09/10/2013 09:14 GMT+7

Khi gan nhiễm mỡ

BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG(phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG(phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)

TT - Trong phòng khám tiêu hóa gan mật hiện nay, bệnh gan nhiễm mỡ khá thường gặp. Có bệnh nhân lo lắng quá mức, có người lại xem nhẹ, có người than phiền là bệnh khó trị, có người thắc mắc làm sao để phát hiện sớm, làm sao để phòng ngừa.

vMernqFd.jpgPhóng to
Siêu âm tầm soát bệnh lý về gan tại Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic - Ảnh: N.C.T.

Bài viết sau đây giúp bạn hiểu đúng hơn về căn bệnh khá thường gặp trong cuộc sống công nghiệp này.

Bệnh có nguy hiểm không?

Lá gan là một cơ quan nằm trong bụng chúng ta, nấp dưới bờ sườn bên phải. Trọng lượng lá gan thay đổi tùy theo chiều cao và cân nặng của mỗi người, dao động từ 1,1-1,6kg. Trong đó thành phần chất mỡ chỉ chiếm không quá 5% trọng lượng lá gan. Khi lượng mỡ tích tụ vượt quá 5% cân nặng của gan sẽ dẫn đến bệnh lý gan nhiễm mỡ.

Tùy theo nguyên nhân gây nên bệnh mà có thể nói gan nhiễm mỡ thật sự nguy hiểm không:

- Nếu nguyên nhân do rượu thì khả năng diễn tiến thành viêm gan mãn và xơ gan là cao (trên 50%), gây các biến chứng suy gan, xuất huyết tiêu hóa nên có thể được xem là nguy hiểm.

- Nếu do béo phì, dư cân, tăng mỡ máu thì theo quan niệm trước đây cho là khá lành tính không nguy hiểm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy các hạt mỡ tích tụ quá nhiều ở gan vẫn có thể gây viêm gan mãn tính do thoái hóa mỡ gan và dần dần dẫn đến xơ gan. Thống kê cho biết khoảng 10% tình trạng gan nhiễm mỡ do nhóm nguyên nhân này diễn tiến đến viêm gan mãn và xơ gan.

Người gầy cũng bệnh

Nhiều người cho rằng chỉ người mập mới bị gan nhiễm mỡ. Thật sự mập phì chỉ là nguyên nhân thường gặp nhất của gan nhiễm mỡ. Không mập phì vẫn có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Có thể liệt kê một số nguyên nhân làm gan nhiễm mỡ theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Hàng đầu là người uống rượu bia (90% số người thường uống rượu bia sẽ bị gan nhiễm mỡ).

- Thừa cân - béo phì - rối loạn mỡ máu.

- Đái tháo đường.

- Hội chứng chuyển hóa: huyết áp cao, thừa cân, tăng triglycerit (một loại mỡ máu), giảm HDL-C (một loại mỡ tốt trong máu), vòng eo to.

- Viêm gan siêu vi mãn tính: viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C.

- Dùng các thuốc độc cho gan. Cần chú ý là dùng quá liều các vitamin tan trong dầu, nhất là vitamin A, có thể gây nên gan nhiễm mỡ và thoái hóa mỡ ở gan. Một loại thuốc khác cũng gây tích tụ mỡ ở bụng và gan làm gan nhiễm mỡ là thuốc có chứa hoạt chất corticoid (có trong thành phần các thuốc trị hen suyễn, khớp và đông dược không rõ nguồn gốc).

- Suy dinh dưỡng.

- Thiếu chất đạm trong chế độ ăn (thiếu các acid amin để vận chuyển mỡ khỏi gan).

- Giảm cân quá nhanh (trên 1kg/tuần).

- Nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch liên tục kéo dài.

Đa số người bệnh không có triệu chứng vì tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên bệnh nhân khó cảm nhận được. Trên thực tế ngồi phòng khám, chúng tôi nhận thấy hơn 2/3 trường hợp gan nhiễm mỡ được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi khám bệnh vì một bệnh lý khác. Biểu hiện nếu có và thường gặp nhất là mệt mỏi, cảm giác tức nặng vùng gan (vùng dưới bờ sườn bên phải) và có thể làm gan to ra. Gan nhiễm mỡ cũng có thể gây tình trạng vàng da, buồn nôn và nôn, chán ăn nhưng rất hiếm.

Xét nghiệm để chẩn đoán thường dùng là siêu âm bụng và xét nghiệm máu để đánh giá men gan, chức năng gan và một số xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân.

Đáng lưu ý bệnh có thể điều trị được nếu biết nguyên nhân và cần kiên nhẫn vì quá trình hồi phục của gan có thể kéo dài, có khi cần đến 1-2 năm. Bệnh không quá nguy hiểm trừ trường hợp gan nhiễm mỡ do uống rượu bia.

Để phòng bệnh:

- Không uống rượu bia.

- Nên xét nghiệm kiểm tra xem có bị nhiễm siêu vi viêm gan. Nếu có cần được theo dõi và điều trị kịp thời. Nếu chưa mắc bệnh thì nên chủng ngừa.

- Cần tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh những thuốc gây độc cho gan.

- Phòng ngừa các bệnh đái tháo đường, béo phì, thừa cân.

Nếu mắc bệnh:

- Tham vấn bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để có kế hoạch theo dõi điều trị thích hợp.

- Hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol (đồ lòng, phủ tạng, da động vật, lòng đỏ trứng).

- Hạn chế sử dụng chất béo: nếu dùng thì nên chọn dầu thực vật, tránh mỡ động vật.

- Một số thức ăn được xem là “thuốc” có tác dụng giảm mỡ như dầu đậu nành, cà chua, ớt vàng, rau ngót, cần tây, tỏi, bắp chuối, chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín, trà xanh. Các thực phẩm này còn có thêm tác dụng chống gốc oxy hóa, chống lão hóa cho cơ thể.

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây (mỗi ngày nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi).

- Ngưng uống rượu, bia.

- Tập thể dục thường xuyên ít nhất 15-30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.

BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG(phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp