08/01/2019 16:56 GMT+7

Giật mình học sinh xài điện thoại 6 tiếng/ngày

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Ở TP.HCM có 37,7% học sinh sử dụng điện thoại từ 5-6 tiếng/ngày. Tại tỉnh Bình Dương tỉ lệ này là 41,2 %'. Và điều đáng lưu tâm là khá nhiều học sinh cho biết các em cảm thấy lo sợ, bất an khi không có điện thoại bên cạnh.

Giật mình học sinh xài điện thoại 6 tiếng/ngày - Ảnh 1.

Hà My (bìa trái) và Tấn Phát (bìa phải) giới thiệu đề tài nghiên cứu của nhóm mình với người dự khán tại Vòng chung kết Hội thi KHKT sáng 8-1. Ảnh: H.HG

Đó là kết quả nghiên cứu của 2 học sinh Trần Thị Hà My, lớp 11A 12 và Huỳnh Tấn Phát, lớp 11A 2, Trường THPT Trần Văn Giàu, TP.HCM với đề tài "Thực trạng và giải pháp cho hội chứng nomophobia - nỗi sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh".

Đề tài trên đã lọt vào Vòng chung kết hội thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố (do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 8-1 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong).

Phát và My tâm sự: "Trong thời đại smartphone lên ngôi như hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều hình ảnh học sinh trung học phổ thông cặm cụi vào chiếc smartphone, thậm chí là khi chờ đèn đỏ hay đi bộ qua đường. Và đề tài trên ra đời từ thực tế đó".

Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát với 700 học sinh THPT tại 4 trường THPT ở TP.HCM (gồm THPT Trần Văn Giàu - Quận Bình Thạnh, THPT Nguyễn Văn Tăng,  Quận 9, THPT Gia Định - Quận Bình Thạnh và THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Quận 3) và 2 trường THPT tại tỉnh Bình Dương (là trường THPT chuyên Hùng Vương và trường THPT Nguyễn Đình Chiểu).

Với câu hỏi: "Thời gian mà bạn sử dụng điện thoại trong một ngày là bao lâu?", ở TP.HCM có 37,7% học sinh trả lời là sử dụng điện thoại từ 5-6 tiếng/ngày, còn tại Bình Dương tỉ lệ này là 41,2%. Đặc biệt tại đây có đến 4,2% học sinh ở nhóm trường học lực giỏi chọn phương án sử dụng nhiều hơn 7 tiếng/ngày; ở TP.HCM tỉ lệ này là 3,8%.

Theo Hà My: "Kết quả trên cho thấy điện thoại không còn đơn thuần chỉ là một thiết bị công nghệ hỗ trợ thông thường mà nó đã trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống các bạn học sinh. Và số giờ sử dụng điện thoại quá nhiều trong một ngày chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng Nomophobia - nỗi sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh". 

Với câu hỏi "Nếu tách bạn ra khỏi chiếc smartphone bạn sẽ cảm thấy như thế nào?", chưa đến 10% học sinh trả lời cảm thấy thoải mái, bình thường. Còn lại đa số học sinh trả lời cảm thấy bứt rứt, bồn chồn; khó chịu; hơn 20% cho biết không thể chịu đựng được; hơn 30% cảm thấy hoảng sợ, hoang mang, bất an.

Huỳnh Tấn Phát còn kể: với câu hỏi "Bạn sẽ làm gì để thoát khỏi trạng thái hoang mang, hoảng sợ khi không có điện thoại bên cạnh?", nhóm đã thu được kết quả: từ 17,4-25,1% học sinh (tùy loại hình trường giỏi hay trung bình - khá) khống chế nỗi sợ hãi bằng những hoạt động khác; từ 74,9-82,6% học sinh tìm mọi cách để sử dụng điện thoại.

Phát kết luận: "Số liệu khảo sát này một lần nữa cho thấy mức độ diễn biến nghiêm trọng của hội chứng Nomophobia. Không chỉ là những hệ lụy về mặt tinh thần trong nỗi sợ hãi, Nomophobia đang dần tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hành vi của người dùng điện thoại. Từ cảm giác hoang mang lo sợ, người dùng cố tìm mọi cách để sử dụng được điện thoại. Đây chính là một diễn biến phức tạp của của hội chứng Nomophobia mà chúng ta rất cần phải lưu tâm".

Và nhóm tác giả đã nghiên cứu để cho ra đời ứng dụng "Timer Tutorial" (phụ huynh có thể kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của con em mình) đồng thời đưa ra hàng loạt những giải pháp mang tính tích cực như tổ chức những hoạt động cộng đồng cho học sinh tham gia, ra đời trang Facebook "Share Everyday", kênh youtube "Radio sẻ chia", nhật ký "Nomophobia - Góc nhìn sẻ chia",…

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp