận 7) cho biết nếu mình không tối giản thì cũng chẳng còn lựa chọn khác khi căn phòng trọ chỉ 20m2 có đến ba người ở.

"Tìm chỗ đặt bàn làm việc còn khó chứ đừng nói mua giường mua tủ. Không gọn gàng thì cũng đâu có chỗ bừa bộn, ở phòng trọ giá rẻ nên cũng đâu có nhiều tiền mà mua thêm đồ", Thức nói.

Không giường, cũng chẳng có nệm, chỗ ngủ của Thức chỉ có gối nằm và chiếu nhỏ vừa một người. Phòng có bếp nhưng Thức rất ít khi nấu ăn. Anh nói mình chẳng phải vì lười hay không biết nấu mà sợ mua đồ ăn về rồi phải mua thêm tủ lạnh, bếp gas, nồi, chảo.

Còn quần áo thì anh phân loại, đồ thường mặc treo lên sào chung của cả phòng, ít dùng gấp vào vali.

"Tôi đã quen với cách sống này nên không thấy khó chịu gì cả. Vậy cũng khỏe, đi làm về mua cơm ăn, tắm rửa rồi trải chiếu ngủ thôi, không lo nấu nướng, giường nệm gì cho mệt", Thức cười chia sẻ.

Đồ đạc ít, hạnh phúc nhiều

Minh Thư thì thấy thoải mái hơn khi không gian sống trở nên gọn gàng, thoáng đãng. Bỏ giường cũng khiến Thư siêng năng ngồi làm việc hơn vì trải nệm ra rất phiền toái. "Điều tôi thấy ưng ý nhất là đã tiết kiệm kha khá tiền mua quần áo so với trước đây và tiền thanh lý đồ có thể dùng để làm việc khác", cô nói.

Với Bích Huệ, tối giản là phong cách sống nên nó hiện diện tất cả các mặt của cuộc sống. Cô nói: "Tôi không đưa mọi thứ về mức căn bản nhất mà là hiểu rõ giá trị của từng thứ mình sở hữu, của từng khoản chi. Khi du lịch hoặc tiệc tùng, nếu tôi tổ chức cũng luôn tính toán cho vừa đủ, cố gắng không có thức ăn thừa, sự vừa vặn như vậy luôn là một niềm vui của tôi".

Là người con sinh ra ở vùng quê vừa có núi vừa có biển như Ninh Thuận, Huệ có tình yêu lớn với thiên nhiên. Cô hiểu rác thải nhựa sẽ có nhiều tác hại đến môi trường, kể cả các hạt vi nhựa cũng có thể đi vào cơ thể con người.

Bên cạnh tắt điện khi không cần thiết, cô chọn nấu ăn tại nhà, hạn chế order trà sữa để hạn chế các loại rác nhựa và cô mang theo túi khi đi siêu thị, bình riêng để mua nước uống.

Từ ngày nghiêm túc theo đuổi việc tối giản, Huệ thấy phong cách sống này khiến mình trở nên logic, tư duy nhiều. Cô tâm sự: "Bản thân cũng kỷ luật hơn, cân đo đong đếm và thấu đáo hơn từng việc nhỏ mình làm, từng món đồ mình mua. Tôi sở hữu vừa đủ, không phải quản lý cuộc sống mình quá nhiều, vì vậy lối sống tối giản mang lại cho mình sự tự do".

Chưa có thống kê cụ thể về xu hướng sống tối giản của người Việt, song nghiên cứu người tiêu dùng 2024 của Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ mới đây cho biết người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp áp lực chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới việc họ cắt giảm các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho đồ thiết yếu, đồng thời đưa ra quyết định mua sắm cẩn trọng hơn.

_____________________________________

5 năm du học và làm việc tại các thành phố Nagoya, Osaka và Fukuoka, Nhật Bản, cô dần tự nhận ra nhiều điều tích cực của lối sống tối giản.

Kỳ tới: Ở cái nôi lối sống tối giản

Khi người trẻ tập sống tối giản - Kỳ 1: Dần quen cuộc sống có gì xài nấy - Ảnh 3.‘Sống tối giản’ có chỉ đơn thuần là ‘mốt’?

Vì đâu mà giới trẻ vẫn không ngừng rủ nhau ‘sống đơn giản cho đời thanh thản’, hay ‘quét hết đi, sống không lo nghĩ’?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp