Bộ Y tế đã họp với bệnh viện, nhưng bao giờ giải quyết thấu đáo tình trạng này?
Hoãn mổ... nửa năm
13h trưa ngày 2-4, N.Q. (23 tuổi, ở Thái Bình) có mặt trước khoa khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức để chờ hội chẩn lại sau gần nửa năm bị hoãn mổ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Q. chia sẻ chính xác là 5 tháng 15 ngày Q. phải chờ đợi để được mổ gãy cột sống do tai nạn giao thông. Trước đó, ngày 12-10-2023, Q. đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám và được sắp lịch mổ vào ngày 18-10.
"Năm ngày sau, tôi nhập viện vào khoa phẫu thuật cột sống để chuẩn bị lên bàn mổ gãy cột sống. Trước đó 6 năm, tôi cũng gặp tai nạn giao thông và mổ tại bệnh viện nên rất tin tưởng các bác sĩ.
Ngày mổ, tôi đã được hướng dẫn nhịn ăn từ hôm trước, mặc quần áo bệnh nhân, sẵn sàng cho ca phẫu thuật. Bác sĩ cũng đã đánh dấu vùng sẽ mổ trên cơ thể. Thế nhưng, khi chuẩn bị phẫu thuật thì bác sĩ thông báo thiếu vật tư và phải hoãn mổ", Q. kể.
Lúc ấy, Q. đã vội hỏi bác sĩ khi nào sẽ có vật tư thì chỉ được thông báo chắc phải sang năm (tức năm 2024). "Khi về thu dọn để xuất viện, tôi mới hỏi mọi người trong phòng thì hóa ra nhiều người cũng phải chờ 6-7 tháng mới có lịch mổ", Q. nói.
Trở về nhà, Q. thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho bác sĩ để hỏi về việc bao giờ có vật tư để mổ thì chỉ nhận được câu trả lời "chưa có".
Q. bộc bạch do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể phẫu thuật tại bệnh viện tư. Cô gái trẻ cũng vừa tốt nghiệp đại học, xin được một công việc kế toán tại địa phương.
Cứ nghĩ ca mổ diễn ra suôn sẻ, Q. sẽ dần ổn định cuộc sống nhưng cuối cùng gần nửa năm qua, cô gái trẻ gặp phải nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như giao tiếp trong cuộc sống.
"Bây giờ, từ 6h sáng đến 6h chiều tôi đều phải đeo đai định hình cột sống. Trước kia tôi hoạt bát, tự tin bao nhiêu thì bây giờ tự ti bấy nhiêu. Mọi vận động đều bị hạn chế, đi lại khó khăn, lúc nào cũng phải mặc quần áo rộng để che đi khiếm khuyết cơ thể.
Điều khổ sở hơn cả là tại nơi làm việc, tôi vẫn chỉ là nhân viên tập sự vì tôi sợ nếu có lịch mổ sẽ khiến công việc bị gián đoạn, ảnh hưởng đến công ty. Bởi vậy, tôi rất mong được mổ sớm để sớm ổn định cuộc sống, lấy lại tinh thần", Q. buồn nói.
Ngày 28-3, khi nghe tin Bệnh viện Việt Đức đã đấu thầu được nhiều hạng mục vật tư, Q. tức tốc lên bệnh viện thăm khám và được hẹn ngày 9-4 sẽ tiến hành ca mổ.
Ngày 1-4, Q. nhận được điện thoại từ bệnh viện hẹn ngày hôm sau lên làm các xét nghiệm, hội chẩn. Dù vậy, Q. vẫn hoang mang không biết có bị hoãn mổ như lần trước hay không.
Chấp nhận chi thêm bộn tiền vì không thể chờ
Không chỉ riêng N.Q., thời gian qua không ít người bệnh ngậm ngùi chờ đợi vì thiếu vật tư. Cũng không ít người bệnh vì không thể chịu đau đớn nên đành mổ tại các bệnh viện tư nhân với chi phí cao gấp đôi.
Tháng 12-2023, anh N.C. (trú tại tỉnh Thanh Hóa) bị gãy xương gò má và được điều trị tại một bệnh viện địa phương. Sau đó, anh C. xin chuyển tuyến đến Bệnh viện Việt Đức.
"Chờ đợi mãi mới làm xong thủ tục chuyển tuyến nhưng khi nhập viện bác sĩ nói không có vật tư và không biết khi nào mới có. Tôi cũng tham khảo nhiều bệnh nhân trên các nhóm cộng đồng, có người chờ đến 6-7 tháng, vậy nên tôi đã ra bệnh viện tư để mổ. Số tiền tính ra cao gấp đôi nếu được mổ trong bệnh viện công, có bảo hiểm y tế", anh C. nói.
Chị L. (trú tỉnh Ninh Bình) chia sẻ tháng 3 vừa qua cũng đưa chồng ra Bệnh viện Việt Đức nối gân đầu gối. Sau khi thực hiện các chỉ định, chụp cộng hưởng từ, chồng chị được chỉ định phẫu thuật.
"Tuy nhiên bác sĩ nói hết vật tư, không biết chính xác khi nào mới có thể mổ nên tôi đưa chồng sang bệnh viện khác mổ theo yêu cầu. Chi phí cho cuộc phẫu thuật là gần 90 triệu đồng", chị L. nói.
Bệnh viện nói đang đẩy mạnh đấu thầu
Nói về tình trạng mua sắm vật tư y tế tại bệnh viện, ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho hay trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện tới 75.000 ca phẫu thuật. Thời gian qua có những lúc bệnh viện này thiếu thuốc, vật tư, tuy nhiên "đó là những lúc thiếu trong tổng thể thiếu chung".
Tại thời điểm này, bệnh viện vừa có kết quả gói mua sắm theo hình thức áp kết quả thầu quy mô hơn 400 tỉ đồng. Gói thầu 400 tỉ đồng là một "góc nhỏ" trong tổng gói thầu lớn và cũng chỉ có thể phục vụ được nhu cầu phẫu thuật trong hơn 2 tháng.
Ông Hùng thông tin thêm với gói thầu hơn 400 tỉ đồng này, một số hàng hóa, vật tư đã và đang về bệnh viện. Bên cạnh đó còn có 6 gói thầu với 131 mặt hàng, tổng giá trị 71,5 tỉ đang thực hiện và sẽ sớm có kết quả trong tuần tới.
Cùng một số mặt hàng đã duyệt dự toán và lập, thẩm định, chờ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm 5 gói thầu với tổng số 219 mặt hàng, tổng giá trị 151,5 tỉ đồng.
"Tại bệnh viện bình thường số lượng mua sắm luôn ở mức 130% kế hoạch, tức là đã tính cả những tình huống bất thường chưa kịp mua. Nhưng thời gian qua số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới, cơ sở khác đến rất đông, ảnh hưởng đến dự trù vật tư.
Tuy nhiên hoạt động mổ cấp cứu và ghép tạng vẫn đảm bảo đủ thuốc và vật tư. Trung bình hiện bệnh viện thực hiện 30-40 ca phẫu thuật cấp cứu/ngày, chúng tôi nỗ lực nhất để đảm bảo phục vụ cấp cứu cho người bệnh", ông Hùng nói.
Đối với thuốc, ông Hùng cho biết nhu cầu sử dụng thuốc của cơ sở này không quá lớn, chủ yếu dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, gây mê... nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Bệnh viện còn một số băn khoăn
Thời gian qua CLB Giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc và giám đốc các bệnh viện mắt cả nước đã có hai hội nghị cùng nội dung làm sao để mua sắm được vật tư.
Tình hình chung là không chỉ Việt Đức mà rất nhiều bệnh viện gặp tình trạng thiếu thốn vật tư y tế. Theo đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện đã có cơ bản cơ sở pháp lý để bệnh viện đấu thầu mua sắm vật tư.
Tuy nhiên theo đại diện Bệnh viện Mắt TP.HCM, bệnh viện còn một số băn khoăn về phân nhóm trang thiết bị, phân nhóm nhu cầu, về xác định giá trọn gói... và đợi Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn các điểm còn chưa rõ ràng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận