08/02/2023 09:43 GMT+7

Khi nào nhân tuyến giáp ở mức độ nguy hiểm?

Sau khám sức khỏe, nhiều người nhận kết quả có nhân tuyến giáp, cùng với ghi chú Tirads từ 1, 2, 3, 4 đến 5. Điều này khiến nhiều người lo lắng, không biết ở mức độ nào là nặng, có chuyển thành ung thư hay không?

Bác sĩ Đặng Thanh Hồng - khoa nội 1 Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - thăm khám một trường hợp có nhân tuyến giáp - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ Đặng Thanh Hồng - khoa nội 1 Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - thăm khám một trường hợp có nhân tuyến giáp - Ảnh: XUÂN MAI

Các bác sĩ cho biết nhân giáp (nhân tuyến giáp) là tình trạng phổ biến với 60-70% người dân có nhân giáp và 90% là lành tính.

Sợ chuyển thành ung thư, muốn đi xét nghiệm thêm

Được chỉ định siêu âm tuyến giáp trong gói khám sức khỏe tổng quát, bà N.T.Đ. (65 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) nhận kết quả có nhân giáp thùy phải Tirads 4. Không những lo lắng bệnh tình của mình chuyển sang ung thư, bà Đ. còn rơi vào tình trạng hoang mang khi không hiểu được ý nghĩa của cụm từ Tirads 4 là gì, có cần hóa trị hay xạ trị gì hay không.

Chị P.T.H.V. (33 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) cho biết vào tháng 11-2022 khi đi khám sức khỏe tổng quát tại bệnh viện địa phương và phát hiện có nhân giáp thùy phải và trái. Bác sĩ tại đây yêu cầu chị V. đến bệnh viện chuyên sâu để chọc tế bào.

Một tháng sau, chị V. tiếp tục đến một bệnh viện khác khám lại, thì bác sĩ không cho chọc tế bào vì nhân giáp còn nhỏ (nhân thùy phải Tirads 2, nhân thùy trái Tirads 3). Với tình trạng nhân giáp này, bác sĩ khuyên chị V. chỉ cần theo dõi 6 tháng và tái khám. 

"Mỗi nơi khám bệnh có lời khuyên khác nhau, tôi cũng hoang mang và không biết Tirads 2, 3 thì nguy hiểm ở mức độ nào, có cần siêu âm lại nữa không", chị V. chia sẻ.

Bác sĩ Đặng Thanh Hồng - khoa nội 1 Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho hay ung thư tuyến giáp thường diễn biến âm thầm và kéo dài nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường bỏ qua cơ hội tầm soát.

Hiện nguyên nhân gây ra ung thư tuyến giáp chưa xác định cụ thể. Tuy nhiên qua quá trình thăm khám ghi nhận người từng tiếp xúc với những chất phóng xạ, hoặc từng dùng thuốc phóng xạ trong điều trị bệnh, hoặc dùng nhiều muối iốt... thì dễ bị ung thư tuyến giáp hơn.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) - thông tin nhân giáp là tình trạng phổ biến với 60-70% người dân có nhân giáp và 90% trong số này là lành tính. 

Do đó, việc lạm dụng siêu âm cổ nhằm tầm soát ung thư giáp là không cần thiết, không khoa học và có thể gây thêm biến chứng do can thiệp gây ra vì phần lớn ung thư giáp diễn tiến chậm, không gây bất lợi cho người bệnh.

Tirads là gì và mức độ nào là ác tính?

Bác sĩ Vũ cho biết thêm, Tirads là hệ thống ghi nhận và đánh giá bướu (nhân) giáp dựa trên siêu âm. Trong đó Tirads 1 là tuyến giáp bình thường, 2 là nhân giáp lành tính, 3 là nhân có khả năng lành tính, 4 là nghi ngờ ác tính, 5 là nghi ngờ ác tính cao.

Lưu ý là phân độ Tirads có tính gợi ý, dựa trên hình thái siêu âm, không phải là chắc chắn một khối u lành tính hoặc ác tính, chắc chắn nhất là dựa trên xét nghiệm khối u. Do đó vẫn có âm tính giả và dương tính giả, và cần bác sĩ chuyên khoa đánh giá, hướng dẫn. Người dân không nên tự tra cứu và suy diễn, gây hoang mang không đáng có.

"Người dân nên đi khám khi có khối sưng gồ tại cổ hoặc hạch cổ, khàn tiếng kéo dài. Chưa kể có hiện tượng một số nhân viên y tế hù dọa, lạm dụng xét nghiệm và can thiệp khiến người dân lo lắng, tốn kém không cần thiết", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Còn bác sĩ Đặng Thanh Hồng cho hay với mỗi mức độ Tirads sẽ xác định được mức độ nghi ngờ để có phương án điều trị phù hợp. Thực tế, bệnh nhân có kết quả Tirads 3, các bác sĩ sẽ không chọc hút. Nhưng với dạng nang tuyến giáp thì phải chọc hút tế bào dưới hướng dẫn của siêu âm vì chúng có thể là nang lành tính hoặc ác tính, do đó mức độ nguy cơ có thể không chính xác.

Theo thống kê có khoảng 10-12% nang tuyến giáp là ác tính. Do đó nguy cơ bỏ sót 10-12% người mang nang tuyến giáp ác tính, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Với thủ thuật chọc hút dưới siêu âm làm cho kết quả chắc chắn hơn và tỉ lệ 10-12% bỏ sót sẽ được "xóa sạch".

Để phòng bệnh tuyến giáp, các bác sĩ khuyến cáo cần đi khám sức khỏe định kỳ với người có sức khỏe bình thường. Với người đã có nhân giáp, cần tái khám theo sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý, không thiếu và thừa iốt…

Tại sao từ lành tính chuyển thành ác tính?

Trả lời thắc mắc tại sao nhiều người có kết quả xét nghiệm nhân giáp lành tính nhưng chỉ một thời gian sau chuyển thành ác tính, bác sĩ có bỏ sót không; bác sĩ Đặng Thanh Hồng lý giải ung thư tuyến giáp có thể có một nhân hoặc nhiều nhân.

Những tổn thương ung thư thường nằm quanh nhân đó, không phải tự nhân đó biến thành ung thư. Hầu hết bệnh nhân chưa hiểu được diễn tiến tự nhiên bệnh học của bệnh lý tuyến giáp, do đó bác sĩ tư vấn kỹ cho bệnh nhân.

Lấy trọn khối u tuyến giáp dính khối u mạch máu gần nửa ký trên mặt nữ bệnh nhânLấy trọn khối u tuyến giáp dính khối u mạch máu gần nửa ký trên mặt nữ bệnh nhân

TTO - Không những có khối u tuyến giáp lớn, nữ bệnh nhân 47 tuổi còn kèm khối u mạch máu lan rộng vùng mặt và cổ. Hai khối u này dính nhau, dễ chảy máu, chèn ép và đẩy lệch nhiều cơ quan khiến cuộc mổ diễn ra khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp