Vở cải lương Khi hoa nở trái mùa của Nhà hát Cải lương Hà Nội được cho là “ăn khách” nhưng tính trung bình mỗi tháng chỉ có thể sáng đèn theo hợp đồng được ba đêm Ảnh: Đ.Triết |
Thật khó khăn khi chúng tôi có ý định đỏ đèn liên tục các vở mới. Thôi đành ra mắt một đêm... |
NSƯT Trần Quang Hùng (giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội) |
“Nghệ thuật sân khấu thủ đô là nghệ thuật của khán giả được Nhà nước bao cấp. Đó là những khán giả được nhận giấy mời của nghệ sĩ từ các nhà hát, chứ không phải tự bỏ tiền túi của mình ra mua vé đến rạp, nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình!” - PGS.TS Trần Trí Trắc khi tổng kết Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ nhất (vừa diễn ra cuối tháng 9 và đầu tháng 10) đã có những lời nhận xét rất tâm huyết như thế.
Những đêm diễn ngắn ngủi
Những rạp Hồng Hà, Đại Nam, Kim Mã, Chuông Vàng, số 1 Tràng Tiền, Tuổi Trẻ... luôn tấp nập khán giả trong những đêm liên hoan hay ra mắt vở mới của hơn mười đơn vị nghệ thuật đang đứng chân trên đất Hà Nội. Thế nhưng, chỉ sau một đêm hoặc hai ba đêm tưng bừng như thế, những đêm diễn cứ thưa dần khán giả, thậm chí là vắng vẻ...
Năm năm qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội có tới trên chục vở mới được đầu tư lớn và tương đối hay như Khi hoa nở trái mùa, Yêu là thoát tội, Mong gió đừng đổi chiều, Tình kỹ nữ, Duyên kiếp bạch trà, Nợ non sông, Đứng giữa trời xanh, Thất trảm sớ, Đường đua trong bóng tối, Nguồn sáng phía chân trời...
Thế nhưng, khi làm một khảo sát nho nhỏ về những đêm diễn trong năm cho một vở của nhà hát thì thấy thật ngỡ ngàng. Với những vở được cho là nhận được nhiều hợp đồng như Yêu là thoát tội, Khi hoa nở trái mùa, Mong gió đừng đổi chiều, Nợ non sông, Đứng giữa trời xanh... nếu tính bình quân, sáng đèn không quá ba đêm/tháng.
Còn những vở như Duyên kiếp bạch trà, Nguồn sáng phía chân trời, Thất trảm sớ...thì cả năm diễn chừng hơn chục buổi (phần lớn phục vụ chính trị), thậm chí vở Tình kỹ nữ ra mắt từ năm 2013 song suất diễn rất ít và giờ đây đã gần như lặng lẽ rơi vào im lặng.
Không riêng gì Nhà hát Cải lương Hà Nội mà gần như thực tế ấy đều hiển hiện ở các nhà hát khác. Đấy là Nhà hát Chèo VN tưng bừng với Đường trường tiếng đàn, Bắc lệ đền thiêng hay phục dựng một loạt vở chèo cổ như Lưu Bình - Dương Lễ, Từ Thức gặp tiên, Súy Vân... nhưng ngay sau đó suất diễn dành cho các vở không nhiều khi năm thì mười họa nhận được hợp đồng hoặc sáng đèn theo lịch diễn vào ngày cuối tuần.
Hoặc như mặc dù có rạp trung tâm Hồng Hà, vậy nhưng những vở mới như Phò mã Thân Cảnh Phúc, Nguyễn Tri Phương và cả vở phục dựng như Võ Tam Tư trảm cáo, Đô đốc Bùi Thị Xuân của Nhà hát Tuồng VN cũng hiếm khi được sáng đèn tại đây - trừ các dịp diễn để phục vụ chính trị...
Nhìn sang kịch nói thấy có phần bớt ảm đạm hơn. Dẫu vậy, “đình đám” như Nhà hát Tuổi Trẻ mà một số vở như Nhà ôsin, Thị Hến, Hồn Trương Ba da hàng thịt... được dựng những năm 2012, 2013 ít khi thấy có tên trong lịch biểu diễn hằng tháng. Hay như vở Điệp khúc virus, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Ông không phải bố tôi... của Nhà hát Kịch Hà Nội gần như không trở lại với khán giả trong thời gian qua.
Vở kịch Điệp khúc virus của Nhà hát Kịch Hà Nội sau đêm ra mắt vào năm 2013 gần như không sáng đèn trở lại |
Các vở tuồng được dựng mới hay phục dựng chỉ để phục vụ nhiệm vụ chính trị (một cảnh trong vở tuồng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng VN) |
Đến bằng vé mời cũng đã mừng
Sao các vở diễn ít được tổ chức bán vé để sáng đèn? Trước câu hỏi ấy, các giám đốc nhà hát ở Hà Nội phần lớn đều ngậm ngùi: Đã làm, nhưng đâu dễ!
Cái “đã làm” của các nhà hát trong mươi năm qua là thành lập phòng tổ chức biểu diễn, có phó giám đốc tổ chức biểu diễn; lập trang web, Facebook để giới thiệu thường xuyên về vở mới cùng lịch diễn và điện thoại giao dịch nếu ai có nhu cầu mua vé.
Tuy nhiên, các nhà hát đều cho rằng nhân viên phụ trách công việc này đã tỏa ra tất cả các nơi, các ngõ ngách để đưa vở diễn đến với công chúng. “Mới đầu ai cũng hào hứng vì nếu ký được các hợp đồng biểu diễn hay tổ chức được các đêm diễn thì sẽ được hưởng hoa hồng lên đến 50/50. Nhưng chỉ được đôi ba tháng mọi người bắt đầu rệu rã. Có người xin nghỉ, có người xin làm việc khác...” - ông Phạm Ngọc Tuấn, giám đốc Nhà hát Tuồng VN, nói.
Còn ở Nhà hát Cải lương Hà Nội, dù có rạp Chuông Vàng với vị trí “đắc địa” là phố Hàng Bạc nhưng “Chưa khi nào rạp kín cả nếu như diễn bán vé!” - NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, cho biết. Nói như thế để rồi ông giám đốc này nhớ lại cái thuở thơ ấu của mình (những năm 70-80 của thế kỷ trước) mỗi khi qua rạp Chuông Vàng luôn phát thèm vì thấy mọi người được xếp hàng mua vé, còn mình vì nhà nghèo quá mà đành đứng... ngó.
“Hồi ấy, người ta thật sự muốn đi xem cải lương và sẵn sàng mua vé. Nhưng giờ thì thói quen đó bị bỏ bẵng mấy chục năm do cơ chế bao cấp đến cả khán giả. Vậy nên thật khó khăn khi chúng tôi có ý định đỏ đèn liên tục các vở mới. Thôi đành ra mắt một đêm, sau đó chờ những đợt phục vụ chính trị hay thi thoảng có hợp đồng tại cơ quan, đơn vị, quận huyện thì diễn tiếp” - ông Hùng luyến tiếc nói.
Bàn đến câu chuyện khán giả, NSƯT Thúy Mùi - giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - kể: “Đi phát hành từng tấm vé tôi mới hiểu vì sao bây giờ khán giả ít quan tâm đến sân khấu như thế. Phần vì họ có quá nhiều mối quan tâm khác. Nhưng quan trọng hơn là tâm lý được mời, được miễn phí của thời bao cấp đã khiến họ mất hẳn thói quen mua vé vào rạp”.
Trong khi đó, những năm 1980-1990, dù không có rạp diễn cố định nhưng những vở như Nàng Sita, Sợi tơ vàng, Công chúa Ngọc Hân... của Nhà hát Chèo Hà Nội luôn phải tăng suất vì khán giả xếp hàng mua vé quá đông.
Riêng với kịch nói, chuyện khán giả tự tìm đến nhà hát mua vé vào xem như hồi những năm 1990 cũng đã... xa rồi còn đâu. “Thật khó khăn về công tác khán giả khi sân khấu không còn là một điểm đến duy nhất trong lĩnh vực giải trí. Vậy nên thấy khán giả đến kín rạp, dù là giấy mời, những người làm sân khấu đã thấy mừng lắm rồi” - NSND Hoàng Dũng, giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nói.
Được bao cấp để dựng vở Tất cả nhà hát ở sân khấu phía Bắc đều được dựng vở từ nguồn ngân sách nhà nước. Với các nhà hát trực thuộc Bộ VH-TT&DL, gồm Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN và Nhà hát Chèo VN, Liên đoàn Xiếc VN, ngoài phần chi trả lương cho gần 100 biên chế, mỗi năm đều được cấp khoảng 1,5 tỉ đồng để dựng hai vở mới và phục dựng, nâng cao hai chương trình cũ. Còn các nhà hát thuộc quản lý của Sở VH-TT&DL Hà Nội gồm Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn xiếc Hà Nội thì được cấp kinh phí dựng vở mới, phục dựng vở cũ theo số đoàn mà nhà hát có, với số tiền trung bình trên 500 triệu đồng/vở. Có vở lịch sử còn được cấp kinh phí lên đến gần 1 tỉ. “Nghe con số thì rất lớn nhưng số kinh phí ấy cũng chỉ vừa đủ dựng vở giữa thời cái gì cũng phải tiền, tiền. Kinh phí dành cho công tác biểu diễn cũng gói gọn trong đó. Có một bất cập là việc phân bổ kinh phí này bao năm qua vẫn được cào bằng. Nhà hát có hai đoàn biểu diễn cũng bằng nhà hát có bốn đoàn biểu diễn. Nhà hát hoạt động năng động cũng giống nhà hát chỉ thực hiện cho xong kế hoạch...” - ông Trương Nhuận - giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, cho biết. |
Ba tháng cho... vài đêm Để một vở diễn ra lò, nghệ sĩ, đạo diễn luôn phải làm việc quần quật từ hai đến ba tháng trời để chăm chút cho từng vai diễn. Nhưng sau hai hay ba tháng “rút ruột nhả tơ” ấy có thể chỉ để tỏa sáng trong... vài đêm, thậm chí là một đêm khi báo cáo vở mới hay may mắn hơn là được tham gia một liên hoan sân khấu nào đó. Rồi sau đó vở diễn tạm “cất kho”, thi thoảng nhận được dăm ba hợp đồng ở một số đơn vị nhân dịp lễ lạt, tổng kết thì mới tiếp tục lên đường... Chuyện sáng đèn thường xuyên ở một điểm rạp là điều... không tưởng. Vì thế, với nhiều nghệ sĩ làm nghề tâm huyết, không được biểu diễn thường xuyên là một nỗi buồn. “Từ lúc bắt đầu nhận vai cho đến khi công diễn vở mới mất ba tháng, chúng tôi luôn trong tình trạng “chập chờn cơn tỉnh cơn say” với nhân vật của mình. Sau những đêm công diễn, chúng tôi có đi diễn ở các tỉnh. Nhưng nhìn lại một cách tổng thể thì các buổi diễn không nhiều. Nghĩ cũng buồn nhưng đây là tình trạng chung của tất cả các nhà hát, kể cả các nhà hát đã có rạp riêng chứ không nói gì đến nhà hát chúng tôi chưa có rạp” - nghệ sĩ Trọng Bình, Nhà hát Cải lương VN, chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận