Công chúng thưởng thức các tác phẩm của nghệ sĩ - Ảnh: MAI THỤY
Thứ cây trái phức hợp cảm giác ấy chính là những gì đọng lại đằng sau triển lãm Cuộc hôn nhân này của nghệ sĩ Võ Thủy Tiên.
Cuộc hôn nhân này giới thiệu đến công chúng 14 tác phẩm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, Q.2, TP.HCM), diễn ra từ nay đến ngày 21-7.
Bằng chất liệu ảnh, gốm sứ, video khi tách riêng, khi pha trộn với nhau, triển lãm là một tự sự của nghệ sĩ Võ Thủy Tiên về đời sống gia đình. Chủ thể trong những tác phẩm hầu hết là các loại cây trái, chén bát... tượng trưng cho việc nội trợ, sinh sản - vốn được gán ghép là nghĩa vụ của người phụ nữ.
Tuy nhiên, các chủ thể không trường tồn mà biến chuyển thành nhiều trạng thái theo dòng thời gian. Nếu một nửa trong tác phẩm Đu và Đủ cho thấy thuở ban đầu tươi mới, mơn mởn của tình yêu thì nửa kia lại tượng trưng cho một cuộc hôn nhân đã úa tàn.
Nếu sắc đỏ thắm của tác phẩm Cúng gợi nên niềm hân hoan trong ngày cưới thì hình ảnh nén nhang, trái bưởi, nải chuối lại dự báo về khả năng sinh sản của người làm dâu.
Cuộc hôn nhân này tập hợp những xúc cảm xen lẫn trải nghiệm của nghệ sĩ trong cuộc sống vợ chồng vốn đã vượt ra khuôn khổ của tình yêu và bị lấp đầy bởi nghĩa vụ, trách nhiệm...
Thế nhưng bỏ qua cuộc vật lộn trong đời sống gia đình được nghệ sĩ Võ Thủy Tiên trình hiện, công chúng có thể tìm thấy xa hơn những mâu thuẫn giữa cái khát khao cá nhân của nghệ sĩ và việc tường thuật chúng trước người xem.
Ở các tác phẩm của nghệ sĩ Võ Thủy Tiên, một chuỗi quá trình trong đời sống hôn nhân xuất hiện dưới từng chủ thể riêng rẽ. Trong 7 tác phẩm Vỡ và Gắn, sự vỡ nát của các bộ chén đĩa sứ chỉ được thể hiện qua hình ảnh video, còn cái khán giả thấy là một chiếc chén đã được dán ghép lại từ các mảnh vụn.
Hay như ở tác phẩm Đu và Đủ, quá trình chín nẫu, phân rã của quả đu đủ là kết quả của thứ ẩn sâu bên trong những xung đột gia đình của cá nhân tác giả. "Kết quả mang ý nghĩa lớn nhưng quá trình quan trọng hơn.
Việc truy đuổi kết quả có thành công hay không nằm ở chỗ tôi có thành thực trong cuộc "trình diễn" trước nhiếp ảnh/điêu khắc hay không" - nghệ sĩ Võ Thủy Tiên chia sẻ. Để làm được điều ấy, đồng nghĩa với việc nghệ sĩ phải chịu một sự "phản kích" từ gia đình và chính bản thân mình (như một thành viên trong gia đình) suốt quá trình thực hiện những tác phẩm.
Bên cạnh đó, chuỗi mâu thuẫn còn có thể mang đến người xem những suy tư nghiêm túc về hiện trạng của làn sóng nữ quyền trong xã hội: Liệu người phụ nữ đứng lên để cất tiếng cho chính họ, hay là đứng lên để rơi vào chiếc vòng cương tỏa khác?
Bản sao của nghệ thuật
Cuộc hôn nhân này, chẳng hẹn mà gặp, lại gợi nhớ cho nhiều người xem về bộ phim Certified Copy (2010) của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami. Certified Copy là một chuỗi đối thoại kỳ lạ trong mối quan hệ bí ẩn giữa nhà sử học mỹ thuật James (William Shimell thủ vai) và Elle (với sự diễn xuất của Juliette Binoche)- một người phụ nữ đã có con.
Cả hai gặp gỡ khi James đến Pháp để ra mắt cuốn sách Certified Copy. Trước khi James trở về Anh, họ đã có một chuyến lang thang trên khắp các nẻo đường và nói chuyện về giá trị của các bản sao trong nghệ thuật. Cuộc nói chuyện dần dẫn đến các vấn đề về hôn nhân, như thể họ là cặp vợ chồng đã cưới nhau 15 năm và đang gặp rắc rối trong đời sống gia đình.
Certified Copy là cuộc thử nghiệm táo bạo của đạo diễn Abbas Kiarostami cả về cách làm phim lẫn tư duy nghệ thuật. Bộ phim đã đặt ra những câu hỏi và cố gắng trả lời một trong số chúng: Liệu rằng những bản sao của các tác phẩm nghệ thuật có giá trị như bản gốc không? Và nếu có, liệu những vấn đề khác (như hôn nhân, tình yêu) có cho phép một "bản sao" tồn tại?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận