Cây xăng tại địa chỉ số 48 quốc lộ 22 (ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) thông báo hết xăng vào lúc 10h10 ngày 26-10. Rất nhiều khách hàng biết cây xăng treo biển "hết xăng" nhưng vẫn chạy vào hỏi, tuy nhiên người đàn ông ngồi tại cây xăng lắc tay và cho biết hết xăng thật - Ảnh: NGỌC HIỂN
Dân khổ nhiều rồi, hết dịch tới xăng
Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, trên đường Xuyên Á (quốc lộ 22), tuyến đường quan trọng nối giữa TP.HCM đi phía tây TP và tỉnh Tây Ninh, có gần 10 cây xăng hết xăng hoặc bán giới hạn trên đoạn đường chỉ hơn 10km.
Nhiều tài xế xe tải và người dân hết sức mệt mỏi khi trên đoạn đường này có chín cây xăng hoạt động cầm chừng, trong đó có bảy cây xăng thông báo hết xăng và hai cây xăng chỉ bán theo định mức 50.000 đồng mỗi lần đổ.
Cùng cảnh ngộ, bạn đọc Tâm cho biết: "Mình ở Củ Chi ngay khu trung tâm thị trấn. Hễ chiều tối là xác định không có một cây xăng nào còn".
Bạn đọc Tan thuong Huynh thông tin thêm: quận 12 và Hóc Môn có nhiều cây xăng thông báo hết xăng. "Mong Bộ Công Thương làm việc khu vực này, dân chúng tôi khổ nhiều rồi, hết dịch tới xăng".
Trước đó, tại TP Thủ Đức, anh Tuấn Lê cho hay: Tới hôm nay (25-10) mà ở Thủ Đức vào một số cây xăng cũng chỉ cho đổ 30.000 đồng hoặc 50.000 đồng, không cho đổ thêm, đúng thật của họ họ muốn bán bao nhiêu thì bán!
Cũng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại ĐBSCL, nhiều cây xăng vẫn mở cửa nhưng vô thì nhân viên nói hết xăng.
Theo bạn đọc Nguyễn Thành Phước, "Bộ Công Thương nói vẫn đảm bảo nguồn cung và số cây xăng đóng cửa rất ít. Thực tế khác xa và vẫn chưa thấy động thái gì để giải quyết vấn đề này".
Trong khi đó ở Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp xin ngừng kinh doanh xăng dầu, tình trạng "hết xăng còn dầu" diễn ra khá phổ biến.
Bạn đọc có nick name Nguyen kêu lên: "Đến khi nào người dân mới hết khổ vì xăng?".
Cửa hàng xăng dầu Mỹ Phú (Châu Phú, An Giang) không đóng cửa, không treo bảng nhưng khi người dân vào đổ xăng thì nhân viên nói hết xăng. Ảnh chụp vào 14h ngày 26-10 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm đi chứ!
Không chỉ các đại lý xăng dầu ở TP.HCM, hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL tái diễn cảnh "hết xăng còn dầu" hoặc bán theo định mức 30.000 - 50.000 đồng/lần đổ xăng. Trách nhiệm của ai và công tác quản lý như thế nào mà "khan hiếm cục bộ".
Ý kiến bạn đọc Dương Văn Tuấn
Đề cập hệ lụy từ tình trạng "cây xăng hết xăng", An Huỳnh nêu: "Nếu thật sự bị thiếu xăng thì nên xem lại. Còn nếu có gì đó khuất tất thì nên có biện pháp chứ để tình trạng này thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân".
Để xảy ra chuyện này, Lê Đức cho rằng: "Phải xem lại cách điều hành của Bộ Công Thương. Giá thị trường phải tuân theo quy luật cung cầu, không phải muốn là được".
Chuyện "hết xăng còn dầu" cứ tồn tại dai dẳng suốt thời gian gần đây, khiến bạn đọc Dương Văn Tuấn sốt ruột: "Trách nhiệm của ai và công tác quản lý như thế nào mà 'khan hiếm cục bộ'"?
Cùng chung câu hỏi, Hồ Văn lên tiếng: "Không xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn thì tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở đâu?".
"Không thể chấp nhận" tình trạng cứ phải khổ sở vì chuyện đổ xăng, bạn đọc có nick name Nguyen hỏi thẳng: "Cơ quan nào, ai đó phải chịu trách nhiệm đi chứ!?".
Nỗi bức xúc của người dân trước chuyện cây xăng đóng cửa đã được nhiều đại biểu Quốc hội tuần qua thẳng thắn chuyển lời, đòi truy trách nhiệm khi các bộ lại đổ lỗi cho nhau. Cây xăng đóng cửa đã bất thường, các bộ đùn đẩy trách nhiệm cũng chẳng bình thường.
Chia sẻ thêm về câu chuyện Một cây xăng đóng cửa cũng bất thường, bạn đọc Tùng kết luận: "Đừng để bất cứ một cây xăng nào đóng cửa, gây xáo trộn cuộc sống người dân, đó mới là không bất thường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận