04/03/2012 07:12 GMT+7

Khi khán giả cần... sợ hãi

QUANG THI
QUANG THI

TT - Kịch kinh dị đang là trào lưu hút khách, các chủ sân khấu cũng luôn ưu tiên cho các đạo diễn trẻ dựng. Nhưng để giữ chân khán giả phải là nội dung, thông điệp của vở diễn; không đơn giản chỉ là bày trò ú tim.

KWyiAcMA.jpgPhóng to
Một số vở kịch kinh dị gần đây - Ảnh tư liệu

Thử sức với kịch kinh dị

Cách đây hơn năm năm, khi các sân khấu ở TP.HCM bắt đầu cảm thấy cũ mòn với những yếu tố hài, những chuyện tình trẻ - tình già... thì kịch kinh dị ra đời rụt rè thăm dò như một hướng đi mới. Mảng kinh dị ngày đó còn có những giới hạn, kiêng dè, ví dụ như không diễn vào những ngày vui vẻ, sum họp như ngày đầu năm, ngày tết. Nhưng nay mọi sự đã khác.

Tết 2012, kịch kinh dị diễn luôn từ mồng một, trải đều khắp các mồng. Ngày lễ tình nhân (14-2) phim kinh dị vẫn ra rạp, kịch kinh dị vẫn sáng đèn. Đi qua rạp Đại Đồng, thấy lịch diễn từ đầu tuần đến cuối tuần chỉ một đề tài kinh dị. Đủ thấy đề tài kinh dị đang được khai thác tối đa thế nào!

Đề tài kinh dị thịnh hành cũng là một cơ hội cho các đạo diễn trẻ. Khi giới thiệu mình với một sân khấu mới nào đó, những đạo diễn trẻ luôn được ưu tiên đề tài kinh dị. Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết có những sân khấu đặt vấn đề với anh là nếu có kịch bản đề tài này sẽ được ưu tiên dựng ngay. Đạo diễn trẻ Lê Hay, người dựng vở Tử thi không đầu cho Nhà hát Thế giới trẻ, lý giải nếu làm kịch kinh dị những người trẻ có thuận lợi là có thể vay mượn nhiều thủ pháp, hiệu ứng rùng rợn từ phim ảnh nước ngoài. Nguồn tham khảo này rất dồi dào.

Trong khi đó, nếu dựng một vở diễn tâm lý, các đạo diễn trẻ dễ bộc lộ sự non nớt, thiếu vốn sống, lúng túng trong cách giải quyết vấn đề... Nhưng với đề tài kinh dị, những thủ pháp sân khấu, những trò hù dọa, ú tim... sẽ bù đắp được khoảng trống đó. Bởi phải chăng khán giả bỏ tiền vô rạp xem kinh dị họ cần được... sợ hãi trước đã!

Lối mòn của công thức

Lê Hay cho biết nhà sản xuất thường yêu cầu theo một công thức: sợ hãi + hài hước. Nghĩa là sợ đó nhưng phải cười ngay. Rõ ràng sân khấu Sài Gòn không bao giờ thiếu yếu tố hài hước. Cả những vở bi kịch đi nữa thì sau những cao trào kịch tính, những khoảng lặng rơi nước mắt... vẫn là những tiếng cười.

Tuy nhiên, với Thái Hòa - đạo diễn trẻ từng thành công với hai vở Người vợ ma, Trái tim máu trên sân khấu kịch Phú Nhuận - công thức này đang đưa đề tài kinh dị đi vô lối mòn. Theo Thái Hòa, sự đầu tư dễ dãi, đi theo công thức khiến những vở diễn sau không có sự sáng tạo, kế thừa mà chỉ là sự lặp lại của vở diễn trước. Khi nghe khán giả phản ảnh điều này buộc Thái Hòa phải suy nghĩ. Dù kinh dị hay là đề tài gì đi nữa, người xem vẫn cần những sự sáng tạo khác nhau, màu sắc khác nhau cho từng vở diễn.

Trước đây, khán giả đứng trước phòng vé thường hỏi: “Vở này ai đóng? Có ngôi sao nào không?”. Giờ đây khán giả hỏi: “Vở này đề tài gì? Hài không? Kinh dị không?”. Rõ ràng kinh dị đã trở thành một mảng đề tài cho sân khấu, phim ảnh hôm nay. Đạo diễn trẻ Quốc Bảo - người dựng hai vở kinh dị Lầu hoang, Họa hồn cho sân khấu Thế giới trẻ - đồng ý rằng đạo diễn trẻ đang được tạo điều kiện với đề tài kinh dị. Tuy nhiên, anh cũng không đồng ý là hễ làm kinh dị là “thắng” mà quan trọng là cách nào.

“So với mặt bằng chung, kịch kinh dị mới lạ, được khán giả chào đón. Nhưng không phải cứ hễ làm kinh dị là thành công. Điều quan trọng là người làm có chuyên nghiệp không, có nghiêm túc không, thủ pháp sân khấu như thế nào. Nếu khai thác đề tài này ồ ạt mà thiếu tính nhân văn, e rằng đến lúc nào đó khán giả cũng sẽ quay lưng với đề tài này thôi” - Quốc Bảo cho biết.

Trên sân khấu TP.HCM hiện nay có nhiều đạo diễn trẻ đã chọn đề tài kinh dị để làm vở đầu tay ra mắt. Ở sân khấu Phú Nhuận có Thái Hòa (Người vợ ma, Trái tim máu), Xuân Trang (Oan gia, Ma sói, Thứ sáu ngày 13); nhà hát Thế giới trẻ có Quốc Bảo (Lầu hoang, Họa hồn), Lê Hay (Tử thi không đầu). Các đạo diễn lão thành, đàn anh đàn chị của họ cũng khai thác đề tài này với số lượng vở phong phú như đạo diễn Đoàn Bá (Hồn trinh nữ, Áo đợi người - kịch Sài Gòn), Trần Ngọc Giàu (Hồn ma báo oán, Quỷ, Biệt thự ma - kịch Sài Gòn), Hồng Vân (Giếng lạ, Sám hối, Căn hộ 404, Ngôi nhà hoang - kịch Phú Nhuận), Vũ Minh (Hạnh phúc trên đồi hoa máu - kịch IDECAF).

“Giờ đây, phải nói rằng mảng kịch kinh dị là một món ăn không thể thiếu trong thực đơn kịch mục. Khi chia mảng kịch kinh dị ở sân khấu Superbowl và kịch tâm lý ở sân khấu Phú Nhuận, chúng tôi nhận thấy khán giả ở sân khấu Phú Nhuận thường là những người đứng tuổi, còn kịch kinh dị ở sân khấu Superbowl chủ yếu là đông đảo khán giả trẻ. Bởi chăng lớp trẻ hiện nay hằng ngày tiếp nhận rất nhiều thông tin, họ cần một cái gì đó tạo cảm xúc mới lạ đối với họ. Với sân khấu hiện nay, mảng kịch kinh dị làm được điều đó!” - nói về đời sống kịch kinh dị hôm nay, NSƯT Hồng Vân đã bộc bạch như vậy.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp