Hai chú khỉ đột trẻ ở Rwanda được ghi nhận đang phá bẫy của bọn săn trộm - Ảnh: Dailymail
Chúng ta thường cho rằng mình thông minh hơn các loài động vật họ hàng gần, chẳng hạn khỉ đột. Thực tế có phải vậy?
Khỉ đột đang sống tại Vườn quốc gia Rwanda được ghi nhận là đã học được cách tránh khỏi bẫy của bọn săn trộm và thợ săn, thậm chí còn phối hợp với nhau phá hỏng bẫy.
Theo trang ScienceAlert, khỉ đột lớn tuổi thường đủ sức tự giải thoát chúng khỏi bẫy nếu vô tình mắc phải, nhưng khỉ con lại không may mắn như vậy.
Bẫy thòng lọng thường được tạo ra bằng cách buộc một vòng dây thòng lọng vào một nhánh tre cao. Nguời ta sau đó sẽ kéo nhánh tre cong xuống, và cố định thòng lọng trên mặt đất, đồng thời ngụy trang lên bằng đất, đá hoặc lá nhằm giữ chắc chắn bên dưới.
Khi con vật đạp vào thòng lọng, bẫy sẽ kích hoạt, dây thòng lọng siết chặt nạn nhân và nhấc lên cao nếu trọng lượng con vật đủ nhẹ.
Một nhóm nghiên cứu tại Rwanda cho biết họ đã tìm thấy các nhóm khỉ đột trẻ tuổi chủ động tìm kiếm và tháo dỡ bẫy, ngăn chặn đồng loại trở thành nạn nhân.
Nhóm này quan sát được một chú khỉ đột kéo và bẻ gẫy cành tre có bẫy, con khác thì vô hiệu hóa dây thòng lọng, và chúng lặp lại hành động này với nhiều chiếc bẫy.
Họ tin rằng chúng đã nhận ra mối liên hệ giữa bẫy và cái chết của anh chị em mình qua những lần chứng kiến, dẫn đến sự ra đời của hành vi này.
Chris Tyler-Smith, nhà di truyền học tại Viện Sanger ở Anh, cho hay "hầu hết gen của chúng ta rất giống, hoặc thậm chí tương tự như gen khỉ đột". Điều này có thể giúp giải thích chúng học hỏi được cách thức bẫy hoạt động, xác định bẫy và phối hợp cùng nhau để tháo dỡ chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận