17/07/2011 21:00 GMT+7

Khi khán giả làm nhạc trưởng

VÕ CA DAO
VÕ CA DAO

TTO - Cả ba tầng của khán phòng Nhà hát thành phố chỉ còn vài ba chỗ trống; những tràng pháo tay không dứt của khán giả cũng phần nào đã nói lên sức hút của chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt 2011 (đêm cuối cùng vừa diễn ra tại TP.HCM ngày 16-7) nhằm gây quỹ cho chương trình học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam.

xa8quFaR.jpgPhóng to
Nhạc trưởng nhí - Ảnh: Gia Tiến

Những tác phẩm kinh điển của những soạn giả nổi tiếng như Prelude from Opera “Carmen” (Goerges Bizet), Introduction and Rondo Capriccioso op.28 (Saint Saens ), Tritsch-Tratsch- Polka” op.214, Overture from Operetta “Fledermaus” (Johann Strauss II)… qua phần trình diễn của những nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji đã chinh phục trọn vẹn trái tim người nghe.

Phần trình diễn đánh máy chữ cùng dàn nhạc ở tác phẩm Typerwriter (L.Anderson) lẫn tiếng mèo kêu, chó sủa ở tác phẩm Waltzing cat (L.Anderson) đã làm mọi người ngạc nhiên, thích thú.

Nhưng có lẽ phần ấn tượng nhất, hào hứng nhất, làm cả khán phòng “đã” nhất chính là phần Tập làm chỉ huy. Nhạc trưởng Honna Tetsuji đã chỉ huy dàn nhạc thực hiện tác phẩm Overture from Opera “Orpheus in the underworld” (Corner J.Offenbach) để thị phạm. Các khán giả sau đó sẽ lần lượt được mời lên sân khấu “bắt chước” làm nhạc trưởng.

Một cậu bé 11 tuổi, một cô bé 3 tuổi, một anh thanh niên, một cậu bé 7 tuổi đã lần lượt thay nhau làm chỉ huy dàn nhạc, và làm không khí nhà hát rộn ràng hẳn lên với những tràng pháo tay, những tiếng cười giòn tan hào hứng. Có những lúc, mọi người đã vỗ tay “hòa âm” theo dàn nhạc.

Một người nghe vốn chỉ thích nhưng không đủ trình độ am hiểu âm nhạc giao hưởng như tôi khó lòng biết được mức độ “tuân thủ” của các nhạc công trước những nhạc trưởng nghiệp dư này đến mức nào.

Nhưng rõ ràng các phần trình diễn ấy đã tạo được cho người nghe là tôi nhiều cảm xúc thú vị, ấn tượng. Một không khí gần gũi thực sự khi khán giả có thể cười vang với phần giao lưu cùng những nhạc trưởng nghiệp dư.

Cậu bé 11 tuổi nói không rõ tên cho rằng chỉ huy dàn nhạc là dễ, và nếu được cậu ta sẽ còn làm điều ấy. Anh chàng thanh niên thì vừa vung đũa, vừa nhún nhảy, sau đó bộc bạch: anh ước mơ được một lần đứng vào vị trí chỉ huy dàn nhạc, và trong cái lần đầu tiên này, anh vẫn như đang bay lơ lửng trên không… đến mức ngay cả khi dàn nhạc ngừng chơi, anh vẫn chưa “đáp đất”.

FVgsRiZA.jpgPhóng to
Một khán giả lên làm nhạc trưởng - Ảnh: Gia Tiến

Thêm một chút ngẫu hứng như thế ở phần giữa chương trình. Thế là khán giả chẳng cần phải giải lao, dành thời gian để tiếp cận với nhạc giao hưởng ở một góc độ khác, rất ấn tượng, rất sinh động, và gợi đầy cảm giác tò mò muốn tìm hiểu: người chỉ huy phải làm sao để dàn nhạc hiểu ý, cách nào để mời các nghệ sĩ đứng dậy cám ơn những tràng pháo tay của người nghe….

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh trước đó đã đem công chúng tiếp cận với nhạc giao hưởng bằng Nhật ký dương cầm (tháng 2-2011 tại Hà Nội, và tháng 4-2011 tại TP.HCM). Chuỗi chương trình mang tên “Giai điệu trẻ” do Thành đoàn TP.HCM và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố phối hợp thực hiện định kỳ vào ngày 29 hằng tháng hoàn toàn miễn phí cũng là cách để đem nghệ thuật bác học đến với mọi người.

Với chương trình hòa nhạc này, những người thực hiện đã đem nhạc giao hưởng đến gần hơn với người nghe bằng một cách khác.

Ấm áp với những nỗ lực đem nghệ thuật đến với khán giả, và mong sẽ có nhiều hơn những chương trình nghệ thuật với những sự sáng tạo không ngừng như thế.

VÕ CA DAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp