Các thí sinh dự thi vòng chung kết cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” năm 2016 tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trước khi làm bài thi - Ảnh: KIỀU PHAN |
“Cuộc sống thật đẹp biết bao, nhưng cũng thật đau khổ biết bao! Chúng ta có được hạnh phúc hôm nay cũng là thấm đẫm giọt nước mắt ngày hôm qua. Tội ác chiến tranh giờ là dấu ấn trong lòng mỗi người, nhưng giờ đây đã đến lúc khép lại quá khứ và hướng tới tương lai”.
Đó là phần bài làm đầy cảm xúc của học sinh Nguyễn Truyền Vân Anh (lớp 7A1 Trường THCS Hoa Lư, quận 9) tại vòng chung kết cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” năm 2016 (do Sở GD-ĐT TP.HCM và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 29-10), cho câu hỏi số 1 của đề thi: “Chuyến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hẳn đã để lại trong em nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Nếu được yêu cầu viết vào sổ lưu niệm của bảo tàng, em sẽ viết gì (khoảng 3-5 câu)?”.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, đi cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học văn trong nhà trường phổ thông thì việc kiểm tra, đánh giá học sinh, các cuộc thi phong trào cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Ngay từ các vòng loại của cuộc thi này, đề thi đã đưa thí sinh đến với những vấn đề thực tế trong cuộc sống, khi yêu cầu các em viết về “Những điều bình thường thật đáng yêu trong cuộc sống”, “Từ thực tế những bữa cơm gia đình ngày càng thưa dần, hãy viết một văn bản nghị luận về ý nghĩa của những bữa cơm”, viết về “Người đặc biệt” của em...
Đến vòng chung kết, ban tổ chức cuộc thi đã quyết định cho 144 thí sinh (là học sinh THCS) đi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, sau đó mới trở về phòng thi, đọc đề thi và làm bài. Điều đặc biệt là nội dung đề thi cũng gắn liền với những gì học sinh đã “mắt thấy, tai nghe” trong chuyến tham quan. Có lẽ vì vậy mà đa số thí sinh đều cho biết rất hứng thú với đề thi.
Một thí sinh ở quận 3 chia sẻ: “Khi đọc đề thi xong, cảm xúc trong em dâng trào. Em đặt bút viết một mạch tất cả những suy nghĩ, những cảm nhận của mình”.
Một giáo viên văn ở quận 1 đã nhận xét: “Hiện nay, giáo viên không thể dạy theo kiểu khuôn mẫu như ngày xưa mà phải tạo điều kiện để học sinh được xem, nghe, nhìn, cảm thụ văn học. Giáo viên phải dạy học sinh kỹ năng viết văn, kỹ năng “đọc” những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống; phải khơi gợi và rèn luyện cho các em cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của mình, chứ không phải theo sự áp đặt của người lớn”.
Ý kiến trên cũng thể hiện được phần nào đặc điểm của những bài viết đoạt giải cao của cuộc thi năm nay: “Bài làm của các em học sinh có nhiều cảm xúc hơn, tự nhiên hơn và nhiều chất liệu cuộc sống hơn” - như ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tại buổi lễ trao giải thưởng của cuộc thi.
Đề thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” dành cho học sinh khối 8-9: “Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Trích Đất nước, Nguyễn Đình Thi) Từ những cảm xúc và suy nghĩ khi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, và từ những hiểu biết về lịch sử đất nước mình, em hãy viết bài văn về những tiếng vọng ngày xưa mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nói đến trong đoạn thơ trên. Tuổi Trẻ xin trích đăng vài đoạn bài làm của thí sinh: * “Một ngày nắng đẹp... Thành phố tôi sáng bừng nhịp sống mới. Những hàng cây vươn mình đón nắng. Những cánh bồ câu tung bay giữa trời xanh. Và bao dòng người tất bật qua lại. Một ngày mới nhộn nhịp tưng bừng. Nhưng có một nơi... Tách biệt khỏi nhộn nhịp, sôi nổi. Không gian lặng im. Một nơi chỉ toàn hai màu đen trắng gợn buồn man mác, đau đáu con tim và lạnh lẽo cõi lòng. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - nơi vọng về những tiếng vọng ngày xưa. Nơi thì thầm những câu thơ “Đất nước”. Nơi đã gợi lên cho tôi ngẫm suy... Tôi bước đi mà trong lòng xôn xao bao cảm xúc. Lần đầu tiên tôi thực sự ngược dòng về những năm tháng xa xưa. “Chiến tranh” - tiếng vọng ngày xưa cứ mỗi lần thốt lên là những nét buồn bất chợt hiện về trên gương mặt con người Việt. Hồi ức đau thương về những cuộc chiến đầy xương máu và nước mắt. Những nỗi ám ảnh về bom rơi, đạn lạc, khói lửa, hơi cay. Chiến tranh là tội ác, chiến tranh là hủy diệt. Chiến tranh là vết cắt vào trái tim dân tộc. Là tiếng vọng thất thanh giữa màn đêm, đôi khi văng vẳng bên tai ta. Không một người Việt Nam nào quên đi được điều đó, như một nỗi ám ảnh trong tâm trí ta. Cứ nhớ lại là nước mắt rơi và vụt tắt tiếng cười. Chiến tranh - tiếng vọng của quá khứ... Chiến tranh - cho tôi cơ hội nhận ra mình đang hạnh phúc như thế nào, từ đó trân trọng từng phút từng giây trôi qua hơn...”. (trích bài làm của Đoàn Nguyễn Tường Vy, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Hoa Lư, quận 9, bài đoạt giải ba của cuộc thi) * “Bạn có biết “những tiếng vọng ngày xưa” đó có ý nghĩa như thế nào không? Chính là để ta thêm tự hào về đất nước ta, dân tộc ta, là một bản hùng ca sống mãi với thời gian. Nó nhắc ta nhớ về quá khứ oanh liệt của những ngày tháng đấu tranh. Và, nó cũng nhắc ta nhớ về những đau thương mà chiến tranh gây nên. Hơn một ngàn năm sống dưới ách đô hộ của giặc phong kiến phương Bắc, dân ta đã phải chịu biết bao áp bức, tủi nhục. Rồi những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh tàn phá làng mạc, ruộng vườn, làm gia đình ly tán. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ xuống để giữ gìn hòa bình cho mai sau... Từ đó, những tiếng gọi ngày xưa vọng về, nhắc nhở ta về trách nhiệm của thế hệ trẻ. Nó nhắc cho ta nhớ về công lao to lớn của lớp người đi trước, để kế thừa và phát huy. Ngày nay, khi bầu trời đã im tiếng súng, thì ta phải giữ gìn cho nó thật trong xanh và yên bình, đồng thời vẽ lên đó những gam màu mới: gam màu của Việt Nam hiện đại, hội nhập và năng động. Bên cạnh đó, ta cũng phải giữ lại những mảng màu của quá khứ đẫm máu chiến tranh, để ta thêm quý trọng giây phút bình yên của hiện tại, để ta sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc”... (trích bài làm của Nguyễn Khánh Ly, học sinh lớp 9A8 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà Bè, bài đoạt giải nhất của cuộc thi) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận