04/09/2004 08:09 GMT+7

Khi Dương Tường dịch tiểu thuyết

ĐẶNG THÁI HUYỀN
ĐẶNG THÁI HUYỀN

TTCN - Trong hai năm liên tiếp, với hai tác phẩm văn học dịch Con đường xứ Flandres (Claude Simon) và Cái trống thiếc (Gunter Grass), dịch giả Dương Tường đã nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN (năm 2002) và sau đó là giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (năm 2003).

0Gs7Ufp4.jpgPhóng to
Dịch giả Dương Tường
TTCN - Trong hai năm liên tiếp, với hai tác phẩm văn học dịch Con đường xứ Flandres (Claude Simon) và Cái trống thiếc (Gunter Grass), dịch giả Dương Tường đã nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN (năm 2002) và sau đó là giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (năm 2003).

Ở tuổi 72, dù trên quầng trán nếp nhăn cứ ngày một đan dày nhưng Dương Tường vẫn hăng say dịch thuật như cây bút không ngừng viết đến giọt mực cuối cùng, như ngọn đèn muốn cháy đến cạn dầu mới chịu tắt…

Dương Tường là một trí thức đa tài. Dường như ông muốn ôm mọi “nghiệp chướng” vào mình: không chỉ là một dịch giả, ông còn viết phê bình văn học, phê bình mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu… và cả làm thơ.

Nhưng Dương Tường trên hết vẫn là một dịch giả có uy tín lớn và với vai trò này không thể không nhắc tới những tác phẩm kinh điển của nền văn học thế giới đã được ông chuyển ngữ thành công sang tiếng Việt: Cuốn theo chiều gió (M.Mitchell), Đồi gió hú (E.Bronte), Anna Karenina (L.Tolstoi - dịch cùng Nhị Ca), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Satre), Othello, Đêm thứ 12 có gì mà rộn (kịch của W. Shakespeare)…

Hơn 40 năm gắn với công việc dịch thuật, ông đã chuyển ngữ hơn 50 tác phẩm văn học của những nhà văn tiêu biểu thuộc nhiều quốc gia như Liên Xô (cũ), Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Áo, Hi Lạp, Nhật Bản, Nam Phi, Brazil… và dịch chủ yếu từ bản tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt.

40 năm là trọn một thời tuổi trẻ, tính ra cứ mỗi năm ông dịch xong một cuốn tiểu thuyết, công việc thật chẳng dễ dàng gì. Có thể nói ông đã có đóng góp không nhỏ cho nền văn học dịch VN, góp sức bắc nhịp cầu văn chương thế giới đến với người đọc trong nước.

Tự học

Điều đáng ngạc nhiên là Dương Tường đã tự học ngoại ngữ. Đang học dở lớp đệ tứ (lớp 9) thì cuộc cách mạng dân tộc diễn ra, thế là cậu học sinh Trần Dương Tường 14 tuổi đã rời trường lớp, bạn bè đi theo cách mạng mà trong lòng không nguôi niềm mơ ước được học sâu tiếng Pháp. Trên khắp nẻo đường chinh chiến, lúc nào trong chiếc balô của Dương Tường cũng có một cuốn từ điển tiếng Pháp.

Ông vẫn muốn hoàn thiện vốn tiếng Pháp khi ấy mới chỉ đạt đến trình độ giao tiếp. Đêm đêm, khi mặt trận ngưng tiếng súng, ngay cả giữa rừng già đầy sương lạnh và muỗi độc, ông cũng chong đèn ngồi tranh thủ học tiếng Pháp. Dương Tường kể lần nào đơn vị có dự định đánh đồn Tây ông cũng đi vì sẽ có cơ hội để “săn chiến lợi phẩm” là vài quyển sách hay báo chí bằng tiếng Pháp.

Một cựu chiến binh cùng đơn vị với Dương Tường đến nay vẫn còn nhắc kỷ niệm khi đánh chiếm đồn Hói Đào (Nam Định). Trong khi bạn bè say sưa với đống súng ống, lựu đạn… chiếm được thì một mình Dương Tường mê mải lục tìm trong đống đồ đạc của giặc ít sách tiếng Pháp. Lần đó Dương Tường đã tìm được cuốn Phía Tây không có gì lạ của Remarque mà sau này được dịch thành sách rất đắt giá.

Khi hòa bình lập lại ông trở về Hà Nội, tiếp tục nuôi ý chí học ngoại ngữ để dịch sách nước ngoài. Cũng vẫn hoàn toàn tự học, tự mày mò bằng cách miệt mài lên Thư viện quốc gia, ông không chỉ học thông thạo tiếng Pháp mà thêm cả tiếng Anh: “Trường học của tôi là thư viện”. Đến bây giờ ông vẫn mê lên thư viện. Có khi đọc quên về nhà! Bạn bè tìm đến nhà, vợ ông cũng… chỉ lên thư viện!

Dương Tường kể ông dịch Cái trống thiếc từ bản tiếng Anh, có tham khảo thêm bản tiếng Pháp. Để tác phẩm này đến được tay độc giả Việt, ông đã làm việc “khổ sai” hơn một năm trời để dịch. Hai tháng cuối cùng gấp rút hoàn thành cuốn sách, ông tự bỏ tiền túi lên trại sáng tác Đại Lải, rồi trại Tam Đảo thuê phòng, ngồi rịt trong phòng quên mưa mặc nắng để dịch. Khi sách in ra, ông được nhận nhuận bút 7 triệu đồng, không đủ mua sách tặng bạn bè. Có bạn đến chơi, vợ ông lại phải chạy ra hiệu sách gần đấy mua thêm vài cuốn để tặng.

Một dịch giả kỹ tính

Năm 1961, Dương Tường bắt đầu dịch tác phẩm đầu tiên là vở kịch Hải âu của văn hào Nga Chekhov. Vừa chập chững dịch ông đã chọn ngay tác phẩm khó của một tác gia nổi tiếng khiến nhiều người bảo ông “liều”. Thật ra Dương Tường không hề liều: trước khi dịch ông đã chuẩn bị vốn văn hóa đọc khá dày. Và bản dịch Hải âu thành công ngay lập tức.

Trước khi dịch tác phẩm nào ông cũng đều kỳ công tham khảo, tìm hiểu rõ về tác giả, tác phẩm và điều đó trở thành nguyên tắc làm việc. Ông đọc hàng chục tác phẩm của một tác giả rồi mới chọn ra tác phẩm tiêu biểu để dịch, bởi ông quan niệm làm vậy mới đem lại lợi ích thiết thực cho văn học nước nhà. Ông không bao giờ đuổi theo tác phẩm đang được coi là bestseller, gây xôn xao nhờ chiến dịch quảng cáo mà ông chưa có sự thẩm định đáng tin cậy hoặc tác phẩm đó không tiêu biểu cho nền văn học bản xứ cũng như của chính tác giả đó.

Đối với Dương Tường, người dịch là đồng tác giả. “Dịch văn học là “tái tạo” nguyên tác và người dịch phải làm bổn phận “tái tạo” ấy như một nghệ sĩ đầy cá tính. Sự trung thành với nguyên tác không hề loại trừ cá tính mà vẫn để một lề rộng cho sự phát huy sáng tạo, nhằm đạt tới cuộc “hôn phối hài hòa” giữa nguyên tác và cá tính người dịch, một “hôn phối mỹ học” giữa tác giả và dịch giả”- ông nói. Chính bởi những điều ấy, những đoạn khó hiểu ông sẵn sàng bỏ cả tuần lễ lên thư viện để tra cứu, nghĩ cách dịch cho thỏa đáng.

Nhiều người nhận xét: đọc văn dịch của Dương Tường như được ăn một bữa cỗ đã chuẩn bị quá công phu, không hề có hạt sạn.

Tiểu thuyết Cái trống thiếc của nhà văn Đức Gunter Grass viết cách đây hơn 50 năm là một trong những tác phẩm dịch tâm đắc nhất của Dương Tường, cũng là tác phẩm dịch nhận được rất nhiều lời khen. Đại sứ quán Đức tại VN rất hài lòng về thành công của bản dịch này. Theo họ, đây là tác phẩm xuất sắc và “khó tiếp nhận” ngay cả với nhiều người Đức cũng như người Pháp (vốn được coi là có “phông” văn hóa sâu rộng); buộc người dịch không chỉ có tài mà phải có tâm, chịu đầu tư thời gian và công sức.

ĐẶNG THÁI HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp