Tùy môi trường sống, việc làm, điều kiện cá nhân, mục tiêu và đam mê mà mỗi người có thể chọn một lối sống phù hợp, thoải mái cho chính mình cũng như đóng góp ích lợi cho xã hội.
Đặc biệt ngày nay càng không dễ dàng để theo đuổi lối sống tối giản trong bối cảnh mọi thứ kích thích tiêu dùng, mua sắm ngày càng tiện lợi.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, nhận định để hạn chế mua sắm linh tinh cần phải có hành động quyết liệt và nghiêm túc thực hiện, chứ chỉ ý thức thôi thì khó làm được.
Xu hướng tối giản sẽ còn phát triển
TS Lã Thị Nga cho biết: "Sống tối giản không hề dễ dàng khi người ta thường bị cuốn vào niềm vui mua sắm, thậm chí nghiện sở hữu đồ đạc. Nhưng nếu ai theo được lối sống tinh gọn nhu cầu và muốn đỡ lãng phí tiền bạc, dù chỉ theo một phần, cũng sẽ thấy cuộc sống trở nên tích cực, hài lòng với cuộc sống của mình hơn".
* Gần đây, xu hướng tiêu dùng tối giản, có gì xài nấy đang nổi lên trong giới trẻ khắp thế giới, từ các nước ở châu Mỹ cho tới châu Á, trong đó có Việt Nam. Góc nhìn của bà về xu hướng này thế nào và theo bà, nguyên nhân giới trẻ giới chuyển sang tối giản do đâu?
- Tôi và một số bạn bè mình có quan tâm tới lối sống tối giản và lâu nay cũng phần nào hướng tới. Tối giản là lược bỏ đi các chi tiết thừa, đồ dùng không cần thiết, chỉ giữ lại những cái quan trọng. Nó khá phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà mọi người cứ bị cuốn vào vòng quay đồ nọ đồ kia liên tục khiến không gian sống khá chật chội, bí bách và mệt mỏi.
Theo tôi, lý do chính để sống tối giản là mọi người có quá nhiều đồ đạc, mệt mỏi và phiền với việc dọn dẹp, tìm chỗ chứa hết đồ nọ đến đồ kia. Nhận ra không gian sống đang trở nên chật chội và tốn quá nhiều chi phí, người ta sẽ đặt câu hỏi là mua nhiều như vậy có cần thiết không, liệu mình có đang lãng phí.
Ngoài ra, mua về chỉ dùng đôi lần rồi vứt cũng ảnh hưởng môi trường bên ngoài. Do đó nhiều người chọn tối giản cũng như cách để bảo vệ môi trường, hướng tới lối sống bền vững. Tôi nghĩ xu hướng này hợp với thời đại và nó sẽ còn phát triển thêm.
Tôi thấy rõ là khi người ta cảm thấy mệt mỏi về tâm lý, lo toan đủ thứ, việc chuyển sang sống tối giản, tinh gọn đồ đạc rất nhanh sẽ trở nên nhẹ nhàng, đỡ suy nghĩ, muộn phiền hơn, giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.
* Mua sắm gần như trở thành hoạt động kinh tế tối thiểu. Nếu ai cũng sống tối giản thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng thế nào, thưa bà?
- Về kinh tế, lối sống tối giản tác động đến tăng trưởng trước mắt. Ai cũng tối giản thì nền kinh tế sẽ có tác động, nhất là những ngành phục vụ cuộc sống nhanh của mọi người. Tuy nhiên lâu dài chúng ta sẽ thấy tối giản ở đây không phải là không sắm gì, mà là hướng tới những món đồ chất lượng, bền, sạch. Nó thuộc về phát triển bền vững. Các giá trị liên quan đến việc sống tối giản cũng sẽ ra đời thêm.
Cốt lõi của tối giản là ưu tiên những gì có giá trị cho nhu cầu của mình nhất. Biện pháp mua đồ đa năng, nhiều công dụng là một hành động tốt để theo đuổi lối sống này. Hãy chậm lại, suy nghĩ lâu hơn để chọn mua sắm thiết bị chất lượng, nhiều công năng phục vụ tốt nhất cho cuộc sống mà chẳng tốn quá nhiều diện tích hay số lượng.
* Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình khi theo đuổi sống tối giản?
- Nhiều khách hàng của tôi thường được khuyến khích dọn lại mớ đồ đạc tràn ngập trong phòng để giải phóng tâm trí. Cần phân loại lại đồ nào sẽ dùng, món nào không còn giá trị với mình để cho đi. Trực tiếp phân loại và xem xét đồ đạc, khi đó sẽ hiểu mình muốn và cần gì, mỗi giai đoạn tâm lý nó cũng ảnh hưởng tới việc này.
Bên cạnh đó, để phân loại được thì nên ghi ra các món đồ của mình thành một check list. Khi liệt kê ra sẽ thấy rất rõ, hoặc khi muốn mua sẽ biết được nó có quan trọng không. Đôi khi không ghi, chỉ lẩm nhẩm trong đầu thì dễ quên lắm.
Đứng trước một món đồ, đừng vội mua ngay mà để một vài hôm cân nhắc, cảm nhận xem nó thật sự cần không. Chúng ta dễ bị tác động tâm lý nhất là khi đi theo đám đông, xem người ta mua gì đó một hồi mình sẽ bị cuốn vào hoặc thường bị chi phối bởi các món đồ đang là trend mà nhiều người mua.
Để hạn chế mua sắm linh tinh, mình phải chủ động tránh và dành thời gian cho các hoạt động giải trí hoặc học tập kiểu vừa học vừa chơi hữu ích khác thay vì lướt trang mua sắm hằng ngày. Ngoài ra cũng cần tắt thông báo từ app mua sắm, không vào app xem hàng thường xuyên.
"Toa thuốc" cho người muốn sống tối giản
Trong cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, tác giả Sasaki Fumio nhận định lối sống tối giản được hiểu là giới hạn tối thiểu cần thiết cho bản thân và cắt giảm đồ đạc, vứt bỏ mọi thứ, trừ những thứ quan trọng. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc.
Trong sách, tác giả Sasaki Fumio đã "kê toa thuốc cho căn bệnh" muốn vứt đi bằng 55 quy tắc vứt bỏ để sống tối giản. Chúng tôi xin trích đăng một số quy tắc của ông:
Trước hết hãy vứt bỏ suy nghĩ "Không bỏ được". Vứt đồ không phải là mình đang "mất đi", mà là đang "được lợi".
Đầu tiên hãy vứt những loại rác rõ ràng trước. Vứt những thứ đã không dùng trong một năm. Vứt những món đồ vốn chỉ sắm theo cách nhìn của người khác. Phân loại đồ dùng cần thiết và đồ dùng mong muốn. Chuyển những kỷ niệm thành dữ liệu sẽ giúp bạn dễ ôn lại kỷ niệm hơn.
Hãy vứt cái tổ mang tên "dọn dẹp". Tận dụng các cuộc bán đấu giá để giảm bớt đồ. Cắt đứt gốc phát sinh trong chuỗi gia tăng dụng cụ.
Mua một cái, giảm một cái. Đừng mua vì rẻ, đừng nhận vì miễn phí. Những món đồ thực sự cần thiết rồi sẽ quay về với bạn. Biết cảm ơn. Vứt đồ nhưng không vứt tình cảm.
Ngoài ra, tác giả Sasaki Fumio còn bổ sung 15 quy tắc dành cho người muốn giảm bớt nhiều đồ hơn nữa. Chúng tôi trích đăng một vài quy tắc: Sau khi nghĩ năm lần, hãy vứt đi. Thay đổi suy nghĩ về cách sử dụng thông thường của đồ đạc. Đừng quan trọng việc "nhất định phải có ít đồ", nhưng cũng đừng chỉ trích người có nhiều đồ.
Theo TS Lã Linh Nga, khác với tối giản, hà tiện là lối sống mà người ta chẳng muốn tiêu gì. Những người này thường hạn chế chi tiêu ngay cả những thứ quan trọng và thiết yếu nhất.
Còn người tối giản tập trung vào chất lượng, công năng, họ không mua đồ lãng phí. Nhưng có một số người hơi cực đoan khi tối giản cả nhu cầu ăn uống của mình, cuộc sống khá đơn điệu, nhàm chán.
Ý kiến bạn đọc
Minh Anh: Tôi chọn cách dung hòa, cân bằng giữa tối giản và tiết kiệm chứ không phải sống tằn tiện, kham khổ.
Thanh Hà: Theo tôi, nhiều người nhầm lẫn giữa sống tối giản và buông bỏ hết. Điều này không đúng. Tối giản là không chi tiêu, không "tha về" những thứ mình không cần, không có ích cho mình. Nhưng những thứ mình cần như chiếc ô tô để đi lại an toàn, những khóa học, những chuyến du lịch nghỉ dưỡng để tái tạo sức khỏe thì vẫn cần và vẫn nên đầu tư.
Hyle: Khi nào vứt rác bị tính phí cao thì sống lối tối giản mới thể hiện được.
Nguyen Hoang Lan: Tôi thì tối giản vì điều kiện của bản thân, môi trường sống và thu nhập của bản thân tạo nên tối giản từ trong nội lực, nhưng ai cũng tối giản và biết cách tối giản thì các tỉ phú bán hàng cho ai để trở thành tỉ phú?
Lê Thị Thủy: Tôi nghĩ mỗi người nên chọn cho mình một lối sống phù hợp với bản thân mình. Sống tối giản giúp người ta bớt bận tâm, áp lực, gánh nặng nhưng điều này chưa chắc đúng cho tất cả vì xã hội vẫn vận động và phát triển, trong đó có phát triển kinh tế, vật chất. Bản thân tôi thích sống tối giản nhưng tôi cũng tôn trọng người sống không tối giản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận