Nhiều phụ nữ, trẻ em và người già đến nhà văn hóa thôn Thành Phát trú bão - Ảnh: MINH CHIẾN
Trong nhà văn hóa thôn Thành Phát, xen lẫn tiếng trẻ thơ nô đùa là những tiếng thở dài, lo lắng của người lớn, trong khi chiếc loa phát thanh liên tục phát đi lệnh yêu cầu di dời dân, đảm bảo an toàn mùa mưa bão.
Dù đã đến nơi trú tránh an toàn, nhiều người dân xóm Núi vẫn không quên ký ức kinh hoàng của 4 năm về trước khi cơn bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào Khánh Hòa khiến 44 người chết, hơn 2.000 căn nhà bị phá hủy. Riêng thôn Thành Phát gần như bị san phẳng.
Chị Lê Thị Thơm (37 tuổi) nhớ lại: "Hôm đó cứ nghĩ bão nhỏ không ảnh hưởng gì, nhưng gió mỗi lúc một mạnh, mưa như trút khiến đất đá trên núi đổ ầm ầm xuống nhà. Vợ chồng tôi chỉ kịp bế con tháo chạy. Trong khi nhà chị dâu ở sát bên bị đá đè chết 2 người. Giờ hay tin bão ai cũng sợ, thu dọn đồ đạc xuống nhà văn hóa thôn ngay".
Để đảm bảo an toàn cho bà con, UBND xã Phước Đồng đã bố trí lực lượng dân quân, cơ sở vật chất hỗ trợ người dân đi tránh bão.
Cụ Nguyễn Thị Kiệm (81 tuổi) cảm động nói: "4 năm trước cũng bão số 12 làm tan hoang hết cả, nay cũng là bão số 12 nên hai vợ chồng tôi lo lắm, nhà thì quây tạm bằng tôn bão thổi lúc nào không hay. May nhờ mấy chú cán bộ xã đến tận nhà cõng hai vợ chồng xuống núi, giờ được ở đây yên tâm rồi".
Dù trời đã khuya, mưa không ngừng nhưng cán bộ xã Phước Đồng vẫn đến từng nhà dân vận động di dời - Ảnh: THANH TRÚC
Những người già và trẻ em luôn được ưu tiên hỗ trợ - Ảnh: MINH CHIẾN
Ông Bùi Cao Pháp - phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng - cho biết toàn bộ dân hai thôn Thành Phát và Thành Đạt phải di dời về nhà văn hóa thôn. Người già và trẻ em được đưa xuống trước 18h, thanh niên, người lớn xuống sau. Kiên quyết không để ai lại nhà, có thể cưỡng chế nếu người dân không chịu hợp tác.
Sau khi tập hợp đủ sẽ đưa dân về Trường THCS Lê Thanh Liêm và Trường tiểu học Phước Thịnh.
"Hiện cơ sở vật chất tại 2 trường học đã chuẩn bị sẵn sàng đón bà con, chúng tôi cũng bố trí đồ ăn thức uống cùng chăn mền và dân quân hỗ trợ theo phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo an toàn tuyệt đối" - ông Pháp chia sẻ.
Bữa ăn vội của gia đình ông Nguyễn Văn Khuê (74 tuổi) trước khi bão đến - Ảnh: MINH CHIẾN
Người dân được hỗ trợ đưa lên xe đến các điểm trường trên địa bàn nơi có cơ sở vật chất tốt để tránh bão - Ảnh: MINH CHIẾN
Chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho người dân - Ảnh: XUÂN HOÀNG
Các phòng học được biến thành phòng tránh bão an toàn - Ảnh: XUÂN HOÀNG
Được biết, phần lớn người dân tại xóm Núi thôn Thành Phát là những lao động nghèo, vì điều kiện kinh tế khó khăn phải sống trong những căn nhà tạm bợ nên mỗi mùa mưa bão đến lại là một "mùa lo" với người dân nơi đây.
Trùm chiếc chăn bông ngồi trong lòng mẹ, cô bé Nguyễn Thiên An (9 tuổi) bất giác hỏi: "Sao mỗi lần bão vô mình phải xuống đây, khi nào mình mới hết trốn bão hả mẹ?".
Câu nói vô tư của cô bé như khiến những người trú tại nhà văn hóa nghẹn ngào, khi đây chính là niềm mong mỏi bấy lâu. Họ hi vọng sẽ được tái định cư ở vùng đất mới, được có một căn nhà kiên cố để che mưa che nắng. Đặc biệt không còn sống trong cảnh lo sợ mỗi mùa bão về...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận