Tình nguyện viên chăm sóc F0 tại bệnh viện dã chiến Phú Nhuận 01 (TP.HCM) trong đợt dịch COVID-19 thứ tư năm 2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cao điểm ở đợt dịch kéo dài suốt nhiều tháng trời trong năm 2021, người ta đã nhìn thấy một không khí hừng hực chất trẻ khi không phải hàng ngàn mà đến hàng chục ngàn thanh niên đã mang cùng tên gọi "tình nguyện viên chống dịch", sát cánh cùng TP đẩy lùi dịch bệnh.
Lúc "dầu sôi lửa bỏng", ghi nhận từ cổng thông tin Go Volunteer! do Hội LHTN Việt Nam TP.HCM điều hành (dưới sự chỉ đạo của Thành Đoàn TP.HCM) đã có hơn 72.000 bạn trẻ đăng ký tình nguyện hỗ trợ các hoạt động chống dịch.
Nếu phải quay lại, tôi vẫn đi chống dịch
Đến tận bây giờ, anh Mạc Tư Khoa (quận Bình Tân) vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại hình ảnh bệnh nhân COVID-19 nằm la liệt ở bệnh viện khi anh đến đây tình nguyện chống dịch. "Nếu phải quay lại, tôi vẫn tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch. Thật sự là lúc "ra trận" mình không sợ gì cả, chỉ nghĩ làm được điều gì đó có ý nghĩa là thấy vui rồi", anh bộc bạch.
Dịch bùng phát, phải nghỉ việc nằm nhà, lướt mạng thấy thông tin cần người hỗ trợ chống dịch, Khoa đăng ký liền. Qua Go Volunteer!, Khoa điền tên và được phân về địa bàn quận 4, tham gia đội hình trực ATM oxy. Hơn hai tháng "trực chiến" tại trụ sở Quận Đoàn 4, anh cùng các bạn trẻ luôn sẵn sàng 24/24. Cứ chuông điện thoại reo lên là vác bình oxy ra xe máy lao đi, bất kể ngày đêm, mưa nắng.
"Có khi chốt chặn nhiều quá, tôi vác bình oxy chạy bộ vào hẻm cho nhanh. Nhưng cũng có lúc chậm một nhịp, bệnh nhân làm sao đợi mình được", giọng Khoa chùng xuống.
Một trong những đội hình chống dịch được đánh giá là "máu lửa" chính là đội tình nguyện của các văn nghệ sĩ. MC Quỳnh Hoa - chủ nhiệm đội hình - cho biết ban đầu chỉ có sáu nghệ sĩ tham gia ngay sau lời kêu gọi cần người hỗ trợ truy vết tại quận Gò Vấp, và họ đã hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ làm việc gần như xuyên đêm.
Biết bao việc cần làm, số lượng văn nghệ sĩ tình nguyện mỗi lúc một tăng. Từ lấy mẫu xét nghiệm, dọn dẹp ký túc xá làm nơi cách ly đến hát phục vụ ở các bệnh viện dã chiến, khuân vác nhu yếu phẩm, đi chợ giúp dân... các anh chị không từ nan bất cứ việc gì.
"Nhiều hôm đội hình đi từ sáng đến 2-3 giờ khuya mới về nhưng nếu sớm hôm sau cần huy động, anh em lại lên đường. Thời điểm đó gần như chưa ai được tiêm mũi vắc xin nào nhưng không ai nề hà gì, làm quần quật không biết mệt", MC Quỳnh Hoa nhớ lại.
Đúng một năm sau ngày đầu "ra trận", Đội tình nguyện viên nghệ sĩ TP.HCM (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam TP.HCM) chính thức ra mắt. Họ đã có hơn 20 chương trình thiện nguyện, gieo yêu thương đến những mảnh đời khó khăn, đi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu vùng xa...
"Kết tập thanh niên chính là khi các bạn thấy hoạt động hay phong trào thật ý nghĩa sẽ sẵn sàng tham gia, muốn được cống hiến thật sự. Đoàn làm được điều này, sức hiệu triệu sẽ càng tăng", MC Quỳnh Hoa chia sẻ.
Khi Tổ quốc cần, thanh niên hành động
Trailer Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027
Chính trong những ngày dịch bệnh hoành hành ấy, người ta nhìn thấy sức mạnh của giới trẻ to lớn thế nào. Người đầu tiên phải nhắc đến chính là cha đẻ của ATM gạo - "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" Hoàng Tuấn Anh. Sau ATM gạo, cũng chính anh Tuấn Anh đã nghĩ đến ATM oxy, rồi cả ATM F0 và đã được phối hợp cùng nhiều đơn vị hiện thực hóa, góp sức giải quyết nhiều câu chuyện dịch bệnh đặt ra.
Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải nói ngay từ cuối tháng 4-2021, khi đợt dịch lần thứ tư bắt đầu, các cơ sở Đoàn đã chủ động phối hợp với lực lượng tuyến đầu, linh hoạt thiết kế, tổ chức các hoạt động gắn với việc thành lập, triển khai đa dạng các đội hình phòng, chống dịch bệnh ở tất cả phường, xã, thị trấn.
Không thể ra đường, không tổ chức hoạt động trực tiếp, vậy là truyền thông trực tuyến trên không gian mạng xuất hiện, trở thành cầu nối truyền đi các thông tin chính thống. Các thông tin chỉ đạo từ Chính phủ, TP nhanh chóng được chuyển tải. Và Go Volunteer! ra đời, trở thành kênh huy động và tổ chức lực lượng tham gia phòng chống dịch nhanh chóng, hình ảnh đông đảo tình nguyện viên chống dịch có mặt tại khắp các quận huyện, TP Thủ Đức phần lớn từ kênh kết nối này.
Trang sử chống dịch của tuổi trẻ TP mang tên Bác còn được viết với hoạt động tại tổng đài tiếp nhận và hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn để chuyển tải cho Trung tâm An sinh TP.HCM (đường dây nóng 1022), báo Tuổi Trẻ, tổng đài Chợ nghĩa tình, hệ thống SOSmap, trang điện tử Support Volunteer... để kịp thời đến ngay với người dân thật sự khó khăn.
"Các hoạt động cao điểm đã qua nhưng trong giai đoạn bình thường mới, tuổi trẻ TP tham gia góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Đồng thời chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, thanh thiếu nhi hậu COVID-19 về tư vấn tâm lý, sức khỏe, bảo trợ học tập, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm...", anh Hải thông tin.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những bạn trẻ tình nguyện khác trong cộng đồng cùng tham gia chống dịch vì "thấy việc phải làm" mà không đợi ai nhắc. Trong số đó, có người không may bị nhiễm bệnh và đã mãi mãi không trở về.
"Mệnh lệnh từ trái tim"
Hơn 2.200 đội hình tình nguyện với gần 413.000 lượt tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thành Đoàn TP.HCM cho biết đã vận động được hơn 112 tỉ đồng từ các nguồn cho việc phòng, chống dịch, chăm lo các đối tượng bị ảnh hưởng.
Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Trương Minh Tước Nguyên thông tin một trong các sản phẩm xuất bản dịp Đại hội Đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2022-2027 là ấn phẩm Mệnh lệnh từ trái tim bản in và điện tử, song ngữ Việt - Anh, ghi lại quá trình tuổi trẻ TP.HCM tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận