22/02/2025 11:27 GMT+7

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới?

Khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025? Quy chế sẽ có điểm mới quan trọng nào đáng lưu ý?

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - chia sẻ thông tin về quy chế tuyển sinh đại học trong buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Phú Yên sáng nay 22-2 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trong số hơn 5.000 học sinh có mặt tại buổi tư vấn ở Trường đại học Xây dựng Miền Trung (TP Tuy Hòa, Phú Yên) sáng nay 22-2, đa số đều bày tỏ sốt ruột vì đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025.

Nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học 2025

Chia sẻ tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết sau thời gian tiếp thu góp ý theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chế tuyển sinh đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành. Dự kiến cuối tháng 2, đầu tháng 3-2025 Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban quy chế chính thức.

Về những điểm mới của quy chế tuyển sinh, ông thông tin có yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quy định quy tắc quy đổi điểm tương đương điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào để xét tuyển.

Trước đây, để xét tuyển vào một ngành có nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau, khi đó các trường chia nhỏ chỉ tiêu cho từng phương thức, sau đó xét từ trên xuống dưới, việc xét tuyển dựa trên theo chỉ tiêu phân chia đến khi đủ chỉ tiêu để xác định điểm chuẩn trúng tuyển.

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới? - Ảnh 2.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 tại Phú Yên - Ảnh: TRẦN HUỲNH

"Dự thảo quy chế có nội dung các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển. Tuy nhiên theo ý kiến góp ý của xã hội, dự thảo quy định này sẽ áp dụng vào từ năm 2026", thầy Hùng chia sẻ.

Một quy định nữa trong dự thảo quy chế có quy định điểm cộng ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh không sử dụng quyền xét tuyển thẳng, chỉ được cộng điểm tối đa 10% tổng điểm xét tuyển. Ví dụ với 3 môn 30 điểm thì điểm cộng tối đa 3 điểm.

Do chương trình học thay đổi nên Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo có tổ chức kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới? - Ảnh 3.

TS Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp thắc mắc về quy chế tuyển sinh đại học cho học sinh tỉnh Phú Yên - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Vì sao bỏ xét tuyển sớm, khi nào bắt đầu đăng ký xét tuyển?

Về xét tuyển sớm, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho hay sau khi xin ý kiến xã hội nhiều thí sinh, cơ sở đào tạo, sở giáo dục và đào tạo đề nghị bỏ xét tuyển sớm vì việc này gây tốn kém nguồn lực xã hội cho phương thức xét tuyển này mà không hiệu quả.

Đối với xét tuyển học bạ, những năm trước các trường có thể xét tuyển 5 học kỳ, nhưng theo quy định mới các trường xét tuyển học bạ phải sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12.

Trước đây, đối với thí sinh xét tuyển thẳng trúng tuyển có thể nhập học trước hoặc chưa xác nhận nhập học để có thể tiếp tục tham gia đăng ký xét tuyển và quay lại xác nhận nhập học khi ngành xét tuyển không trúng tuyển. Tuy nhiên việc này gây ảo cho các cơ sở đào tạo nên dự thảo quy định đối với các thí sinh này sau có thông tin trúng tuyển thí sinh thực hiện quy định theo đợt chung.

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới? - Ảnh 4.

ThS Lê Văn Hiển chia sẻ thông tin tuyển sinh đại học với học sinh tỉnh Phú Yên - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Quy chế cũng quy định các đại học, trường đại học tổ chức thi riêng phải đưa dữ liệu điểm thi của thí sinh lên hệ thống, để tránh trường hợp thí sinh phải đến các trường này xin xác nhận điểm thi.

Khi thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức nào, các trường đều có thể lên hệ thống để tải dữ liệu về để xét tuyển. Việc này cũng giúp thí sinh không phải đi xác nhận các kết quả trong quá trình đăng ký xét tuyển.

Giải đáp thắc mắc khi nào thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển, ThS Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết: "Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố quy chế tuyển sinh đại học nhưng theo dự kiến, thí sinh phải đăng ký xét tuyển tất cả phương thức (trừ xét tuyển thẳng) theo kế hoạch chung của bộ, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT".

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới? - Ảnh 5.

Nhiều học sinh Phú Yên thắc mắc về cách thức xét tuyển đại học năm 2025 tại buổi tư vấn sáng nay 22-2 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM có khó hơn?

Tại buổi tư vấn, nhiều thí sinh thắc mắc kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ thay đổi ra sao, đề thi có khó hơn và việc đăng ký xét tuyển thế nào.

Theo ThS Phùng Quán - chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - năm 2025 Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (V-ACT), với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30-3 và ngày 1-6 tại 25 tỉnh/thành phố.

"Thời gian đăng ký dự thi V-ACT đã kết thúc hôm 20-2. Thí sinh làm thủ tục thanh toán được thực hiện đến hết 23-2-2025. Những trường hợp sai sót thông tin hoặc đã thanh toán nhưng chưa xác nhận, thí sinh liên hệ email [email protected] hoặc hotline kỳ thi để được hỗ trợ. Ngày 16-4 sẽ công bố kết quả thi. Còn việc xét tuyển hiện chung theo kế hoạch của bộ", thầy Quán lưu ý.

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới? - Ảnh 6.

ThS Cù Xuân Tiến giải đáp thắc mắc của học sinh trong buổi tư vấn sáng 22-2 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

ThS Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết thêm trong bối cảnh áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấu trúc bài thi, đề thi đánh giá năng lực của đại học này từ năm 2025 cần được điều chỉnh phù hợp.

Từ năm 2025 bài thi V-ACT được điều chỉnh lại mang tính của SAT nhiều hơn, đánh giá những năng lực cơ bản nhất, đặc biệt là năng lực tư duy khoa học cần thiết cho tất cả thí sinh.

Bài thi được giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt.

Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học, nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.

Câu hỏi thuộc nhóm tư duy khoa học là sự khác biệt. Phần này gồm các vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ, đời sống, chứ không thuộc về kiến thức riêng biệt từng môn lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật.

"Các câu hỏi trong đề thi đều cung cấp đầy đủ thông tin dưới dạng số liệu, dữ kiện, công thức, định nghĩa, quá trình và kết quả thí nghiệm. Thí sinh dựa vào tư duy logic, suy luận khoa học để tìm ra quy luật, lời giải. Điều này không yêu cầu thí sinh phải học chuyên sâu về các môn mà phải dựa vào năng lực đọc hiểu, suy luận", thầy Tiến nhấn mạnh.

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có điểm mới nào? - Ảnh 8.Học sinh Phú Yên thích thú trải nghiệm ngành học tại ngày hội tư vấn tuyển sinh

Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Phú Yên, gian tư vấn của các trường thu hút đông học sinh đến nghe trực tiếp về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm...

Khi nào công bố quy chế tuyển sinh đại học, có gì mới? - Ảnh 7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp