Đọc những bài viết xung quanh chuyện tổ chức đám tang, tôi nhớ đến một chuyện có thật được nghe cách đây chưa lâu không rõ nên coi là chuyện cười hay… mếu.
Là chuyện hai ông bạn, người này rủ người kia đến nhà một người bạn thứ ba "ăn tiệc", vì theo người này thì người bạn thứ ba "vừa trúng số đặc biệt nên đãi tiệc lớn lắm".
Tin lời, theo bạn đến nơi, người này mới… tá hỏa, hóa ra nhà người bạn thứ ba đang có đám tang và người quá cố không ai khác là cha người bạn đó.
Thắc mắc, người bạn kia trả lời hóm hỉnh: "Thì ổng là quan chức, lại là sếp; đám tang ông già rình rang vầy chắc cũng "thu nhập" bộn" (?!).
Như ngộ ra điều thú vị, người bạn thứ hai, vốn cũng là quan chức cấp sở, vỗ vai bạn mình: "À, vậy nhà tôi cũng coi như còn hai tờ đặc biệt, nhưng chưa biết bao giờ xổ" (ý nói còn cha mẹ già).
Tôi không rõ từ khi nào cùng với lễ tết và giỗ chạp, đám tang đã trở nên là dịp để người ta tìm cách (hay đúng hơn là lợi dụng) để thể hiện sự "biết điều" trong các mối quan hệ lợi ích, kiểu "bánh ít đi bánh quy lại" như câu chuyện nói trên.
Và tôi cũng không rõ từ khi nào đám tang đã trở nên "rượu thịt hóa" như ngày nay.
Chỉ biết chừng hơn mười năm trước ngoại trừ những đám tang chỉ cúng hoa quả và đồ chay thì tang chủ tiếp khách cùng lắm cũng chỉ gồm món cháo dành cho những người thức khuya để tang gia bớt hiu quạnh cùng 1-2 món cơm cho khách đến viếng.
Rượu thỉnh thoảng cũng có nhưng mỗi bàn thường chỉ có một chai chia mỗi người một ly, uống như thể mang tính lễ nghĩa và chia buồn cùng tang chủ.
Song ngày nay hầu hết đám tang đều rầm rộ với đủ món như thể một bữa tiệc, có đám tang thậm chí còn thịnh soạn như… đám cưới!
Rượu (có khi cả bia) được rót và uống tràn lan, từ khách đến viếng và cả gia chủ. Tiếng "dzô dzô" thường dùng cho các bữa tiệc mừng cũng không ngại được xuất hiện ở đây.
Ngày nay không khó bắt gặp hình ảnh những đám tang từ thành thị đến nông thôn có dàn nhạc sống vọng ầm ầm với các bài hát đủ thể loại, cung bậc được trình bày bởi các giọng ca chếnh choáng hơi men của khách đến dự và cả gia chủ.
Không dừng lại ở đó, ngày nay nhiều đám tang còn tỏ ra rất phản cảm khi mời những người chuyển giới đến "biểu diễn" các màn múa lửa uốn éo. Những bản nhạc pop, rock cũng không ngại được bật với công suất lớn nhằm phụ họa màn trình diễn của các "diễn viên".
Trong cơn say, thậm chí có nhiều thành viên trong tang gia cũng cao hứng nhảy ra hò hét uốn éo phụ họa, cười giỡn vô cùng phản cảm.
Nhiều đám tang gia chủ còn mời cả một nhóm hài nghiệp dư hoặc nhóm xiếc, ảo thuật đến biểu diễn phục vụ (!).
Người viết bài này từng đến viếng nhiều đám tang và chứng kiến các đám tang bây giờ không còn lặng lẽ bao trùm một nỗi buồn man mác như ngày trước. Bây giờ, từ xa nếu chỉ nghe âm thanh từ dàn nhạc và các bài hát rất khó đoán được đâu là đám tang đâu là… đám cưới (?!).
Đành rằng người mất thì đã mất, người ở lại buồn đến mấy cũng không thể làm gì hơn cho người đã khuất song liệu có đáng vui để tổ chức một đám tang huyên náo đến nỗi đôi khi gây phiền hà cho hàng xóm và cả người đến chia buồn nghiêm túc (?!).
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Với một đám tang ồn ào và "vui vẻ" như thế rất khó mong một sự thành kính và thái độ đúng mực nơi người đến viếng.
Tôi cho rằng đang có cách nhìn khác, thái độ khác về đám tang hay nói đúng hơn có vẻ như đang có sự xuống cấp nghiêm trọng về "văn hóa đám tang" nhìn từ góc độ khách đến viếng lẫn các tang chủ.
Để đám tang vừa là để thương tiếc cho gia chủ, vừa không thành gánh nặng cho gia đình thậm chí "kệch cỡm" trong mắt nhiều người, hơn ai hết gia chủ cần biết cách tiết chế mọi thứ liên quan đến lễ tang.
Đồng thời, về lâu dài nhà nước cần những quy định cụ thể hơn và có giải pháp chế tài (trước nhất) đối với cán bộ công chức nếu vi phạm (để làm gương), dẫu biết rằng đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Khó song vẫn phải làm (!).
Làm gì để đám tang vừa là thương tiếc người đã mất, đồng thời không thành gánh nặng cho gia đình? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận