19/02/2024 12:03 GMT+7

Khi nghệ sĩ đam mê thể thao

HUY ĐĂNG
và 1 tác giả khác

Ca sĩ Đức Tuấn chạy bộ trăm cây số, diễn viên Nhan Phúc Vinh chinh phục cuộc đua lừng danh Ironman, ca sĩ Hoàng Bách bền bỉ chơi bóng đá hơn 20 năm bất chấp chấn thương nặng.

Ca sĩ Kyo York luôn săn tìm những cung đường đạp xe mới mẻ cho bản thân - Ảnh: NVCC

Ca sĩ Kyo York luôn săn tìm những cung đường đạp xe mới mẻ cho bản thân - Ảnh: NVCC

Đó là những câu chuyện truyền cảm hứng mà đôi lúc chúng ta ngỡ ngàng nhận ra - họ vốn là những người nghệ sĩ ngày ngày quần là áo lượt trước ánh đèn sân khấu. Thể thao mang lại sức khỏe, niềm vui, tinh thần lạc quan. Với những người làm công việc trình diễn nghệ thuật, nhu cầu tập thể thao có thể còn hơn cả vậy.

Bài bản như đội bóng nghệ sĩ

Bóng đá luôn là môn thể thao vua, cả trong cộng đồng nghệ sĩ cũng vậy. Cùng với sự phát triển của bóng đá phong trào tại Việt Nam, vài năm gần đây ngày càng có nhiều đội bóng thuộc giới nghệ sĩ ra đời. Có thể kể ra những đội bóng nghệ sĩ như Runam Star United, FC Nghệ Sĩ, Artist United FC, Hometex, Nghệ Sĩ Trẻ Sài Gòn…

Các đội bóng này có điểm chung là đều được tổ chức bài bản, sinh hoạt không khác gì một CLB chuyên nghiệp. Nhờ tên tuổi của những người tham gia, các đội bóng đều có nhiều nhà tài trợ. Và tất nhiên là một page với số lượng người theo dõi "khủng" để quảng bá các hoạt động của đội bóng.

Những CLB nghệ sĩ thường sinh hoạt định kỳ mỗi tuần 1 trận. Có nhiều nghệ sĩ chia sẻ họ phải thay đổi lịch quay và các sự kiện cá nhân chỉ vì "ghiền" cảm giác được ra sân thi đấu.

Nhưng điều đáng nói hơn cả là các đội nghệ sĩ đều rất mạnh ở mảng thiện nguyện. Họ lấy thiện nguyện làm tiêu chí hàng đầu trong quá trình hoạt động và dùng bóng đá để làm phương thức cho các hoạt động. Cứ khoảng 2-3 tuần, các đội bóng đặc biệt này sẽ có một hoạt động thiện nguyện ý nghĩa gắn với bóng đá.

Ca sĩ Hoàng Bách đều đặn ra sân bóng suốt hơn 20 năm qua - Ảnh: DẤU ẤN SÂN CỎ

Ca sĩ Hoàng Bách đều đặn ra sân bóng suốt hơn 20 năm qua - Ảnh: DẤU ẤN SÂN CỎ

Thể thao là sức bật

Đam mê thể thao có lẽ ai cũng có, nhưng vì sức ép công việc, nhiều người thường thoái thác việc tập luyện. Đời sống nghệ sĩ càng dễ rơi vào tình cảnh này. Ca sĩ Hoàng Bách chia sẻ hàng chục năm qua anh vẫn quen với việc ăn khuya vì trình diễn vào ban đêm.

"Tôi thường hay ăn khuya, nhiều lúc diễn xong chơi liền hai tô hủ tiếu. Đến gần tuổi 40 mới dần nhận ra cơ thể mình đã sa sút như thế nào", Hoàng Bách kể. Và từ đó, bên cạnh đam mê bóng đá, ca sĩ quê Nam Định đều đặn tập gym mỗi tuần hai buổi. Anh còn xây hẳn một phòng tập gym chuyên dụng trong nhà để đốc thúc bản thân.

Thể thao ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống, phản ánh rõ nét qua sự nghiệp của đời người nghệ sĩ. Cựu VĐV nhảy cao chuyên nghiệp (nay là HLV Nguyễn Thị Ngọc Tâm) chia sẻ nhiều năm qua, nhiều nghệ sĩ độ tuổi vị thành niên thường được đưa đến trung tâm thể dục của chị với một yêu cầu rất đặc thù - phát triển chiều cao.

"Lấy ví dụ như ca sĩ - kiện tướng dancesport Hoàng Mỹ An. Năm Mỹ An 13 tuổi, HLV Khánh Thi có nhờ tôi tập luyện cho em để phát triển chiều cao. Năm đó Mỹ An cao khoảng 1,50m, mà con gái đến chừng 14 - 15 tuổi là thường hết cao rồi nên cũng có hơi sốt ruột. Nhưng sau thời gian dài tập luyện, chịu khó gò vào chế độ dinh dưỡng phù hợp, Mỹ An cao đến khoảng 1,60m", HLV Ngọc Tâm chia sẻ.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác được HLV Ngọc Tâm chia sẻ là lần cô huấn luyện riêng cho ca sĩ Đức Tuấn cách đây hơn 10 năm. "Khi đó ca sĩ Đức Tuấn còn chưa phải là dân chơi thể thao như bây giờ, nhưng tôi đã rất ấn tượng với sự quyết liệt của anh. Anh Tuấn chủ động phối hợp những bài tập với kỹ năng trình diễn. Tôi nhớ nhất là việc anh Tuấn vừa chạy thật nhanh vừa hát lớn", HLV Ngọc Tâm nói thêm.

Còn ông Vũ Đình Hoàng Tùng (hiệu phó Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM), cũng là một HLV taekwondo, chia sẻ nhiều diễn viên chủ động tìm đến lớp võ của ông để tập thời gian ngắn hạn. "Diễn viên luôn có cascadeur trong phim, nhưng họ vẫn cần thực hiện một số động tác, đặc biệt là các động tác võ thuật. Vì từng là HLV quyền taekwondo nên có nhiều diễn viên nhờ tôi tập riêng cho một số tư thế. Họ tập rất nghiêm túc, một số còn xuất thân là VĐV - như diễn viên Lê Xuân Tiền - nên nhanh chóng tiếp thu các động tác võ thuật", ông Tùng kể.

Hào nhoáng dưới ánh đèn sân khấu là thế, nhưng một khi đã bước ra sân chơi thể thao, những nghệ sĩ luôn sẵn sàng vắt đến từng giọt mồ hôi cuối cùng.

Nghe các nghệ sĩ kể chuyện chơi thể thao

Từ ngày 1-1-2024, báo Tuổi Trẻ đã thành lập chuyên mục Khỏe 360 với mục đích cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích về việc tập luyện, dinh dưỡng, tư vấn của bác sĩ liên quan đến việc chơi thể thao.

Bên cạnh đó, chuyên mục Khỏe 360 còn mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt, mà đối tượng nghệ sĩ chính là những đại sứ thú vị. Thời gian tới, các độc giả có thể đón đọc nhiều câu chuyện đặc biệt về quá trình chơi thể thao của các nghệ sĩ, như chuyện ca sĩ Hoàng Bách vượt qua hai ca mổ gối vì chấn thương trên sân bóng, ca sĩ Kyo York chinh phục những cung đường đạp xe đầy thử thách, hay các trận đấu tưng bừng của những đội bóng nghệ sĩ…

Vì sao tuổi 40 là độ tuổi nhạy cảm của việc chơi thể thao?Vì sao tuổi 40 là độ tuổi nhạy cảm của việc chơi thể thao?

Bác sĩ Võ Châu Duyên - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, đơn vị y học thể thao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - đưa ra lời khuyên về việc tập luyện dành cho những người trung niên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp